Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Hồ Chí Minh – Chân Dung Một Cuộc Đời của tác giả William J. Duiker mời bạn thưởng thức.

THỜI KỲ MẤT NƯỚC

Trong khi những người chiến sĩ của ông hân hoan trên đường phố ăn mừng chiến thắng hay tiếp quản những cơ sở của quân địch thì ông lặng lẽ vào thành phố, không kèn không trống, sống tại toà nhà bình dân hai tầng trong khu thương mại phố Tàu. Ông ở đó vài ngày, cách biệt với bên ngoài, hối hả làm việc với chiếc máy chữ cũ rích mà ông thường đem bên mình trong suốt hơn một thập niên đi đây đó từ Moscow đến miền nam Trung Hoa và sau cùng trở về quê hương trong những tuần đầu của năm 1941, nơi ba muơi năm trước ông đã ra đi.

Cuối tháng ông viết xong bài diễn văn dự định sẽ đọc trước đồng bào của mình, tuyên bố sự ra đời của một quốc gia mới. Ngay 2 giờ chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, ông đã có mặt trên lễ đài được dựng trên một khu đất lớn sau này là Quảng trường Ba Đình – phía tây thành phố. Ông mặc bộ quần áo ka-ki bạc mầu rộng so với thân hình gầy gò của mình và chân đi dép cao su. Hàng nghìn người đã tập trung từ sáng sớm để nghe ông phát biểu. Với giọng thanh cao xứ Nghệ, đặc trưng cho nơi ông sinh ra, ông tuyên bố đất nước được độc lập và đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập.

Đối với một vài người Mỹ tình cờ có mặt tại đó, những lời đầu tiên của ông làm họ ngạc nhiên: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được: Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lúc đó là cuối mùa hè năm 1945, ngay sau khi đế quốc Nhật đầu hàng trên toàn châu Á. Địa điểm là Hà Nội, một thời là cố đô của Việt Nam, giờ đây là thành phố thuộc địa im lìm nằm giữa đồng bằng sông Hồng thường gọi là Đông Dương thuộc Pháp. Suốt hai thập niên, Nguyễn Ái Quốc đã tận tuỵ hết lòng khơi dậy lòng căm thù còn e ngại trong đồng bào của mình và những công chức thực dân Pháp cai trị họ. Giờ đây dưới một cái tên mới, ông giới thiệu mình với nhân dân Việt Nam với tư cách là Chủ tịch đầu tiên của một đất nước mới.

Lúc đó cái tên Hồ Chí Minh không được ai biết đến trừ một số ít đồng bào yêu nước của ông. Chẳng mấy ai trong số những người nghe Tuyên ngôn Độc lập hay những người trên khắp đất nước biết, trước đây của ông là đặc vụ của Quốc tế Cộng sản III (một tổ chức cách mạng còn được gọi là Quốc tế III do Lenin, người lãnh đạo Bolsevich sáng lập hai mươi sáu năm về trước), và là người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam năm 1930. Giờ đây ông miêu tả mình là “một người yêu nước đã phụng sự đất nước từ lâu”. Trong một phần tư thế kỷ tiếp theo, nhân dân Việt Nam và thế giới đã có đánh giá đúng về ông.

Động lực khởi đầu cho hành trình lâu dài của ông tới Quảng trường Ba Đình đã bắt đầu từ cuối mùa hè năm 1858 khi một đội tàu chiến Pháp, với sự tham gia của một số tàu chiến của Tây Ban Nha, bất ngờ tấn công thành phố Đà Nẵng, một cảng biển thương mại cỡ trung bình thuộc duyên hải miền trung Việt Nam. Cuộc tấn công này không hoàn toàn bất ngờ. Trong nhiều thập niên, con mắt thèm thuồng của Pháp luôn hướng vào Việt Nam: Những nhà truyền giáo với con mắt dõi theo những linh hồn để cứu rỗi, những lái buôn đi khắp địa cầu tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới cũng như tuyến đường sông tới Trung Hoa giàu có, những nhà chính trị tin rằng chỉ thiết lập các thuộc địa ở châu Á mới có thể đảm bảo được sự sống còn của Pháp như là một cường quốc. Đến giữa thế kỷ XIX, chính phủ Pháp tìm cách thiết lập sự có mặt tại Việt Nam qua đường ngoại giao và thậm chí đã cử một phái đoàn tới cố đô Huế, cách Đà Nẵng 90 cây số về phía bắc, nhằm thuyết phục vua Việt Nam mở cửa cho Pháp. Khi các cuộc thương thuyết thất bại, chính phủ của Hoàng đế Louis Napoleon đã quyết định sử dụng sức mạnh.

Đất nước khi mà các tàu chiến Pháp tấn công không xa lạ gì với chiến tranh hay nạn ngoại xâm. Đúng vậy, rất ít dân tộc ở châu Á buộc phải chiến đấu lâu dài và gian khổ như nhân dân Việt Nam để bảo vệ bản sắc của mình là một quốc gia độc lập và tự chủ. Một thực tế nổi bật trong lịch sử Việt Nam là cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ chống lại khuynh hướng bành trướng của Trung Hoa, người láng giềng phương Bắc. Vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên khi nền cộng hoà La Mã còn mới phát triển, Đế chế Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam và tiến hành mạnh mẽ quá trình đồng hoá về chính trị, văn hoá và kinh tế. Mặc dù nhân dân Việt Nam đã cố gắng giành lại độc lập của mình vào thế kỷ thứ mười sau Công nguyên nhưng phải hàng trăm năm sau các hoàng đế Trung Hoa mới chấp nhận Việt Nam tồn tại độc lập; trên thực tế, điều này chỉ xảy ra sau khi Việt Nam miễn cưỡng chấp nhận quan hệ chư hầu với các hoàng đế Trung Hoa.

Quan hệ kéo dài giữa Việt Nam và Trung Hoa đã để lại những hậu quả triền miên. Hơn một thiên niên kỷ, thể chế chính trị, văn học, nghệ thuật, âm nhạc, tôn giáo, triết học của Trung Hoa và thậm chí cả tiếng Hán đã cắm rễ sâu trong đất Việt Nam. Kết quả là một Việt Nam “Khổng hoá” mà đối với người tìm hiểu không kỹ là một Trung Hoa thu nhỏ, một “con rồng nhỏ”, bản sao của người láng giềng phương Bắc hùng mạnh. Bản thân các triều đại vua Việt Nam suy nghĩ như vậy, đã áp dụng cách ăn mặc giống hệt tuy không được oai phong bệ vệ như Thiên Tử Trung Hoa.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x