
Giáo Dục Học – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
II. SƠ LƯỢC VỀ NỀN GIÁO DỤC THỜI CỔ
Người thời cổ sống quần tụ thành bộ lạc và sinh hoạt của họ không ngoài hai lĩnh vực là Lao tác và Sùng bái. Những cố gắng giáo dục của họ ta có thể phân tích ra làm hai phương diện :
– Về phần thực hành gồm có sự huấn luyện về nghề nghiệp, các công việc trong gia đình, việc binh bị và thể dục.
– Về phần lý thuyết gồm có sự huấn luyện về tôn giáo, y khoa, nghệ thuật, âm nhạc và văn chương.
Gia đình là tiêu điểm của hầu hết mọi nỗ lực về giáo dục. Trong gia đình, đàn ông giữ phần huấn luyện con trai, đàn bà thì dạy dỗ con gái bằng những công việc thực tiễn và giản dị. Dần dần những tiến bộ được ghi nhận, mô phỏng rồi truyền dần đến những người trong cùng bộ lạc.
Dưới mắt người Tây phương thì chương trình giáo dục của Đông phương hình như chú trọng vào việc duy trì những định chuẩn sinh hoạt hiện hữu và ý thức quốc gia hơn là sự phát triển cá nhân, chú trọng vào sự ổn định xã hội hơn là sự tiến bộ xã hội (Oriental programs of education seem to have been concerned with fixing and perpetuating existing standards and national ideas rather than with the development of the individual, with social stability rather than with social progress). 2
Thực ra nhận xét trên đây có phần đúng khi quan sát nền giáo dục cổ Trung hoa, Hindu và nền văn hóa Ba tư vì trừ một vài điểm khác biệt, chúng có ba đặc tính tương tự đó là sự hấp thụ truyền thống, duy trì trật tự xã hội và sửa soạn vai trò cá nhân trong đời sống.
Tuy nhiên để có một nhận định khách quan hơn chúng ta không thể không nêu lên hai tính cách đặc biệt có ảnh hưởng lớn đối với nền giáo dục Đông phương đó là Giáo dục Khổng giáo và Giáo dục Phật giáo.
1. GIÁO DỤC KHỔNG GIÁO
Cũng như hầu hết các nền giáo dục thời cổ đều nhằm chinh phục con người, trước tiên bằng cách rèn luyện cho nó trở nên thuần thục, theo khuôn phép rồi sau mới đến các phương diện khác. Giáo dục Khổng giáo bắt đầu với đứa trẻ bằng sự dạy lễ nghĩa, đạo đức rồi sau mới cho học văn chương trau giồi tài an bang tế thế. Thiên mở đầu Bộ Luận ngữ, bộ sách tập hợp những lời dạy của đức Khổng, đã nói về sự học như sau : « Kẻ đệ tử ở trong gia đình thì hiếu thảo ra ngoài thì thuận hòa, cẩn trọng và thành thật, yêu mọi người và giữ lòng nhân hậu. Làm được những điều ấy thừa sức, nhiên hậu mới học văn chương » (Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân. Hành hữu dư lực tắc dĩ học văn) 3. Trước hết người ta dạy những điều ứng đối (cách thưa gởi đối đáp), tấn thối (nết đi đứng) sái tảo (quét dọn nhà cửa và tưới cây). Khi những khuôn phép này thuần thục rồi, cái học thực sự của người trưởng thành mới bắt đầu.
Đó là vào cỡ tuổi 15 mà các nhà giáo dục Khổng giáo thường căn cứ vào lời của đức Khổng : « Ta đến tuổi 15 thì dốc chí vào sự học hành » (Ngô thập hữu ngũ nhi chí hồ học) 4. Đứa trẻ sẽ được dạy về Lễ Nhạc tức sự cẩn trọng và điều hòa trong nếp sống đạo đức, Xạ Ngự tức phép bắn cung, cỡi ngựa, rồi đến Thư Số tức văn chương và toán pháp. Sự đào luyện các khả năng nêu trên, ta thấy giáo dục Khổng giáo cũng đã nhằm đáp ứng sự phát triển con người về ba phương diện : đức dục (Lễ Nhạc), thể dục (Xạ Ngự) và trí dục (Thư Số). Giai đoạn giáo dục này Khổng giáo gọi là Đại học, tức cái học của kẻ trưởng thành (Đại học giả đại nhân chi học dã) 5. Cái học của kẻ trưởng thành là làm sao cho sáng tỏ cái đức sáng suốt, làm cho dân trí dân sinh luôn đổi mới, khi nào đạt đến chỗ hoàn toàn mới thôi (Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện) 6. Muốn được cái thứ bậc ấy thì sự học và sự thực hành phải theo tuần tự trước hết là tu thân thứ đến là tề gia rồi mới trị quốc nhiên hậu mới sáng tỏ được cái minh đức trong thiên hạ (cổ chi dục minh minh đức ư thiên hạ giả tiên trị kỳ quốc, dục trị kỳ quốc giả tiên tề kỳ gia, dục tề kỳ gia giả tiên tu kỳ thân). 7
Dưới thời Khổng tử, xã hội nhà Chu là một xã hội phân loạn về chính trị. Các chư hầu không tòng phục nhà Chu và luôn luôn xâm lấn thôn tính lẫn nhau đề đồ vương tranh bá. Trong cảnh lịch sử đó nền giáo dục Khổng giáo đã xuất hiện như một chủ thuyết giáo dục chính trị nhằm vãn hồi trật tự của một xã hội hỗn loạn. Muốn thế trước tiên phải đưa lên một hình ảnh tượng trưng sự thống nhất nhân tâm và xã hội, và Khổng tử đã chủ trương tôn phù nhà Chu như một hình ảnh tượng trưng cho sự thống nhất đó. Khổng tử đã ca tụng cái văn hóa nhà Chu và nói rõ ràng lập trường theo nhà Chu của mình : « So sánh với Hạ, Ân thì văn hóa nhà Chu rực rỡ thay ! Ta theo nhà Chu ». (Chu giám ư nhị đại, úc úc hồ văn tai ! Ngô tòng Chu) 8. Khổng tử san định Kinh Thi, là những bài hát ca dao, phong dao mà Khổng tử coi đó như phương tiện phổ biến chủ trương giáo dục rộng rãi nhất trong quảng đại quần chúng.
Theo Khổng tử trong ba trăm thiên Kinh Thi có thể nhận định tóm tắt bằng một câu là Tư tưởng không tà vạy (Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi viết : Tư vô tà) 9. Và luôn luôn đề cao truyền thống tốt đẹp bằng sự ca tụng thuở thái hòa của thời Nghiêu, Thuấn là những vì vua dùng đức trị mà không dùng pháp trị (Đại tai, Nghiêu chi vi quân dã. Nguy nguy hồ duy thiên vi đại) 10 (Thuấn hữu ngũ nhân nhi thiên hạ trị) 11. Vì theo Khổng tử lấy đức độ mà làm chính trị thì tự nhiên mọi người theo khác nào sao bắc đẩu hội tụ các vì sao khác (Vi chính dĩ đức thi như bắc thần cư kỳ sở nhi chúng tinh cung chi). 12
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.