
Giải Quyết Vấn Đề Và Ra Quyết Định Tập 2 – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Chương 5:
Từ nhu cầu đến hành động và ngược lại
5.1 Mở đầu
Từ quyển một “Giới thiệu: Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới” (xem mục 3.2. PPLSTVĐM là gì?), bạn đọc biết rằng: Tư duy sáng tạo chính là quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định; PPLSTVĐM đòi hỏi tư duy sáng tạo phải hướng tới các hành động thực hiện giải xong bài toán (đổi mới hoàn toàn) trên thực tế, chứ không chỉ dừng lại ở suy nghĩ và lời nói; Cuộc đời của mỗi người là chuỗi các vấn đề cần giải quyết, chuỗi các quyết định cần phải ra, do vậy, cuộc đời của mỗi người phải là chuỗi những sáng tạo và đổi mới hoàn toàn, nếu chúng ta muốn phần khổ bớt đi và phần sướng tăng lên.
Ở đây, có thể nảy sinh các câu hỏi sau: Hàng ngày và cả cuộc đời, mỗi người thường có nhiều hành động, vậy những hành động đó bị chi phối bởi những cái gì và hành động để làm gì? Tại sao cuộc đời của mỗi người lại lắm vấn đề thế? Cái gì là nguồn gốc của các vấn đề? Những hiện tượng nào thuộc thế giới bên trong con người ảnh hưởng đến tư duy? Làm thế nào để giữa tư duy và hành động có sự nhất quán, tránh hiện tượng nghĩ một đằng, làm một nẻo?…
Những gì trình bày trong chương này, chủ yếu, dựa trên các kết quả nghiên cứu của tâm lý học, có mục đích góp phần trả lời những câu hỏi nói trên.
Các hiện tượng (quá trình, trạng thái, tính chất) tâm lý được các nhà triết học và khoa học quan tâm, chú ý nghiên cứu và bàn luận từ nhiều thế kỷ trước công nguyên. Khoa học tâm lý (tâm lý học) được coi có tên gọi chính thức từ thế kỷ 18. Ngày nay, tâm lý học được định nghĩa là khoa học nghiên cứu các sự kiện, quy luật, cơ chế của tinh thần (tâm hồn) như là sự phản ánh dưới dạng các hình ảnh hình thành trong óc về hiện thực. Trên cơ sở và nhờ sự phản ánh đó, sự điều khiển hành vi và hoạt động mang tính cá nhân được thực hiện. Tâm lý học nghiên cứu bản chất các cơ chế tâm lý và các quy luật điều khiển tâm lý.
Sự phản ánh hiện thực nhờ bộ óc và xảy ra trong bộ óc (thế giới tinh thần), có cơ sở vật chất là các hoạt động sinh lý thần kinh, các quá trình lý sinh, sinh hóa ở mức độ phân tử, tế bào. Ở đây, người viết chỉ đề cập đến các hiện tượng tâm lý. Các hiện tượng tâm lý chia thành ba loại:
1. Các quá trình tâm lý là các hiện tượng tâm lý đơn giản được lồng trong những dạng phức tạp hơn của hoạt động tâm lý. Chúng xảy ra trong thời gian ngắn từ vài phần giây đến vài chục phút.
2. Các trạng thái tâm lý thuộc loại phức tạp nhất. Ví dụ như các trạng thái sảng khoái, hoặc trầm uất; khả năng làm việc thích hợp hay mệt mỏi; tâm trạng tươi tỉnh hoặc chán nản; dễ nổi nóng; đãng trí. Chúng có thể kéo dài trong vài giờ, vài ngày hoặc vài tuần lễ.
3. Các tính chất của nhân cách là khí chất, tính cách, các năng lực và những thể hiện đặc biệt mang tính ổn định của các quá trình tâm lý của nhân cách. Chúng còn là các xu hướng, niềm tin, kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng và thói quen của nhân cách. Những tính chất này tồn tại trong cá nhân, nếu như không nói cả đời thì cũng trong thời gian rất dài.
Các hiện tượng tâm lý nói trên liên quan mật thiết với nhau và có thể chuyển hóa lẫn nhau theo những cách khác nhau.
Do nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân như: Đối tượng nghiên cứu của tâm lý không những phức tạp mà còn luôn có hai khía cạnh khách quan và chủ quan đan xen nhau (con người nghiên cứu chính mình); thiếu các phương tiện nghiên cứu với độ tin cậy, chính xác cao, tâm lý học chưa phải là khoa học chính xác. Các nhà tâm lý thường gặp các trường hợp: trong các sự kiện giống nhau lại có sự tham gia của các hiện tượng tâm lý khác nhau; các sự kiện khác nhau, thậm chí ngược nhau lại bị chi phối cùng một quy luật… mà chưa xác định được một cách rõ ràng, khách quan.
Trong tâm lý học còn có tình trạng, nội dung một khái niệm được định nghĩa khác nhau hoặc được đặt tên khác nhau, tùy theo các trường phái nghiên cứu, thậm chí tùy theo các nhà nghiên cứu riêng lẻ khác nhau. Ngược lại, cùng sử dụng một tên gọi, các nhà tâm lý lại hiểu khác nhau. Nhiều thuật ngữ cơ bản của tâm lý học như “xúc cảm”, “ý chí”, “ý thức”, “nhân cách”, “tính cách” còn chưa có các định nghĩa được tiếp nhận chung. Hầu như mỗi tác giả gởi gắm trong những thuật ngữ mà mình sử dụng ý nghĩa riêng của mình. Do vậy, không phải ngẫu nhiên, Y.M. Xetrenov nhận xét: “… bạn hãy thử nói chuyện về cùng một đối tượng với các nhà tâm lý học thuộc các trường phái khác nhau: mỗi trường phái lại có ý kiến khác; để so sánh, nói chuyện, ví dụ, về âm thanh, ánh sáng, điện với bất kỳ nhà vật lý nào, từ bất kỳ đất nước nào, bạn đều nhận được những câu trả lời giống nhau về bản chất”. Nhận xét này tuy đã tồn tại suốt gần 150 năm nhưng vẫn còn được trích dẫn. Rõ ràng, chỉ “những câu trả lời giống nhau” mới có thể làm tâm lý học trở thành khoa học giống như các khoa học: vật lý học, thiên văn học, hóa học, sinh vật học.
Những gì liên quan đến tâm lý học và các khoa học cơ sở khác của PPLSTVĐM, trình bày trong bộ sách “Sáng tạo và đổi mới” nói chung, quyển hai và quyển ba nói riêng là kết quả học, tự học, nghiên cứu và sử dụng chúng của người viết. Do vậy, bạn đọc nên xem những kiến thức đó chỉ là tối thiểu, cần tự suy xét, đánh giá chúng và tìm hiểu thêm.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.