
Giải Phóng Sức Mạnh Tư Duy Phản Biện – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Giải Phóng Sức Mạnh Tư Duy Phản Biện của tác giả Thinknetic mời bạn thưởng thức.
– 2 –
ĐIỀU GÌ NGĂN CHÚNG TA ĐI TÌM SỰ THẬT?
“Mẹ! Bố! Con có chuyện cần nói!” đứa bé hét lên. Nó vừa về nhà sau ngày đầu tiên đi học và đang cảm thấy vô cùng khó chịu.
“Chuyện gì vậy con?”, bố mẹ cậu bé hỏi.
“Các bạn cười nhạo con.”
Bạn có thể nghĩ rằng đây là một câu chuyện đáng buồn về tình trạng bắt nạt học đường. Đúng, nhưng còn hơn thế. Cậu bé này đã bắt đầu đến trường mà không có một thứ rất quan trọng đối với đời sống xã hội của mình.
Khi cậu ra đời, bố mẹ cậu rất vui. Vì là những người thành đạt, họ muốn con mình cũng thành công trong cuộc sống.
Bố cậu đã nghe được một nghiên cứu thú vị. Ông kể cho vợ mình nghe và cả hai đều đồng ý rằng nó chẳng hại gì đến con mình.
Nghiên cứu này chính là Hiệu ứng Mozart nổi tiếng. Được công bố lần đầu tiên vào đầu những năm 1990, nghiên cứu chỉ ra rằng so với nhóm học sinh không nghe nhạc Mozart, những học sinh nghe nhạc Mozart đã biểu hiện tốt hơn trong một số bài kiểm tra về nhận thức1. Kết quả của các em này như thể IQ của chúng cao hơn 8-9 điểm so với các em nghe băng thư giãn hoặc không nghe gì. Hơn nữa, nghiên cứu này được công bố trên một tạp chí khoa học uy tín.
Điều này khiến các bậc phụ huynh cũng như các nhà khoa học rất phấn khởi. Mọi người đều muốn con mình tăng IQ theo cách đó. Thậm chí doanh số bán tai nghe cho trẻ em và đĩa CD Best Of Mozart (Những bản nhạc hay nhất mọi thời đại của Mozart) đã bùng nổ (hãy nhớ rằng đó là những năm 1990).
Tuy nhiên, gia đình trong ví dụ của chúng ta đã khá cực đoan. Cậu bé nọ học xong mẫu giáo một cách bình thường, nhưng khi lên tiểu học, những yếu kém ngày càng bộc lộ rõ hơn. Ngạc nhiên thay, cậu chẳng nghe gì ngoài nhạc Mozart.
Hơn nữa, điểm kiểm tra cao nhất của cậu cũng chỉ đạt trung bình, và cậu là nạn nhân của nhiều vụ bắt nạt nghiêm trọng chỉ trong vài tuần đi học.
Đó chính là lúc người mẹ quyết định nghiên cứu sâu hơn.
Các nhà khoa học nhận thấy nghiên cứu về Hiệu ứng Mozart rất khó tái lập, nhưng vẫn tiếp tục cố gắng. Thông thường, những người nghe Mozart cũng chỉ giỏi tương đương những người nghe các loại nhạc khác hoặc không nghe gì.
Người mẹ cũng phát hiện ra tác dụng nâng cao nhận thức của nhạc Mozart không đáng kể và có lẽ chỉ kéo dài một lúc sau khi bản nhạc kết thúc – bất cứ thứ gì kích thích nhẹ đều khiến học sinh làm bài kiểm tra tốt hơn một chút.
Tuy nhiên, bà thấy hối hận vì đã đặt tên cho con trai mình là Wolfgang.
Với Hiệu ứng Mozart, nghiên cứu thử nghiệm đó đã trở nên nổi tiếng đến mức mọi người thậm chí không chú ý đến các nghiên cứu tiếp theo. Các nghiên cứu khác ít kịch tính hơn nên không thu hút được sự chú ý của các bậc phụ huynh.
Mozart có đặc biệt không? Tất nhiên là có, về mặt âm nhạc. Nhưng có lẽ, trong não người không có một mô-đun Mozart đặc biệt mang lại khả năng học tập siêu phàm.
Việc không thể tái lập Hiệu ứng Mozart cho thấy hiệu ứng ban đầu là do đặc điểm chung của âm nhạc, giống như sự phức tạp hoặc sự thú vị. Các khía cạnh của tình huống thử nghiệm cũng có thể dẫn đến kết quả ấn tượng.
Phân tích gần đây cho thấy các nhà khoa học đã công bố thêm các kết quả “dương tính với Mozart” do những thiên kiến trong công bố khoa học. Điều này cũng giống như hiện tượng “thiên kiến xác nhận” mà chúng ta sẽ xem xét chi tiết trong chương này.
Bộ não mang lại cho chúng ta nhận thức và ký ức, vì vậy chúng ta cần liên tục đánh giá và đặt câu hỏi về các ý tưởng của mình. Bộ não tạo ra ấn tượng về thế giới 3D dựa vào ảnh võng mạc 2D. Chúng ta cũng tự động có cảm giác về thế giới 3D ngay trong các bản vẽ 2D. Tương tự, ý tưởng đầu tiên nảy ra trong đầu từ trí nhớ có thể dễ dàng bắt nguồn từ các quá trình nhận thức của chúng ta chứ không phải là một sự phản ánh chân thực hoặc một bản ghi của thực tại. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng nhận thức rõ hơn về việc trí óc có thể bóp méo thực tại như thế nào.
Tư duy phản biện (hoặc sử dụng lý luận hợp lý) không đơn giản như bề ngoài. Tất cả chúng ta đều có những thói quen ăn sâu vào suy nghĩ về con người, sự kiện, tình huống và vấn đề.
NÃO BỘ KHIẾN LOGIC “CHẬP MẠCH” NHƯ THẾ NÀO
Giống như bất kỳ kiểu tư duy nào, tư duy logic sử dụng các quá trình và hệ thống nhận thức hằng ngày của chúng ta. Nói ngắn gọn, các quá trình này bao gồm sự chú ý, trí nhớ, khả năng phán đoán, cùng khả năng ra quyết định và giải quyết vấn đề. Niềm tin, cảm xúc, ngụy biện, thiên kiến và sự tự nghiệm (heuristic) đều ảnh hưởng đến quá trình nhận thức của chúng ta.
Chúng ta phải thực tế về điều này, nhưng không quá bi quan. Những phán đoán và quyết định của chúng ta thường sẽ bị đẩy sang các hướng khác nhau bởi nhận thức và ký ức bị bóp méo.
May thay, chúng ta có thể giảm thiểu các khuynh hướng này bằng cách tìm hiểu về những sự biến dạng này và cách chúng hoạt động. Chúng ta có thể cân bằng chúng, nhưng trước tiên cần định nghĩa và giải thích từng thuật ngữ quan trọng.
Niềm tin là một phần quan trọng trong cuộc sống. Tất cả chúng ta đều có niềm tin sẵn có về sự vật, con người và ý tưởng, và thế hệ này sẽ truyền lại chúng cho thế hệ sau thông qua học tập xã hội. Đôi khi, chúng ta chỉ tin những gì mình muốn tin bất chấp bằng chứng chống lại nó; chúng ta có thể coi đó là mơ tưởng.
Vậy những niềm tin sai lệch bắt nguồn từ đâu? Bộ não không cố ý lừa dối con người, nhưng biết sự thật không phải lúc nào cũng là mối quan tâm chính của nó. Niềm tin sai lệch là sản phẩm phụ từ quá trình thích ứng tâm lý trong học tập xã hội. Học tập xã hội hỗ trợ nhiều nhiệm vụ hữu ích, chẳng hạn như học tiếng mẹ đẻ. Là loài có tính xã hội, con người cần kết nối xã hội cũng như chia sẻ kinh nghiệm, và chúng ta bắt đầu chú ý đến người khác (đồng thời có khả năng học hỏi từ họ) từ khi còn nhỏ. Vì vậy, thật tự nhiên khi chúng ta cởi mở tiếp thu ý kiến trực tiếp từ người khác, đặc biệt là những người mình tin tưởng.
Thông tin thứ cấp có nhiều khả năng dẫn đến niềm tin sai lệch hoặc bị bóp méo. Con người thích kể những câu chuyện hay, và người kể chuyện có thể nêu bật một số khía cạnh nhất định và bỏ qua những khía cạnh khác để khiến câu chuyện trở nên thú vị hơn hoặc nhấn mạnh một số điểm nhất định.
Đổi lại, những niềm tin sẵn có có thể dẫn đến nhận thức sai lệch về con người, sự vật và sự kiện, do đó ảnh hưởng đến nhận thức và kinh nghiệm trong tương lai. Mọi người sau đó có thể truyền những niềm tin mang thiên kiến này cho người khác. Điều này có thể khiến bạn nhớ đến trò chơi “tam sao thất bản”, trong đó mọi người xếp thành một hàng dài, người trước thì thầm một thông điệp nào đó với người sau. Đến cuối cùng, thông điệp đã không còn giống như ban đầu nữa.
Một khía cạnh khác về niềm tin là chúng ta có xu hướng tin những gì mình muốn tin, và điều này bao gồm cả niềm tin về bản thân. Chúng ta có xu hướng áp dụng những niềm tin được xã hội chấp nhận để tránh bị người khác bác bỏ. Giống như nhiều xu hướng tâm lý, điều này không có vấn đề gì, nhưng đôi khi nó có thể cản trở tư duy phản biện.
Cảm xúc
Cảm xúc xã hội, như sự tin tưởng hay mong muốn được chấp nhận, có thể ảnh hưởng đến điều chúng ta tin, nhưng cảm xúc nói chung lại có tác động vô cùng lớn đến nhận thức. Các nhà tâm lý học đã ghi nhận những tác động đồng thời của tâm trạng đối với bộ nhớ và sự chú ý.
Điều này có nghĩa là mọi người thường sẽ chú ý và ghi nhớ thông tin phù hợp với tâm trạng hiện tại của mình; nếu chú ý, bạn có thể thấy hiện tượng này thường xuyên trong cuộc sống thường nhật. Ví dụ, khi cảm thấy vui vẻ, ta sẽ thích thú hơn với cảnh đẹp hoặc thấy bữa ăn ngon so với khi có tâm trạng bình thường. Do đó, cảm xúc của chúng ta không chỉ phụ thuộc vào các thông tin đầu vào mà cả cách trí óc xử lý chúng.
Trong các thí nghiệm có đối chứng, một người đang sợ hãi hoặc buồn bã nhiều khả năng sẽ nhìn nhận vẻ mặt của người khác theo hướng tiêu cực. Ngược lại, một người đang có tâm trạng vui vẻ, phấn chấn lại rất dễ cho rằng khuôn mặt đó là thân thiện. Người thứ nhất dễ nhớ lại những sự kiện khó chịu, trong khi người thứ hai thường nhớ tới những trải nghiệm vui vẻ hơn.
Ví dụ này cho thấy việc truy xuất bộ nhớ là một quá trình chủ động; bộ nhớ của bạn không giống thư viện và không cung cấp cho bạn cùng một ký ức vào mọi thời điểm. Thay vào đó, hệ thống nhận thức sẽ tái cấu trúc các ký ức tùy theo thời điểm.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.