
Hệ Thống Các Chuẩn Dùng Để Giải Các Bài Toán Sáng Chế – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Trong mục nhỏ vừa nhắc đến, người viết đã trình bày khá chi tiết cách hiểu, các ích lợi, phạm vi áp dụng của ngôn ngữ, ký hiệu, hình vẽ. Ngoài ra, còn có cả một số lời khuyên cá nhân người suy nghĩ nên sử dụng ngôn ngữ, ký hiệu, hình vẽ như thế nào để khai thác các điểm mạnh và hạn chế các điểm yếu của chúng.
Tinh thần chung là, trong suốt quá trình suy nghĩ giải bài toán, bạn nên điều khiển tốt các cách suy nghĩ của mình thể hiện dưới các hình thức ngôn ngữ, ký hiệu, hình vẽ: Lúc thì bạn suy nghĩ bằng ngôn ngữ (verbal thinking); lúc suy nghĩ bằng ký hiệu (thinking with signs); lúc suy nghĩ bằng hình vẽ (visual thinking); lúc suy nghĩ bằng hình vẽ mà trên hình vẽ đó có cả từ ngữ và ký hiệu. Chưa kể, có những lúc việc giải bài toán còn đòi hỏi bạn kết hợp những kiểu suy nghĩ nói trên với toàn bộ cảm giác xúc cảm của bạn để giải bài toán: Bạn suy nghĩ bằng toàn bộ các bộ phận cảm nhận của cơ thể bạn (kinesthetic thinking).
Trong tư cách bất kỳ bộ môn khoa học nào, các ý tưởng, kiến thức của bộ môn khoa học đó cũng đều được trình bày dưới dạng ngôn ngữ, ký hiệu, hình vẽ (hiểu theo nghĩa thông dụng). Tuy nhiên, trong những khoa học nghiên cứu các đối tượng mang tính trừu tượng, khái quát cao, các nhà nghiên cứu gọi chung các phương tiện thể hiện các ý nghĩ là các ngôn ngữ (hiểu theo nghĩa rộng).
Ngôn ngữ (hiểu theo nghĩa rộng) là hệ thống các ký hiệu, thực hiện các chức năng nhận thức và truyền thông (giao tiếp) trong quá trình hoạt động của con người. Trong đó, nhận thức được hiểu là quá trình hoạt động sáng tạo của con người mang tính xã hội–lịch sử xây dựng các tri thức từ thực tiễn và về thực tiễn. Trên cơ sở các kiến thức đó xuất hiện các mục đích và động cơ của các hành động con người tác động ngược trở lại thực tiễn.
Còn bản thân ký hiệu là đối tượng nhất định mang tính vật chất cảm nhận được, do con người tạo ra trong nhận thức để ký hiệu đóng vai trò chỉ dẫn, đánh dấu (biểu thị), đại biểu, đại diện thay mặt đối tượng sự kiện, tác động có thực trong thực tiễn. Trong ý nghĩa vừa nêu, ký hiệu bây giờ được hiểu rất rộng, bao gồm ký hiệu (hiểu theo nghĩa thông dụng), các chữ cái, từ, ngữ, hình vẽ…, thậm chí cả mô hình.
Nhờ ký hiệu mà con người thể hiện các ý nghĩ, hiểu biết, suy nghĩ của mình, trao đổi những cái đó với những người khác, truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau.
Ký hiệu do chủ quan con người tạo ra, nhiều khi chỉ thuần túy mang tính chất quy ước. Tuy vậy, có những ký hiệu không dừng lại ở dạng và mục đích ban đầu mà cùng với quá trình nhận thức, tiến hóa, phát triển tiếp như là những hệ thống với những thay đổi về chất, đem lại những ích lợi mà chính các tác giả của những ký hiệu đó không ngờ tới. Điều này có thể hiểu được, vì trong các nhiệm vụ của ký hiệu có nhiệm vụ làm đại biểu cho đối tượng có thực trong thực tiễn, mà đối tượng có thực ngày càng được nhận thức sâu hơn, chưa kể, nó còn thay đổi, vận động, mở rộng các mối liên kết của mình với các đối tượng khác. Những cái đó làm cho ký hiệu phản ánh đối tượng có thực cũng thay đổi, phát triển một cách tương ứng.
Ngoài ra, ký hiệu, đặc biệt, hệ thống các ký hiệu còn có thể có cuộc sống riêng, lôgích riêng của mình, độc lập với những ý định ban đầu của những người tạo ra nó.
Người viết còn quay trở lại vấn đề này trong phần nói về một số ích lợi của ký hiệu, hệ thống các ký hiệu thông qua các ví dụ cụ thể của mục này.
Ký hiệu cùng các vấn đề liên quan đã được các nhà nghiên cứu quan tâm từ rất lâu.
Các nhà triết học cổ đại như Plato, Aristotle, những người theo chủ nghĩa khắc kỷ dành nhiều chú ý nghiên cứu ký hiệu dưới góc độ các chức năng của nhận thức luận. Các nhà tư tưởng như Lokk, Leibnitz, Kondiliak ở thế kỷ 17, 18 cũng tiếp tục công việc này. Vào thế kỷ 19, ngôn ngữ học (Linguistics) và lôgích toán học đóng góp thêm nhiều ý tưởng mới cho việc nghiên cứu ký hiệu. Trong thế kỷ 20 hình thành bộ môn khoa học chuyên nghiên cứu ký hiệu: Ký hiệu học (Semiotics).
Ký hiệu học có nhiệm vụ nghiên cứu mang tính so sánh các hệ thống ký hiệu, từ các hệ thống báo hiệu đơn giản nhất đến các ngôn ngữ tự nhiên, ngôn ngữ nhân tạo, rồi các ngôn ngữ được hình thức hóa của khoa học.
Ngôn ngữ tự nhiên là ngôn ngữ dùng trong đời sống hàng ngày, là hình thức thể hiện các ý nghĩ, phương tiện giao tiếp của tất cả mọi người trong xã hội.
Ngôn ngữ nhân tạo là ngôn ngữ chuyên ngành (các thuật ngữ chuyên ngành), được các nhà chuyên môn thuộc chuyên ngành đó sáng chế ra và sử dụng trong phạm vi hẹp của chuyên ngành.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.