Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Hồi Ký Song Đôi Tập 1 – Tình Bạn Trong Sáng của tác giả Huy Cận mời bạn thưởng thức.

Vườn cau còi

Ngày trước ông tôi lập vườn, vườn rộng đất tốt. Vườn cau xanh rờn, mạnh mẽ, như cả sinh khí tụ lại, trổ ra những ngọn huy hoàng. Như mạch đất của làng tìm nhà tôi mà đến, ấy là thời vượng. Sự giàu có lên nhịp đều, un un như cây cỏ, và cảnh gia đình ấm áp, ủ ôm. Thời bình lạc than ôi một ngày một suy; ông tôi mất đi là sự sụp đổ bắt đầu. Cái bàn tay gây cơ nghiệp của ông đã buông xuôi, thế là sự thịnh vượng cũng bỏ nhà tôi mà đi dần. Rồi vườn cũng bớt nhụy, cam bưởi bị sâu ăn, gãy nhánh. Cái nhà long thần sau nương bị lợn ủi, lở tứ phía, cột nghiêng, cửa mục, mái dột trăm chiều. Thần đất đã rời đi rồi, ai ở mà cầm cương, giữ mực nữa.

Cau mỗi năm mỗi “rầy” (còi đi), lá vàng úa trông não lòng như thấy cái gì đang hấp hối. Vườn cau còi, cỏ mọc um tùm và dưới gốc cau, đất màu trôi tan, lòi ra rễ cau đỏ như những con trạch. Tôi nghe người ta nói, một vườn cau thường năm bảy mươi năm mới cỗi, sao vườn ông tôi lập ra chưa được bao lâu mà đã héo còi? Thế rồi bón phân, xe đất, để cứu vãn lại chút xanh tươi đang tàn héo. Lá vẫn úa, cau vẫn ngã, cội vẫn trơ trụi ra. Đất không nuôi nữa, đất lở hết màu, trôi hết nhụy, lấy gì mà chuyển nhựa như xưa. Cây cỏ tiêu điều, lây nỗi bạc nhược của người. Rồi chiều lỡ buổi đứng giữa sân nhìn quanh vườn, thấy mấy ngọn cau vàng úa lắc lư như tuyệt vọng thì buồn đến chết được. Não lòng biết mấy khi thấy bao nhiêu thịnh vượng cứ thoát nhà tôi từng chút, từng chút. Gốc cau lung lay cùng với nền móng nhà tôi một lượt.

Bà đốt nhà

Tôi kể đàn ong “trại” và vườn cau còi trên đây là cũng như để báo trước cho bạn đọc những bi kịch sắp xảy đến trong gia đình tôi, như một lời phi lộ cho những “xen” (scene – cảnh (NBT)) dữ dội trên sân khấu nhà tôi.

Tôi không nhớ rõ vì sao xảy ra chuyện đốt nhà. Lúc đó, o Ngoéch bên sông về chơi. Mẹ và bà thì giận nhau luôn, cớ sâu xa chắc là ở lòng xung khắc đó. Bà ở bên chú, bà ghét lây cả con mẹ (nghĩa là cháu bà, than ôi!) làm mẹ mủi lòng, khiến mẹ dày vò thầy tôi đủ cách. Bố thì hiền, hiền quá hóa quẫn. Mẹ mời bà về ở với mẹ, nghĩa là ở bên nhà lớn, nhà của ông để lại cho thầy là con trưởng. Chú mợ cứ ở nhà bên khi trước là nhà thầy mẹ ở, về sau sửa sang lại vững vàng hơn nhà lớn. Ai xui bà? Hay bà cũng vì khổ quá, thấy cảnh dâu con không hợp bà buồn? Cãi cọ nhau lâu lắm, từ buổi chiều cho đến chập choạng tối. Mẹ lấy giọng không cần. Bà thì nhắc ông mà khóc. Thầy thì thỉnh thoảng cười nhạt với chú Cu. Mợ Cu thật thà, chỉ đứng lo sợ xảy ra chuyện gì ghê gớm. Tôi còn nhỏ, thường bà khóc tôi cũng khóc theo. Các em tôi ngủ chiều dậy khóc òa cả lên. Bữa cơm chiều thì bỏ mặc chưa ai lo nấu nướng. Tôi sợ quá, tôi đoán, tôi cảm nghe thì đúng hơn sẽ có chuyện gì dữ tợn đang đến với nhà tôi. Tôi nhớ có cảm giác chém giết nữa kia.

Tôi không nhớ rõ đầu đuôi câu chuyện. Thấy bà cầm diêm đi trước, thầy theo sau. Mẹ đứng dưới bếp. Bà xăm xăm lên thềm trước cửa lớn, nói to: “ Đây, nhà của ông cháu để lại, không thuận hòa ở chung thì đốt đi! ”. Bà nói với một giọng gì nghe rợn sau gáy tôi lúc ấy. Tôi không hiểu nữa, chạy lên bên thầy. Bố không can bà, và bà châm diêm, trời ơi! Mẹ run, nhưng mẹ không nói, mẹ uất người rồi mẹ chạy vào nhà bồng các em tôi ra, rồi đứng dưới bếp. Lửa bắt đầu lên mau, nhà lợp lá cọ cháy nhạy lắm. Hoàng hôn mới xuống, lửa đỏ nơi mái cọ, nhìn rợn quá! Im vài giây đồng hồ. Gia đình tôi như tan nát, tàn rữa, trôi hết cả rồi. Đốt nhà! Và đứng xem!

Hú vía! May mà còn chú tôi tỉnh táo, không khờ đi vì đau khổ, vì giận như bà như mẹ. Chú giơ hai tay đập vào lửa, rút nhanh tranh xuống và lửa tắt.

Dấu lửa đốt, sau này còn mãi ở mái nhà. Từ đó mẹ “bôi vôi vào mặt bà” (lời mẹ). Khi nào nấu nước chè tươi mới, hay có thứ thức ăn gì thì mời bà (mít chín, gai, bưởi…), nhưng mẹ chỉ ngọt ngào bề ngoài. Mẹ giận bà chắc đến tận kiếp còn chưa nguôi. Và bà từ đó cũng ít về bên nhà thầy nữa, ở hẳn bên chú, và thường đi chơi ở nhà các o.

Mỗi kỳ nghỉ hè về nhà, tôi thấy bà tôi càng nhỏ đi, choắt người lại y như là những bà già tả trong bài thơ của Baudelaire. Bà tính nết rất hiền, nhưng hay hờn giận và đôi khi trẻ con. Vì vậy mà bà và mẹ tôi giận nhau đời kiếp. Cái chùm số mệnh ấy, bà tôi, mẹ tôi, thầy tôi, các o tôi thật là ngẩn ngơ đau đớn. Tôi cam đoan rằng không một ai ác hết; chỉ vì quẫn trí quẫn lòng và cảnh gia đình éo le mà họ quấy rối, làm khổ nhau. Không, tôi không tin ở sự ác được; nhưng tôi ngờ rằng có một sự tiền định nào đó của những số kiếp gặp nhau. Tiền định? Hay là hoàn cảnh xã hội trong cuộc đời cũ đã tạo ra những cảnh oái oăm mà ta tưởng hình thành số kiếp? Dù sao thì lúc nhỏ tôi sống giữa những người thân thích nhất của tôi với một cảm quan nặng nề về số mệnh. Tôi thương tất cả mọi người thân mà lại thấy những người thân dày vò nhau: có bi kịch nào đau đớn hơn cho một đứa trẻ!

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x