Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Giao Tiếp Bất Bạo Động của tác giả Marshall Rosenberg mời bạn thưởng thức.

CHƯƠNG 2. Các loại giao tiếp gây cản trở lòng trắc ẩn

Có một vài cách giao tiếp khiến chúng ta xa rời bản chất nhân ái của mình.

Trong quá trình nghiên cứu câu hỏi điều gì đã khiến chúng ta xa rời bản chất nhân ái của mình, tôi đã xác định các loại giao tiếp gây cản trở lòng trắc ẩn và góp phần khiến chúng ta hành xử bạo lực với bản thân và người khác. Tôi gọi các loại giao tiếp này là “giao tiếp xa rời sự sống” (life-alienating communication).

Phán xét đạo đức

Một loại “giao tiếp xa rời sự sống” là phán xét đạo đức, tức là đánh giá người có hành vi không hòa hợp với những giá trị của chúng ta là xấu xa, hay sai trái. Ví dụ về những lời phán xét này là: “Bạn thật ích kỷ”, “Cô ấy thật lười biếng”, “Họ thật thành kiến”, “Nó không thích hợp.” Đổ lỗi, lăng mạ, sỉ nhục, dán nhãn, chỉ trích, so sánh đều là những hình thái của sự phán xét.

Trong thế giới của phán xét, chúng ta chủ yếu bận tâm về “ai là người như thế nào.”

Nhà thơ Rumi từng viết: “Có một thế giới không chứa đựng khái niệm đúng sai. Tôi sẽ gặp bạn ở đó.” “Giao tiếp xa rời sự sống” nói chung và “phán xét đạo đức” nói riêng giam cầm chúng ta trong thế giới của đúng và sai. Đó là thứ ngôn ngữ phân tích, phân loại con người và những hành động của họ. Khi nói thứ ngôn ngữ này, chúng ta phán xét người khác và hành vi của họ trong khi tâm trí bị lấp đầy bởi những khái niệm đúng – sai, tốt – xấu, bình thường – khác thường, trách nhiệm – vô trách nhiệm, thông minh – ngu dốt, v.v…

Từ khi còn nhỏ, tôi đã học cách giao tiếp “vô cảm”, thiếu sự suy xét đến những cảm xúc và nhu cầu của bản thân và của người khác. Khi ai đó hành xử theo cách tôi không thích, tôi lập tức phán xét họ. Chẳng hạn, nếu giáo viên bảo tôi làm một việc tôi không muốn làm, thì tôi sẽ phán xét họ là “vô lý và xấu tính.” Nếu ai đó cắt ngang đầu xe tôi trên đường, thì phản ứng của tôi sẽ là “Thằng ngu!.” Khi dùng thứ ngôn ngữ này, chúng ta giao tiếp dựa trên suy nghĩ về sự sai trái của người khác vì đã không hành xử như chúng ta kỳ vọng. Chúng ta tập trung vào đánh giá và chỉ trích hơn là vào những nhu cầu không được đáp ứng của bản thân và của người khác. Theo đó, nếu vợ tôi muốn tôi quan tâm nhiều hơn, thì cô ấy là “đòi hỏi và phụ thuộc.” Nhưng nếu tôi muốn cô ấy quan tâm nhiều hơn, thì cô ấy là “xa lánh và vô tâm.” Nếu đồng nghiệp để ý đến chi tiết nhiều hơn tôi, thì anh ấy là “khó tính và ưa bắt lỗi.” Nhưng nếu tôi để ý đến chi tiết nhiều hơn, thì anh ấy là “cẩu thả và lơ là”.

Khi phán xét người khác, thực ra là chúng ta đang muốn bày tỏ những nhu cầu và giá trị của mình, nhưng chúng ta đã làm điều đó theo cách rất “bi kịch”, bởi khi làm như vậy, chúng ta sẽ chỉ khiến người nghe trở nên phản kháng và phòng thủ hơn. Hoặc nếu họ đồng ý thay đổi hành vi theo ý muốn của chúng ta, thì nhiều khả năng hành động đó xuất phát từ cảm giác sợ hãi, tội lỗi hoặc xấu hổ vì họ cho rằng mình bị phán xét như vậy là đúng.

Khi phán xét người khác, thực ra là chúng ta đang muốn bày tỏ những nhu cầu và giá trị của mình.

Khi hành động của họ không xuất phát từ trái tim mà xuất phát từ cảm giác sợ hãi, tội lỗi, xấu hổ hay bị ép buộc, thì cả hai bên đều sẽ phải trả giá đắt. Khi làm vậy, nhiều khả năng họ sẽ cảm thấy ức chế, tức giận và lòng tự trọng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, sự thiện chí, lòng trắc ẩn và ý muốn cho đi chân thành cũng bị giảm đi, mang lại những hệ quả tiêu cực cho mối quan hệ giữa hai bên.

Điều quan trọng là chúng ta cần phân biệt giữa phán xét đạo đức (moralistic judgment) và đánh giá dựa trên giá trị (value judgment). Tất cả chúng ta đều có những đánh giá dựa trên giá trị, về những thứ mà chúng ta xem trọng trong cuộc sống: sự trung thực, sự tự do hay sự hòa thuận. Những đánh giá đó phản ánh niềm tin của chúng ta về cách thức của cuộc sống này. Còn khi hành vi của ai đó không hòa hợp với giá trị của chúng ta, chúng ta có xu hướng sử dụng phán xét đạo đức đối với họ. Một ví dụ về sự phán xét đạo đức là: “Bạo lực là xấu. Người gây bạo lực là độc ác, xấu xa.” Nếu chúng ta được dạy sử dụng một thứ ngôn ngữ khác giúp khơi dậy lòng trắc ẩn, thì chúng ta sẽ học cách nói rõ những nhu cầu, giá trị và cảm xúc của mình một cách trực tiếp. Ví dụ, thay vì nói “Bạo lực là xấu”, chúng ta có thể nói: “Tôi cảm thấy e ngại đối với việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Tôi xem trọng hòa bình và muốn mọi người tìm cách khác để giải quyết mâu thuẫn.”

Phân loại và phán xét con người làm tăng khả năng bạo lực xảy ra.

Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và bạo lực là đề tài nghiên cứu của giáo sư tâm lý O.J. Harvey tại Đại học Colorado. Ông thu thập mẫu ngẫu nhiên những tài liệu từ nhiều quốc gia trên thế giới và lập bảng liệt kê tần suất xuất hiện của những từ ngữ phân loại và phán xét con người. Nghiên cứu của ông cho thấy có một mối tương quan cao giữa tần suất sử dụng những từ ngữ đó và tần suất những vụ xung đột xảy ra. Tôi không hề ngạc nhiên khi biết những nơi có văn hóa suy nghĩ và giao tiếp tập trung vào nhu cầu của con người có tình trạng bạo lực xảy ra ít hơn rất nhiều so với những nơi có văn hóa dán nhãn con người là “tốt” hay “xấu”, và tin rằng “người xấu” xứng đáng bị trừng phạt. Tại Mỹ, trong 75% chương trình truyền hình được chiếu vào khung giờ mà trẻ con xem nhiều nhất, nhân vật anh hùng hoặc giết chết hoặc đánh bại “kẻ xấu.”

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x