Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Hồi Ký Nguyễn Thị Bình – Gia Đình Bạn Bè Và Đất Nước của tác giả Nguyễn Thị Bình mời bạn thưởng thức.

Tuổi thơ

Về bên ngoại, mẹ tôi là con gái thứ hai của Cụ Phan Châu Trinh, quê ở phía đông huyện Tiên Phước, nay thuộc huyện Phú Ninh phía tây Tam Kỳ. Ông nội tôi thì quê ở huyện Điện Bàn, là một nghĩa binh của phong trào Cần Vương.

Ông cụ thân sinh ra tôi là con thứ mười trong gia đình, làm viên chức trong ngành trắc địa. Từ khi ra trường, Cụ đã làm việc ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, luôn lênh đênh trên một chiếc ghe bầu rất lớn. Tôi được sinh ra ở xã Tân Hiệp, tỉnh Sa Đéc, và được ba má đặt tên là Sa. Nghe má tôi nói, khi mới sáu tháng tuổi, tập bò, tôi bị rơi xuống sông Tiến, nhưng được vớt lên ngay.

Tuổi thơ tôi được sống một thời gian ở nông thôn nên cũng hiểu việc đồng áng, câu cá, câu tôm. Tôi còn nhớ mãi mùa nước nổi ở đồng bằng miền Tây, ruộng vườn chìm trong nước mênh mông như biển. Những ngày tháng tuổi thơ ảnh hưởng lâu dài trong cả cuộc đời tôi, trong hoạt động xã hội lẫn đời sống riêng.

Sau đó, ông cụ thân sinh tôi được điều sang Campuchia làm việc, mang cả gia đình đi theo và định cư tại Phnom Penh một thời gian dài. Mẹ tôi sinh bảy lần; một em bị bệnh mất nên còn sáu chị em: bốn nam, hai nữ. Tôi là con gái đầu lòng. Ngoài chị em chúng tôi, còn có vài ba anh em họ hàng ở quê vì kinh tế khó khăn phải đến nhờ ông cụ tôi giúp đỡ, tiếp tục đi học hoặc tìm việc làm. Nhà lúc nào cũng rất đông vui, ăn cơm phải chia hai lượt vì không đủ chỗ ngồi. Lương ông cụ tôi không cao nhưng cũng không thấp, lúc nào cũng sẵn sàng cưu mang con cháu.

Cụ là người ham lao động, đặc biệt rất say mê kỹ thuật. Ở nhà dưới có một phòng đủ các dụng cụ về cơ khíđể Cụ sửa chữa, chế tạo. Ngoài giờ đi làm, muốn tìm Cụ thì phải vào cái kho đặc biệt đó. Cụ là người rất yêu lao động nên đánh giá con người cũng qua thái độ lao động của họ: người nào siêng làm là người tốt, người nào hơi lười Cụ không ưa. Đối với chúng tôi, Cụ cũng có yêu cầu như vậy bất kể là trai hay gái: biết đi xe đạp thì phải biết sửa xe, vá săm lốp. Ông cụ thích chúng tôi ham học, ham đọc sách, chơi thể thao, không thích chúng tôi đờn ca, giao du với bạn bè nhiều. Về sau trong suốt đời hoạt động và công tác, tôi luôn gắn bó và cũng dễ gần gũi với người dân lao động, thường nhìn con người qua thái độ lao động và cách họ quan hệ với người lao động, nghĩ lại tôi rất biết ơn ông cụ tôi về ảnh hưởng đó.

Mẹ tôi có lẽ vì sinh đẻ nhiều, không được khỏe. Bà mất khi tôi mới 16 tuổi và em út tôi chưa đấy năm. Tuy vậy, tôi đã có một thời thơ ấu đầm ấm, hạnh phúc giữa tình thương của cha mẹ và người thân. Đến khi mẹ mất, tôi mới cảm thấy lo lắng và thiếu thốn tình cảm. Nhìn đàn em còn nhỏ dại, tôi bắt đầu ý thức về trách nhiệm của mình: phải thay mẹ lo cho các em.

Lúc còn sống, mẹ tôi thường kể chuyện về ông ngoại – Cụ Phan Châu Trinh. Cụ mất năm 1926 sau khi từ Pháp về được một năm, nên khi ra đời tôi không được biết mặt và càng không được trực tiếp nhận ảnh hưởng từ tư tưởng yêu nước thức thời của Cụ. Trong ký ức của tôi, từ lời kể của mẹ, ông ngoại tôi là người đã bôn ba khắp nước từ khi còn trẻ, rồi vì hoạt động chống Pháp mà bị bắt. Nếu không có những người Pháp tiến bộ trong Hội Liên minh Nhân quyền Pháp tích cực bênh vực có lẽ Cụ đã bị xử chém. Sau thời gian ở tù Côn Đảo, khi được trả tự do Cụ yêu cầu và được chính quyến thuộc địa cho sang Pháp, và đã ở đó 14 năm. Ý đồ của Cụ là tìm cách dựa vào các lực lượng tiến bộ ở Pháp để mưu cầu độc lập cho nước nhà.

Trong những năm 40 của thế kỷ trước, gia đình tôi không sống ở trong nước, nhưng tin tức về các cuộc nổi dậy của cộng sản ở Mỹ Tho và một số tỉnh Nam Bộ cũng đã đến với chúng tôi. Hồi đó, tôi thấy mẹ tôi thường tỏ ra buồn bực, bà hay tâm sự với những người bạn thân: “Không biết bao giờ nhân dân ta mới đánh được Tây?”

Ở Campuchia, gia đình chúng tôi sống trên đại lộ Miche (Boulevard Miche), thủ đô Phnom Penh. Nhà làm bằng gỗ, với một kiến trúc rất đặc biệt, do ba tôi thiết kế theo ý tưởng của Cụ: phải rộng rãi, thoáng mát, tiện lợi. Nhà ở sau một bãi cát rất rộng, mùa trăng rằm sáng trắng như tuyết. Những đêm trăng sáng chị em tôi rất thích đuổi nhau trên bãi cát trắng. Sau nhà là đồng ruộng, mùa nước lên, nước có thể đến chân cột nhà. Tôi giữ mãi hình ảnh về ngôi nhà thân thiết đã gắn với thời niên thiếu của mấy chị em chúng tôi những năm tháng chúng tôi còn đủ cha và mẹ.

Tôi học trường Lycée Sisowath, trường trung học lớn nhất của Campuchia. Vì cha tôi làm công chức nên tôi “được” học ở hệ thống “chính quốc” Pháp, không theo hệ thống dành cho người bản xứ. Ở đây phần lớn học sinh là con cái công chức người Pháp hoặc có quốc tịch Pháp. Tinh thần dân tộc của tôi và các em tôi đã biểu hiện trong một số vụ va chạm với “bọn con Tây”. Tôi nhớ một lần ra chơi, mấy đứa bạn học người Pháp nói với nhau về những người giúp việc nhà họ: “Bọn anamites đều là những tên ăn cấp.” Tôi nghe thấy, không chịu nổi, đến hỏi chúng: “Chúng mày nói gì?” Mấy đứa còn đang ngơ ngác, tôi lấy ngay cặp sách nện vào chúng.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x