Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Nguyên nhân thất bại chánh của Hồ Quí Ly là lòng người, là nhân tâm. Mà nhân tâm thời bấy giờ lại đầy thành kiến, chịu ảnh hưởng gần như trực tiếp của đẳng cấp nho sĩ, cũng là giai cấp thống trị, kiêm giai cấp lãnh đạo suốt các thời kỳ quân chủ chuyên chế và Bắc thuộc.

Nhưng thực chất của đẳng cấp quan trọng ấy như thế nào ?

Chúng ta biết rằng nền tảng của đẳng cấp nho sĩ Việt Nam là Khổng Học. Ta thử xem qua những nhận định về Khổng Học dưới đây trong quyển « Xã Hội Việt Nam » của Lương Đức Thiệp : « Khổng Học nguyên là một phương pháp chính trị và luân lý. Sau vì mục đích chính trị, Khổng Tử được vua chúa Trung Quốc và Việt Nam suy tôn lên bực thánh mà xây dựng đình miếu để tôn thờ rồi rập khuôn cả sĩ phu trong nước suy nghĩ và cư xử theo tư tưởng và nguyên tắc luân lý của Khổng Tử, người đã xướng ra cái thuyết tôn quân ».

Nói về quan niệm « chính danh » của Khổng Tử, ông Lương Đức Thiệp viết :

« Muốn trị thiên hạ thì trước hết phải chính danh đã, có chính danh thì mọi người mới chịu ở địa vị thật của mình trong xã hội mà không xáo trộn trật tự của xã hội. Thế nên Khổng Tử cho rằng vua phải ở địa vị vua, thần phải ở địa vị thần (tôi), dân phải ở địa vị dân thì làm gì có sự loạn lạc, cho tôi giết vua, dân giết quan, chư hầu lấn quyền thiên tử, cũng như trong gia đình, cha ở địa vị cha, con giữ địa vị con thì làm gì có sự rối loạn thứ bực nữa. Cho nên đối với Khổng Tử, thuyết chính danh là một phương pháp chính trị hệ trọng. Vì vậy, Khổng Tử khởi xướng ra chủ nghĩa tôn vương mà bắt các vua chư hầu phải phục tòng Thiên Tử nhà Chu, mong thiên hạ lại được bình trị như xưa để mưu cuộc thống nhất cho quốc gia.

« …Sau thời Xuân Thu, sức phát triển của đẳng cấp nho sĩ đã đến bực cuối cùng ; đẳng cấp này trở thành phản động nên đã chống lại công cuộc cải cách quốc gia của Tần Thủy Hoàng. Bởi vậy vua Tần phải dùng phương pháp khủng bố như đốt sách vở, chôn học trò để đàn áp phong trào bảo thủ. Khi nhà Tần đổ, nhà Hán bèn lợi dụng ngay thuyết tôn quân của Khổng Tử để lung lạc đẳng cấp nho sĩ. Trí thức hệ của nho giáo liền hóa thành một lợi khí chính trị. Đẳng cấp nho sĩ bám vào trí thức hệ ấy, đồng thời cũng hóa thành một dụng cụ sẵn sàng để vua chúa sai dùng. Thêm chế độ khoa cử khuôn nắn tâm não, đẳng cấp nho sĩ bị lung lạc… Các trào lưu tư tưởng khác bị nghẽn lối. Thêm nền tảng kinh tế nông nghiệp trong xã hội Trung Quốc chưa lung lay hẳn, Khổng Học vẫn còn chỗ đứng.

« Khi Khổng Học truyền sang Việt Nam, Phật học và Lão học vẫn còn thịnh, triều Lý vẫn còn phải mở khoa thi Tam giáo để kén nhân tài. »

Sang đời Trần, Khổng Học thịnh dần. Trong VIỆT NAM SỬ LƯỢC, Trần Trọng Kim chép : « Năm Nhâm Thìn (I232) mở khoa thi Thái học sinh 1. Từ đời nhà Lý cũng đã có thi Nho sĩ, nhưng chỉ thi Tam Trường mà thôi, đến bây giờ mới có khoa thi Thái học sinh, chia ra thứ bậc, làm 3 giáp để định cao thấp. Đến khoa thi năm Đinh tị (I247) lại đặt ra Tam khôi : Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Khoa thi năm Đinh Tỵ này có Lê Văn Hưu là người làm sử nước nhà trước hết cả, đỗ Bảng nhãn. Năm Giáp Dần (I347) mở khoa thi Tiến Sĩ, lấy hơn 50 người cho áo mão vinh qui. Trước vẫn có Thái học sinh, đến bây giờ mới đổi ra là thi Tiến sĩ. »

Khổng Học thời Lý-Trần dầu chưa cực thịnh như từ đời Lê trở về sau, nhưng đã sản xuất ra những danh nho túc học, cả những bực Thượng Tướng như Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão…, chẳng những sử dụng chữ Tàu một cách thành thạo mà còn tuyệt diệu nữa. Những bài thơ như « NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ » của Lý Thường Kiệt, « ĐOẠT SÁO CHƯƠNG DƯƠNG ĐỘ » của Trần Quang Khải, « HOÀNH SÁO GIANG SƠN THẬP KỶ THU » của Phạm Ngũ Lão, và cả vua Trần Thánh Tôn, sau khi đánh đuổi được giặc Nguyên, cũng đã có 2 câu thơ khánh hỉ tài tình :

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,

Sơn hà thiên cổ điện kim âu. 2

Tất cả những lời thơ điêu luyện, ý tứ súc tích, hào khí ngất trời ấy, chứng tỏ Hán học đã ăn sâu vào tâm não của từng lớp lãnh đạo Việt Nam. Bộ BINH THƯ YẾU LƯỢC, HỊCH TƯỚNG SĨ của Hưng Đạo Vương xác nhận thêm điều đó.

Đời Trần còn có những tay Khổng học uyên thâm như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Chu Văn An, Hồ Tôn Thốc, Trần Nguyên Đán… Ngoài ra còn những bực Khoa Bảng xuất thân đã chiếm những địa vị cao quí trong chính quyền và các nho sinh khắp nước do chế độ giáo dục tự do đào tạo chờ ngày lều chổng đi thi mong ơn mưa móc của triều đình, con đường xuất chính duy nhất dưới thời quân chủ… Giới nho sĩ đã khá đầy đủ để hợp thành một đẳng cấp hưởng rất nhiều ưu đãi của chế độ, ăn trên ngồi trước, cho nên họ triệt để trung thành và trở nên công cụ của chính quyền.

Trong quyển « Xã hội Việt Nam » ông Lương Đức Thiệp viết : « Mất hết độc lập về tư tưởng, tiêu mòn sinh lực trong mấy quyển Tứ thư, Ngũ kinh, trong thể lệ bạo tàn của trường quy, đẳng cấp sĩ phu Việt Nam cũng bị rút rỗng hết sinh khí. Bởi vậy, trải qua bao thế kỷ nghiền ngẫm tư tưởng của cổ nhân mà đẳng cấp sĩ phu Việt Nam không ghi được một dấu tiến bộ nào hay một trào lưu tư tưởng mạnh mẽ nào khác Trung Quốc cả. Chính sách ngu dân của chế độ phong kiến đã có kết quả ; đẳng cấp sĩ phu Việt Nam bảo thủ đã trở thành một trở lực lớn cho cuộc tiến hóa chung của dân tộc ».

Với cái uy danh của ông Trạng, ông Bảng nhãn, ông Thám Hoa, ông Cử, ông Tú, với cái uy tín của các thầy Đồ, thượng tri thiên văn một cách thô sơ, hạ thông địa lý một cách mập mờ, với cái học nhồi sọ trong mớ sách cũ rích không hề thay đổi, chuyên ngâm hoa vịnh nguyệt bằng lối trích cú.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x