Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Giọt Mưa Trên Lá của tác giả Trần Quang Huy mời bạn đọc thưởng thức.

Chương 1 & 2

Tôi đang sống trong những lối mòn, sáng trưa, chiều tối, cơ quan, nhà cửa, những thói quen không bao giờ là pháp luật thành văn mà có sức mạnh như nước dội trên thác xuống, những tập tục mà màu sắc chói lọi như cầu vồng và những lề thói dữ như miệng hùm. Tôi tưởng mình đang ở một nơi nào đó trong giấc mơ.

Hàng cây sau sau thật duyên dáng, ẻo lả mà cường tráng, mùa đông không trụi lá nhưng đã ngả hẳn sang màu phớt vàng. Mỗi lần nhìn hàng cây sau sau, những chiếc lá hình trái tim có những chấm vàng sặc sỡ reo trong gió lạnh là tôi lại nhớ đến cánh rừng mỏng manh có cái lán của mấy đứa con gái bọn tôi ở.

Lá cây đổ vào đến tận cửa, một chút gió nhẹ thoảng qua thôi là những chiếc lá vàng kia biến thành đàn bươm bướm, mùa thu không còn mấy nhưng mùa đông chưa kịp tới. Nhưng thôi, không lại sa vào những nỗi niềm bất tận, vô cùng mà ở đấy cảm xúc của tôi cứ nhão nhoét như bùn.

Mùa nào đối với tôi cũng dài. Và ngày cũng như đêm, như mãi ở đâu xa, như tận miền thiên khải. Như cổ tích, như nỗi nhớ của thời con gái chưa chồng. Lê thê, chậm chạp, không muốn cựa quậy nhúc nhắc gì nữa, nó cũng lạnh lẽo và vô lối như mùi văn hóa hãnh tiến. Tôi phảng phất nhớ Quỳnh Giao, con gái tôi, nó đã mười sáu tuổi, theo những đứa bạn con nhà giàu đi chơi Trà Cổ.

Tôi không chờ đợi cái gì cả, sáng trưa, chiều tối, nhà cửa cơ quan, nhàm chán như người ta ăn phải cháo thiu. Tôi chờ đợi cái gì không? Có lẽ có, tôi chờ đợi tuổi già.

Sao tôi sợ sự lãnh đạm thế? Lãnh đạm của đồng loại, lãnh đạm của thời gian, lãnh đạm của phương thức sản xuất. Nhà vắng hoe, may nó chỉ có mười lăm mét vuông. Một bộ bàn ghế tiếp khách nhỏ, một cái giường, một cái tủ, một cái bàn viết kiêm luôn bàn trang điểm, đã choán hết mười mét, nếu không tôi sẽ tưởng mình sống giữa mặt trăng.

Mà sao các căn hộ đều giống nhau một cách lạ lùng. Này nhé, hai mươi căn hộ của cái dãy này, hai mươi căn hộ nữa của dãy kia, và cũng hai mươi căn hộ của nhiều dãy nữa, mái đều lợp một loại ngói xi măng sóng, màu bạc phếch, loại màu tượng trưng cho sự khốn cùng, lỡ có sờ tay vào là nó tự mục ra thành cám.

Tường ngăn giữa các cuộc đời với nhau đều xây loại tường mười, ở giữa có cái trụ to tổ bố. Và không có căn hộ nào có trần, từ dưới nhà nhìn thóc lên mái ngói và khi có giông gió, những hạt mưa được rơi thẳng từ trên trời xuống giường nằm.

Còn phía trước, mặt tiền, bất luận ông nào bà nào, nhà ai cũng được có một cửa chính, một cửa sổ, người so đo tính toán đến mấy cũng phải hài lòng về sự công bằng giữa những khung cửa ấy. Sự công bằng thể hiện cả ở những cánh cửa đều đóng không công phu gì lắm, tưởng như một người không biết gì về mộc cũng đóng được. Và vân vân cái giống nhau nữa.

Đấy là lúc đầu, mẹ con tôi được chia một gian, tôi thấy hai mươi phòng, cộng với hai mươi phòng, cộng với nhiều lần hai mươi phòng nữa, cũng y chang nhau đến mức buồn cười và đến mức rơi nước mắt. Đấy là lúc đầu, tôi còn cười được, về sau thì không thể cười được và cũng không thể khóc được.

Tất nhiên, sự giống nhau có tính thời đại ấy sẽ có rất nhiều cái lợi. Đầu tiên là sự phân phối. Cùng diện tích cùng kiểu cách, cùng chất liệu và cùng hướng gió hướng nắng thì kén chọn làm quái gì, đâu chẳng như đâu. Cái lợi thứ hai là cư dân của nó được dịp hiểu biết nhau một cách tường tận, nhà ai hôm qua có khách, khách là người như thế nào…

Dường như cách bài trí tối ưu chỉ có một và ai cũng tìm được đến với nó. Cạnh cửa sổ là cái bàn trà, cạnh cái bàn trà là cái tủ, phía trong cái tủ là cái giường đôi…

Lúc đầu tôi rất xét nét và ác cảm với sự giống nhau đó, có khi tôi lẩn thẩn như kẻ dở hơi đi ngó nghiêng từng nhà, tìm sự khác nhau, tìm sự xê dịch khập khiễng giữa chúng nhưng tôi thất vọng và cứ phát khùng lên vì không trả lời được những câu hỏi mà mình tự đặt ra cho mình: tại sao mọi thứ lại cứ cố để giống nhau?

Quỳnh Giao xin mẹ đi một tuần, tôi bảo con thấy cần thiết ở mấy ngày thì con ở. Nói thế là bởi vì tôi rất hiểu tính con bé. Từ hai ba năm nay, tôi có một thói quen ngọt ngào mà không giống ai là nhìn ngắm con gái tôi lớn lên. Ngắm nó cười ngắm nó đi, ngắm nó hành xử với bạn bè, ngắm cái chất con gái trong nó ngày một óng mượt để đo xem nước mắt tôi được một phần bao nhiêu của đại dương. Mẹ tớ, nó giới thiệu tôi với bạn nó.

Mẹ cậu trẻ và đẹp thế kia ư? Không, Quỳnh Giao còn đẹp hơn tôi nhiều, tôi mê nó, nó lung linh, kỳ ảo, nó nóng lạnh, ngang dọc đến tận cùng của nó, không chơi vơi và đạo đức giả như thế hệ tôi, hoặc như Nguyên, như mối tình của tôi và Nguyên, người đàn ông đã gây cho tôi những đau khổ như núi và cũng làm cho tôi yêu anh như núi.

Tôi ngồi vào bàn trang điểm, nhìn vào đôi mắt đen láy trong gương. Tôi mê hoặc đàn ông, biến họ thành con chó vẫy đuôi rối rít trước chủ và khinh bỉ bọn họ bằng đôi mắt. Đàn bà thường có đôi mắt đẹp, mắt tôi cũng như họ, đen láy và sang trọng. nhưng tôi hơn họ, tôi rất hiểu mình, mắt tôi có tình hơn.

Đó là ưu thế của tôi, những người đàn bà khác, có lẽ cũng đẹp như thế, thậm chí đẹp hơn, nhưng ánh mắt của họ vô cảm, hoặc hời hợt, hoặc có màu sắc kinh doanh, có nhiều tham vọng về mọi thứ trên đời.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x