Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Hồi Ký Bà Tùng Long của tác giả Bà Tùng Long mời bạn thưởng thức.

CHƯƠNG 2: Những ngày tươi đẹp

CHÍN TUỔI ĐÃ XA NHÀ ĐI HỌC

Những năm đẹp nhất của tôi ở Tam Quan rồi cũng trôi qua. Tôi học đến lớp ba, lúc bấy giờ Bộ Giáo dục bày ra chuyện thi bằng Sơ học yếu lược, không những giúp học sinh có một bằng cấp để có thể tìm việc làm (vì thời ấy, học đến đó cũng đủ để xin một chân tống thư văn ở các sở vì đã có chút ít vốn liếng tiếng Pháp để nghe và hiểu người chủ sai bảo cái gì) mà còn để giúp những người lớn tuổi đang làm ở các làng xã, thi có bằng cấp mới có thể tiếp tục lo việc hành chánh.

Năm ấy tôi cũng đi thi, từ Tam Quan phải lên phủ Bồng Sơn để dự thi. Cha tôi phải xin nghỉ việc để đưa tôi đi thi, đường xa mấy chục cây số dốc đèo hiểm trở phải đi xe kéo. Lúc ấy tôi mới lên chín tuổi, vào thi thấy toàn mấy ông già lý trưởng, hương cả, thôn trưởng, thư ký ở các nha, và những người ở cỡ tuổi ba mươi, bốn mươi cũng mang giấy tờ, bút mực đi thi, tôi không khỏi lo ngại. Tôi cứ theo hỏi cha tôi, người ta lớn như vậy mà đi thi thì con làm sao đậu được. Cha tôi giải thích, người ta thi để bổ túc giấy tờ đi làm việc, còn con thi là để ghi một giai đoạn đã học qua và là nấc thang đầu tiên để con bước lên các cấp khác trên đường học vấn.

Khi ngồi trên xe, cha tôi đã dạy kỹ về tên làng xã, phủ huyện, quê quán, ngày tháng, năm sinh cùng tên cha, tên mẹ. Vậy mà khi ngồi trước mặt tờ giấy mà một giám khảo phát cho để điền và làm bài, tôi quên bẵng không còn nhớ gì cả. Nhưng từ nhỏ tôi đã chẳng biết sợ ai, rất dạn dĩ. Tôi ngó qua lớp thi thấy lố nhố toàn các ông bịt khăn đóng, bên cạnh để cây dù, mà là thí sinh đồng khóa với tôi, tôi không khỏi buồn cười và cảm thấy mình nhỏ quá. Tôi liền đứng dậy lên xin phép ông giám khảo cho tôi ra ngoài gặp cha tôi để hỏi lại quê quán của tôi, vì chỗ tôi ở hiện nay không phải chánh quán. Người ta chưa phát đề bài nên không ai làm khó dễ tôi về việc này. Tôi còn nhớ kỹ, đề luận hôm ấy là “Lợi ích của cây dừa”. Vì Bình Định là xứ dừa mà hằng ngày tôi được mắt thấy tai nghe về những gì mà người ta thâu lợi với cây dừa, lá để lợp nhà, trái làm dầu, nấu ăn, vỏ để chụm, hay đập ra đánh thành dây dừa. Yếm dừa, thân dừa, gốc dừa… đều có việc dùng, không bỏ một thứ gì. Nước dừa còn để uống bồi bổ con người khi mệt nhọc. Ôi thôi, tôi viết tràng giang đại hải và mấy ông bà già thấy vậy kêu nhau nói:

– Con nhỏ này, con nhà ai mà học giỏi quá vậy?

Cha tôi đứng ngoài nhìn vào thấy tôi viết không ngừng cũng yên lòng và tôi đã góp bài luận trước ai hết, được phép ra ngoài để còn thi tiếp môn toán.

Lẽ dĩ nhiên năm ấy tôi thi đậu và cũng vì có bằng Sơ học yếu lược này mà cuộc đời thơ ấu của tôi lại đi vào một khúc quanh khác. Vì ở Tam Quan không có trường dạy cấp hai, cũng không có trường riêng cho nữ, trong khi cha tôi rất quan tâm đến chuyện học của tôi. Ông nội tôi cứ nói rằng tôi là con gái mà ngang bướng quá, lại thêm được cha tôi quá nuông chiều, còn mẹ tôi thì nói ở nhà không ai dám rầy la tôi, mẹ tôi còn không hề đánh tôi một cái tát nhẹ. Phải tìm cho tôi một trường nữ. Mà trường nữ thì phải về Đà Nẵng hay là ra Huế học trường Đồng Khánh ở luôn trong ký túc xá.

Nghe thế tôi không hề ngán chút nào, đi thì đi, miễn là được tiếp tục học, đừng bắt ở nhà học vá may, thêu thùa, công dung ngôn hạnh và làm việc nhà như bao đứa con gái khác ở thời buổi của tôi.

Cha mẹ tôi đang trù tính thì bỗng xảy ra một chuyện thu xếp ở gia đình. Số là bà ngoại tôi có một cậu con trai duy nhất. Cậu của tôi vì quá được nuông chiều nên không chịu học, trong nhà không sợ ai, muốn làm gì thì làm, đi học muốn bỏ là bỏ. Còn nhỏ, lớn hơn tôi vài tuổi, mà muốn đá banh là nhập bọn đi đá suốt ngày. Vậy mà cậu tôi chỉ sợ có cha tôi. Lúc cha tôi ở Đà Nẵng, mỗi lần cậu tôi làm gì sai trái, bà tôi chỉ cần nói: “Để tao sai đi mời anh Tường mầy về đây trị mầy mới được” là cậu tôi sợ ngay. Trong một lần mẹ tôi về thăm bà tôi và cũng để thử chở dây dừa về Đà Nẵng bán giúp thêm tiền cho gia đình, bà tôi ngỏ ý muốn gởi cậu tôi vô Tam Quan ở với cha mẹ tôi. Nhưng bà tôi lại nói thêm: “Nó đi rồi chắc tao cũng buồn nhưng làm sao bây giờ, muốn nó nên người thì đành vậy thôi”.

Mẹ tôi liền đề nghị: “Hay là con gởi con Vân về đây ở với má, vì trong ấy không có trường nữ mà nó thì rất muốn đi học. Đi xa nó không sợ”.

Thế là thực hiện ngay một sự trao đổi. Năm học ấy (1924), tôi ra Đà Nẵng, còn cậu Sắc của tôi thì vào Tam Quan. Tôi được vào học trường Tiểu học nữ Đà Nẵng.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x