Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

1) CÂU THƠ GẶP RỦI
Đời Chính Đức nhà Minh (đầu thế kỷ XVI), nhà vua đi tuần du ở phương Nam, quan Hàn lâm là Tạ Chính ra tận sông Tây Giang nghênh giá. Đoàn thuyền tấp nập, lũ lượt trôi xuôi, thuyền nào cũng trang hoàng lộng lẫy. Tạ Chính không sao nhận ra được thuyền nào là thuyền vua ngự, cứ quỳ bên sông mà tung hô vạn tuế. Một chiếc thuyền lướt qua, có bà phi hay cung nữ nào đó, vén rèm hắt chén nước thừa, để lộ nửa thân hình mỹ nhân vô cùng kiều diễm. Cô nàng nhìn thấy vị quan chỉnh tề áo mão, quỳ lạy thì thụp giữa bến sông chẳng biết lạy ai, thì bất giác phá lên cười. Càng cười, mỹ nhân càng xinh tươi rực rỡ hơn. Tạ Chính tuy không được thấy vua, song lại được người đẹp cười với mình, thì cảm thấy như tiếp nhận một phần thưởng tuyệt vời, người đời không ai có.

Trở về nhà riêng, ông luôn luôn trầm trồ ca ngợi người đẹp, làm ngay một bài thơ, có câu :

« Thiên thượng quả nhiên hoa tuyệt đại

Nhân gian cánh hữu tiếu nhân duyên ».

Nghĩa là :

Mới biết trên trời hoa đẹp thực

Người trần may thấy nụ cười duyên.

Nhà thơ khoe tác phẩm của mình với bạn bè, kể câu chuyện bất ngờ được mỹ nhân ban cười, một cách đắc ý. Không ngờ chuyện đồn đại vào đến cung cấm. Vua đọc bài thơ, cho rằng viên quan Hàn lâm này đã phạm thượng. Quan ở ngoài mà dám nhìn mặt các vợ vua, cười với phi tần, lại nói đến chuyện duyên tình hả hê như thế, thật là ngông cuồng hỗn láo ! Chỉ dụ của vua đưa xuống, lập tức cách tuột cái Hàn lâm của Tạ Chính, đuổi cổ về vườn !

2) CÂU THƠ GẶP MAY
Đời vua Chân Tông nhà Tống, một hôm nhà thơ Tống Tử Kinh đi thơ thẩn, giữa đường, gặp một đoàn xe cung nữ. Trong xe, một mỹ nhân vén rèm nhìn quang cảnh phố phường, nhận ra ông là người quen cũ, bất giác gọi lên : « Chàng họ Tống đấy ư ? »

Tử Kinh vừa nhận được hao hao khuôn mặt. cố nhân thì xe đã đi xa. Trở về, anh khắc khoải buôn rầu, làm một bài từ, mượn câu thơ của Lý Thường Ẩn lồng vào :

« Cách cách Bồng Sơn nhất vạn trùng ! »

(Lại cách non Bồng mấy mấy vời !)

Bài từ được truyền vào cung. Nhà vua hỏi chuyện và phát hiện ra người cung nữ. May mắn Tống Chân Tôn lại tỏ ra làm một ông vua độ lượng, bèn cho gọi Tống Tử Kinh vào, cho phép anh được đưa nàng về làm vợ.

Vua mỉm cười, bảo nhà thơ : « Khanh lấy câu thơ ấy không hợp ! Non Bồng tuy thế mà không cách xa đâu ! Bồng Sơn bất viễn ! Đã vừa lòng chưa ? »

(Tùy viên thi thoại)

3) SAO LẠI NÓI VU CHO TRẪM
Nhà thơ Mạnh Hạo Nhiên (689-740) có tài, nhưng không có điều kiện xuất chính. Ông sống ẩn đật ở núi Lộc Môn, đến bốn mươi tuổi rồi mà vẫn chưa được ai biết đến. Ông làm bài thơ Về núi Chung Nam, rất được nhiều bạn bè thưởng thức :

« Bắc khuyết hưu thượng thư

Nam Sơn quy tệ lư

Bất tài minh chủ khí

Đa bệnh cố nhân sơ

Bạch phát thôi niên lão

Thanh dương bức tuyết trừ

Vĩnh hoài sầu bất mị

Tùng nguyệt dạ song hư ».

Nghĩa là :

Thôi dâng thư cửa khuyết,

Về nhà rách núi Nam.

Tài hèn vua ruồng bỏ,

Lắm bệnh bạn không màng.

Tóc trắng dồn tuổi lão,

Ngày xanh giục năm tàn.

Trằn trọc không buồn ngủ,

Trăng dọi tùng bên song !

Ở ẩn mãi cũng chán, Mạnh Hạo Nhiên tìm lên kinh đô, kết bạn với nhà thơ Vương Duy. Lúc này Vương Duy đang được nhận một công việc trong cung, mời bạn vào chơi với mình. Bỗng nhiên vua Đường Huyền Tông bất ngờ ghé đến. Mạnh vội vàng tìm chỗ nấp. Nhưng Vương Duy đã tâu trình sự thực với vua. Nhà vua cho gọi Mạnh Hạo Nhiên, hỏi han từ tốn và bảo đọc thơ cho vua nghe. Ông liền đọc bài thơ trên. Rất hy vọng được vua biết tài, không ngờ nghe xong, vua nhắc lại câu thơ thứ ba : « tài hèn vua ruồng bỏ » và mắng ngay : « Trẫm có nghe tiếng nhà ngươi, nhưng chưa được gặp. Ngươi cũng chưa cầu xin gì trẫm cả. Sao lại nói vu cho trẫm là ruồng bỏ nhà ngươi ? » Nói rồi, vua cho đuổi Mạnh Hạo Nhiên đi, không dùng. Nhà thơ vẫn sống cuộc sống như trước đây, cho đến khi mất vì bệnh đậu.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x