Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

2. SỬ-LƯỢC

Muốn hiểu rõ những chuyện kể trong các bài trên, chúng tôi nhắc qua đoạn lịch-sử này.

Hòa-ước 1862 ép vua Tự-Đức nhường cho Pháp ba tỉnh miền đông Nam-kỳ mà Pháp đã chiếm năm 1861. Vua Tự-Đức muốn chuộc đất lại. Không những Pháp không thuận, mà còn chiếm thêm ba tỉnh miền tây Nam-kỳ, năm 1867.

« Một bên thì nền cai-trị lập ra bởi đô đốc La Grandière để dự-bị mở-mang thuộc-địa một cách vô-giới-hạn. Một bên thì phái quan-phiệt mạnh-mẽ An-nam muốn đi ngược dòng lịch-sử. Thế nào cũng sẽ xẩy ra những sự xích-mích và xung-đột liền-liền ». Đó là lời của viên toàn-quyền Vial trong sách « Nos premières années au Tonkin » in năm 1889.

Cái cớ để xâm-chiếm Bắc-kỳ là vụ Jean Dupuis (Đồ-phổ-nghĩa) tự-tiện chở khí-giới cho Vân-nam trên sông Hồng-hà. Pháp thấy đó rất có lợi cho sự mình cạnh-tranh thị-trường Trung-hoa, đối với các cường-quốc Âu-Mỹ khác, cho nên triệt-để ủng-hộ Dupuis. Đô-đốc Dupré phái Francis Garnier (Ngạc-nhe An-nghiệp) đem quân ra Hà-nội. Vua Tự-Đức cũng sai Nguyễn-Tri-Phương từ vùng Sơn-tây về Hà-nội lo việc phòng-thủ. Garnier đem quân đóng ở Tràng-thi (phía nam phố Tràng-thi ngày nay), thị-uy và ép Tri-Phương. Tri-Phương không chịu điều-đình trực-tiếp, mà chỉ qua triều-đình Huế. Thấy binh-lực ta kém, và nhờ các thám-tử, biết nhân-tâm trong xứ li-tán, Garnier định chiếm thành Hà-nội. Ngày 19 tháng 11 năm 1873 (mồng một tháng mười năm Quí-dậu), Garnier gửi tối-hậu-thư cho quan Khâm-sai, yêu-cầu : « Giải-giáp quân-lính giữ thành, và sức cho các quan tỉnh phải tuân lệnh của Garnier ». (theo Vial)

Chiến-tranh bùng nổ lập-tức ở Hà-nội. Với non một trăm quân và hai chiến-thuyền yểm-hộ, Garnier hạ thành, Nguyễn-Tri-Phương thân-hành cùng con là phò-mã Nguyễn-Lâm mới tới thăm cha, chống giữ cửa Đông-nam.

« Quân An-nam chống-cự. Tự trên thành ném gỗ, đá, hỏa-hổ xuống. Quan Khâm-sai điều-khiển rất cương-quyết ; nhưng bị mảnh trái phá bắn vào đùi. Quân thấy vậy liền tan. Ông lên ngựa toan chạy trốn. Nhưng có tên thông-ngôn tố-giác, nên bị bắt và bị giam cùng các quan lớn khác. Khi thấy không thoát khỏi, ông kêu than thảm-thiết, và không chịu để buộc thuốc, và cấm kẻ hầu không được đem đồ ăn tới ». (theo Gautier)

Con ông là phò-mã Lâm bị tử-trận ; hai con Phan-Thanh-Giản là Phan-Tôn và Phan-Liêm cũng bị bắt.

Sau đó, Sài-gòn phái Philastre (Hoắc-đạo-sinh) qua Huế, rồi cùng Nguyễn-Văn-Tường ra Hà-nội để điều-đình. Lúc tới nơi, ngày 3 tháng giêng năm 1874, thì Tri-Phương đã mất (mồng 1 tháng 11 năm Quí-sửu, tức là 20 tháng 12 năm 1873), sau khi nhịn đói một tháng và Garnier đã bị quân Cờ-đen giết một ngày sau, trong khi chống với quân Lưu-Vĩnh-Phúc, quân Hoàng-Kế-Viêm và Tôn-Thất-Thuyết đóng ở vùng Sơn-tây, Hưng-hóa.

Sự thương-thuyết đem tới hòa-ước 1874, ký ở Sài-gòn, giao trả các tỉnh Bắc cho ta, và ép ta phải nhận sự chiếm tất cả Nam-kỳ, và nhường cho Pháp những khoảng đất dọc bờ sông Hà-nội, quyền thu thuế thương-chánh và quyền tự-do đi lại buôn-bán ở Bắc, và ở Trung.

« Nếu thi-hành đúng hòa-ước 1874, thì Pháp có quyền chi-phối chính-sách ngoại-giao và nội-trị của An-nam. Nếu An-nam không theo, thì Pháp có thể chọn thì-giờ mà can-thiệp. Mà cớ thì chẳng thiếu gì ». (theo Vial)

Vua Tự-Đức biết nguy-cơ đã đến, cần phải giao-thiệp với các nước ngoài. Cho nên, tuy rằng hợp-ước 1874 đã « công-nhận độc-lập cho nước An-nam, nhưng phải nhượng Nam-kỳ và cam-đoan y theo chính-sách ngoại-giao của Pháp », nhưng vua Tự-Đức cứ phái các sứ-bộ sang Tàu (năm 1876, 1880), sang Hương-cảng, và phái thanh-niên đi học trường Anh (1881).

Thấy vậy, Pháp nhất-định can-thiệp. Từ Sài-gòn, thiếu-tá Henri Rivière được phái ra Bắc, đem nhiều quân ra đóng thêm ở Hải-phòng và Hà-nội (bấy giờ đồn Pháp ở vùng nhượng-địa Đồn-thủy, mà ta gọi là Trường-Tây), lấy cớ là vì quân tàu ngăn-cản sự thông-thương. Bên ta, thì Trần-Đình-Túc, tổng-đốc Hà-nội đã được về hưu. Một vị quan có tiếng rất cương-trực ra thay (1880). Ấy là Hoàng-Diệu.

« Thấy quân Pháp tới nhiều, ông sai canh-phòng cẩn-mật, bắt những người ngoại-quốc muốn vào trong thành phải xin phép trước, xây các công-tác phòng-thủ trong thành. Đối với những người ỷ thế Pháp, ông rất ghét ; có lúc ông bắt một tên thông-ngôn hỗn-xược và đánh cho một trận. Nhưng ông được lệnh đừng đụng-chạm đến người Pháp ». (theo Bouinais).

« Ngày 25 tháng 4 năm 1882, là mồng 8 tháng 3 năm Nhâm-ngọ, sợ bị đánh úp, thiếu-tá Rivière định tấn-công thành ». (theo Vial)

Sáng ngày ấy, thiếu-tá sai một tên thông-ngôn, tên là Phong, đưa tối-hậu-thư cho Hoàng-Diệu, yêu-cầu : « Phá các tạo-tác phòng-thủ trong thành, giải-giáp binh-lính, và đúng 8 giờ, thân-hành tới dinh Pháp ở Trường-tây. Quân Pháp sẽ vào thành, làm cho thành khỏi có thể làm hại. Xong sẽ giao trả thành cho quan An-nam, với nhà cửa, kho-tàng ». (xem tối-hậu-thư ở đoạn V)

Hoàng-Diệu sai viên án-sát Tôn-Thất-Bá đi điều-đình. Không đợi trả lời, Rivière tấn-công lúc 8 giờ 15 phút. Lần này,

quân Pháp đông hơn 450 người, và có một ít ngụy-binh. Lại có bốn tàu chiến yểm-hộ. Hoàng-Diệu chống-cự ở Cửa-bắc. Tôn-Thất-Bá chạy trốn vào làng Mọc (Nhân-mục), ở phía đông-nam Hà-nội.

Một chốc sau, kho thuốc súng trong thành nổ. Pháp nói đại-bác mình bắn trúng. Ta nói Pháp thuê Việt-gian đốt. Quân ta nao-núng. Các viên bố-chính Phan-Văn-Tuyển, đề-đốc Lê-Văn-Trinh và các lĩnh-binh đều trụt thành chạy trốn. Viên tuần-phủ Hoàng-Hữu-Xứng (xem phụ biên số 1) trốn trong Hành-cung và nhịn đói thành ốm. Một mình Hoàng-Diệu vào hành-cung, lạy, khóc nói : « Sức của tôi đã hết ». Xong, ông tới cạnh Vũ-miếu, lấy khăn treo mình vào một cây ổi lớn mà chết. Người hầu chôn qua-loa. Sau, các thân-hào đưa táng ông sau nhà Học-đường, tức là Học-chính-đường ở nơi ga hàng-hóa, cạnh đường Sinh-từ và đường xe-lửa ngày nay. Vũ-miếu ở chỗ góc tây-nam đường Cột-cờ và đường đôi P. Pasquier mà chính-phủ ta năm 1945 đã đặt tên là đường Hoàng-Diệu.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x