
Giới Thiệu Nhà Viết Kịch – Nhà Thơ Tiền Chiến Phan Khắc Khoan – Đọc Sách Online Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Giới Thiệu Nhà Viết Kịch – Nhà Thơ Tiền Chiến Phan Khắc Khoan của tác giả Bùi Thụy Đào Nguyên mời bạn đọc thưởng thức.
Phan Khắc Khoan (1916-1988), bút hiệu: Chàng Chương, Hồng Chương; là nhà giáo, nhà viết kịch và là nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến. Ông cùng với Phạm Huy Thông, là hai người đầu tiên sáng tác ra thể loại kịch thơ ở Việt Nam, và đã có những vở diễn thành công trên sân khấu.
Ông sinh ngày 5 tháng 6 năm 1916 tại xã Xuân Tiêu, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Mồ côi mẹ từ thuở bé, năm ông 15 tuổi, thì cha ông (Hàn Phu) bị mù. Do mẹ mất sớm, Phan Khắc Khoan phải đến ở với ông bà nội. Ông nội là một nhà khoa bảng, nổi tiếng thơ văn nhưng nhà nghèo. Ông ngoại là một quan chức, vì tham gia phong trào Văn thân chống Pháp, nên bị giáng chức; còn bác dượng ông thì tham gia phong trào Cần vương, nên cũng bị đày đi Guyane thuộc Pháp.
Thuở nhỏ, ông học trường huyện (Yên Thành), trường Vinh (Nghệ An), tốt nghiệp bằng Thành chung rồi dạy tư ở Huế.
Sinh trưởng trong cảnh nghèo khổ, lại sớm tiếp thu tư tưởng của các nhà cách mạng (như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh) cùng với không khí sục sôi lúc bấy giờ (năm 1930-1931, phong trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh nổ ra)…khiến ông bắt đầu nảy ra ý nghĩ sẽ làm chính trị bằng văn chương.
Năm 1940, vở kịch thơ Trần Can của ông ra đời. Kể từ đó, ông liên tiếp cho xuất bản hoặc cho trình diễn nhiều kịch bản mới.
Ngoài viết kịch, Phan Khắc Khoan còn làm thơ, viết bài bình luận cho các báo chí đương thời, như: Phong Hóa, Hà Nội tân văn, tuần báo Quê hương, Thế giới Mới, Tri tân, Trung Bắc chủ nhật,…trong số đó có nhiều bài đã bị ngành chức năng kiểm duyệt cắt bỏ.
Tháng 7 năm 1941, ông được Hoài Thanh và Hoài Chân viết bài để giới thiệu trong quyển “Thi nhân Việt Nam”, xuất bản năm 1942.
Trước Cách mạng tháng Tám, ông cùng với nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, Lê Mộng Đào, họa sĩ Phạm Viết Song thành lập một nhóm kịch.
Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Phan Khắc Khoan dạy học tại quê nhà (Nghệ An).
Năm 1955, ông ra Hà Nội, tiếp tục nghề dạy học.
Năm 1957, ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.
Năm 1965-1973, ông bị tạm giữ và phải chuyển lên sống ở Tuyên Quang, Lào Cai, Vĩnh Phúc vì bị nghi vấn về tư tưởng (1).
Tháng 11 năm 1967, ông lại được Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng giới thiệu trong bộ “Việt Nam thi nhân tiền chiến” (quyển trung), xuất bản năm 1968 tại Sài Gòn.
Năm 1973, ông được về lại Hà Nội sinh sống với gia đình.
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Phan Khắc Khoan vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, bỏ hẳn việc sáng tác, chỉ còn phiên dịch một vài tập thơ văn.
Ngày 13 tháng 12 năm 1988, Phan Khắc Khoan mất tại Hà Nội, thọ 72 tuổi.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Phan Khắc Khoan đã để lại một số tác phẩm như sau:
Kịch thơ:
•Trần Can (Quê Hương Hà Nội xuất bản, 1940)
•Lý Chiêu Hoàng (Quê Hương Hà Nội xuất bản, 1942)
•Gươm tráng sĩ (vở đã diễn năm 1942, nhưng chưa in thành sách)
•Hiếu và tình (vở đã diễn năm 1942, nhưng chưa in thành sách)
•Nguyễn Hoàng (vở đã diễn năm 1942-1043, nhưng chưa in thành sách)
•Hoàng tử Cảnh (vở đã diễn năm 1942-1943, nhưng chưa in thành sách)
•Cô Tô đài (vở đã diễn năm 1943, nhưng chưa in thành sách)
•Phạm Thái (hay “Giấc mộng Tiêu Sơn”, 1943. Kịch thơ phỏng theo tiểu thuyết “Tiêu Sơn tráng sĩ” của Khái Hưng)
•Mắt tiên nga (vở đã diễn năm 1943, nhưng chưa in thành sách)
•Quỳnh Như (1944)
•Hờn vong quốc (1945)
•Lá cờ (1945)
•Máu anh nhi (1945)
•Gương phụ nữ (1945)
•Mầm tin (1945)
•Mưu Lý Việt (vở đã diễn năm 1947, nhưng chưa in thành sách)
•Lớp học tân tiến (vở đã diễn năm 1947, nhưng chưa in thành sách)
•Hùng ca tráng khúc (vở đã diễn năm 1947, nhưng chưa in thành sách)
•Tình xuân và chiến sĩ (vở đã diễn năm 1948, nhưng chưa in thành sách)
Kịch nói:
•Tìm lý tưởng (1940)
•Một ra đi (1945)
•Tinh thần lão trượng (1945)
Thơ:
•Xa xa (Quê Hương Hà Nội xuất bản, 1942)
•Lòng nghĩa khí (1945)
•Thanh niên Xô Viết
•Ông Xô Viềt trên bờ Vônga
•Hư vô (dịch thơ Ôma Khayam, nhà thơ người Iran. Quê Hương Hà Nội xuất bản)
•Góc phố (thơ J.Prêve, nhà thơ người Pháp).
•Những mối tình của một họa sĩ già trên quần đảo Mackizơ (kịch của nhà cách mạng Kỳ Đồng viết bằng tiếng Pháp)
Ngoài ra, ông còn nhiều tập thơ chưa xuất bản, vì theo tác giả “Thi nhân Việt Nam”, thì: ngoài tập Xa xa, Phan Khắc Khoan còn làm vô số thơ. Nhân hỏi xem, tôi đã nhận được một lần mười một tập. Kèm với một lá thư đại khái nói: “đây chỉ chừng một nửa thi phẩm của tôi”…
Nói về Phan Khắc Khoan, Võ Văn Trực, tác giả quyển “Những gương mặt văn chương hiện đại” (Nxb Thanh Niên, 2008) và là một học trò của ông, kể lại:
Thầy (Phan Khắc Khoan) thường dựng những nhân vật tráng sĩ vung thanh gươm xoay vận nước với những lời thơ hào sảng. Và những nhân vật đó cứ ám ảnh thầy hàng ngày trong lúc làm việc hay cả trong lúc rong chơi…
Phạm Đình Giang là học trò cưng của thầy Khoan, thường rủ tôi đến chơi nhà thầy. Một hôm chủ nhật, thấy nhà thầy đóng kín cửa, nhưng lại có tiếng động ở trong. Gõ cửa mãi, không có ai mở, chúng tôi tự mở cửa vào thì thấy thầy đang vừa nhảy ngựa (ngựa tưởng tượng) vừa ngâm thơ: “Thiên địa phong trần/ Hồng nhan đa truân/ Du du bỉ thương hề thùy tạo nhân”…. áo quần tóc tai thầy ướt đẫm mồ hôi…
Trước Cách mạng tháng Tám, thầy có lập một đoàn kịch chuyên diễn kịch thơ ở Hà Nội, Vinh, Nam Định, Huế, Bắc Ninh… Thầy vừa là tác giả kịch bản vừa là đạo diễn vừa là diễn viên…Mỗi khi nói đến đâu thầy tự minh họa đến đấy. Thầy nhảy trên sân khấu từ góc này sang góc kia, kéo chiếc phông cánh quàng lên vai như quàng một chiếc áo bào để làm tráng sĩ xông ra sa trường. Thầy ngâm những câu thơ trong các vở kịch cũ đã viết…
Có người nghĩ, thầy hay ngâm những câu thơ hùng dũng của nhân vật tráng sĩ, chắc phải là người to lớn vạm vỡ và tướng mạo phương phi lắm? nhưng không, dáng người thầy thanh mảnh và nho nhã, chẳng qua vì quá yêu nhân vật của mình nên thầy thuộc làu những lời thơ của nhân vật mà thôi…
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.