
Hồi Ký Song Đôi Tập 2 – Đổi Thay Và Kiên Định – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Hồi Ký Song Đôi Tập 2 – Đổi Thay Và Kiên Định của tác giả Huy Cận mời bạn thưởng thức.
Tôi viết bản tuyên bố cho vua Bảo Đại
Hồi tháng 11-1945, vua Bảo Đại từ Huế ra Hà Nội (anh Lê Văn Hiến đưa Bảo Đại ra) được Hồ Chủ tịch cử làm cố vấn tối cao của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vua Bảo Đại đến họp một số buổi Hội đồng Chính phủ (lúc đó ngày nào Chính phủ cũng họp) thì ngồi im như hến, không hề phát biểu một ý kiến gì, cứ hút thuốc lá liên tiếp và đôi khi còn ngủ gật… Hồ Chủ tịch thấy vậy, bèn đề nghị với “cố vấn” mỗi tuần chỉ đến họp một lần, tất nhiên là “cố vấn” đồng ý.
Hàng ngày, Hồ Chủ tịch giao cho tôi đến tiếp xúc với hai vị hoàng thân, là hoàng thân Xuphanuvông (lúc đó ở số nhà 50 Hai Bà Trưng, đằng sau Thư viện Quốc gia) và hoàng thân Vĩnh Thụy tức là vua Bảo Đại (ở số nhà 51 Trần Hưng Đạo, sau là trụ sở của Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam). Về hoàng thân Xuphanuvông, tôi sẽ xin kể ở một đoạn khác. Còn đối với hoàng thân Vĩnh Thụy thì Hồ Chủ tịch dặn tôi tìm sách cho ông ta đọc, do đó tôi vào Thư viện Quốc gia tìm một số sách có tính giải trí, xen với một vài quyển có nội dung chính trị ít nhiều liên quan đến thời cuộc.
Vua Bảo Đại cũng đọc sách và nói với tôi: “Anh tìm cho tôi những sách nhẹ nhàng và những tạp chí có nhiều ảnh…”. Một hôm, Hồ Chủ tịch dặn tôi hỏi xem ông cố vấn có muốn tuyên bố gì với chính phủ Pháp về tình hình căng thẳng hiện nay ở Việt Nam không. Tôi truyền đạt lại với Bảo Đại câu gợi ý của Hồ Chủ tịch thì Bảo Đại nói là điều ấy tốt lắm, cần lắm. Ông nói thêm: “Nhờ anh thảo cho tôi, tôi sẽ đọc lại và trình cụ Hồ xem cho trước khi công bố”.
Công bằng mà nói, lúc đó vua Bảo Đại rất khâm phục Hồ Chủ tịch và xem như Cha già của dân tộc, là vị cứu tinh của đất nước. Chính Bảo Đại có lần nói ra miệng: “Tôi rất kính trọng cụ Hồ như là cha tôi” (ông ta nói câu này bằng tiếng Pháp, với một giọng cảm động).
Đêm hôm ấy, tôi thảo ngay một bản tuyên ngôn bằng tiếng Pháp, chừng 2 trang đánh máy lấy lời Bảo Đại gửi cho tướng De Gaulle lúc đó là Chủ tịch của chính phủ Pháp và là người đang chủ trương đánh chiếm lại Việt Nam. Tôi tiếc là bản thảo tuyên bố này cũng đã bị dìm xuống ao ở Kim Bài cùng với tủ sách của tôi.
Tôi còn nhớ mấy ý chính của bản tuyên bố như sau: “ Dân tộc Việt Nam chỉ muốn độc lập. Nếu chính phủ Pháp công nhận độc lập của Việt Nam thì nhân dân Việt Nam sẵn sàng có quan hệ hữu nghị với nhân dân Pháp. Mong rằng, tướng De Gaulle đã biết đấu tranh cho sự giải phóng nước Pháp thì cũng thức thời mà công nhận nền độc lập của Việt Nam và xây dựng mối quan hệ hữu nghị lâu dài Việt -Pháp.
Nhược bằng tướng De Gaulle và chính phủ Pháp cứ tiếp tục chính sách đánh chiếm lại Việt Nam thì toàn dân Việt Nam, triệu người như một sẽ chiến đấu đến cùng để giành lại nền độc lập thiêng liêng của mình, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Và riêng tôi, vua Bảo Đại, nay đã trở thành người công dân tự do của nước Việt Nam độc lập, tôi cũng sẽ đứng trong hàng ngũ chiến đấu cùng đồng bào anh dũng của tôi. Xin tướng De Gaulle và chính phủ Pháp hiểu cho rằng thời đại đã thay đổi, chúng tôi không còn là những người dân Annamít, thần dân thuộc địa của các ngài nữa.
Chỉ tiếc rằng sự không thức thời của các ngài sẽ kéo dài một cuộc chiến tranh đẫm máu, tốn máu người Việt, tốn máu người Pháp, một cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong một lời kêu gọi của Người. Bây giờ chưa phải là muộn để chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của các ngài, vì xin các ngài nhớ rằng nước Việt Nam đã là một nước độc lập từ ngày 2-9-1945. Nếu chính phủ Pháp cứ ngoan cố theo con đường đánh chiếm thuộc địa, thì các ngài phải gánh lấy mọi trách nhiệm và hậu quả do chính sách lỗi thời của các ngài gây ra… ”
Ở dưới bản tuyên bố ký tên Vĩnh Thụy (trước đây là hoàng đế Bảo Đại), nay là cố vấn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tôi đem bản dự thảo đến đọc cho vua Bảo Đại nghe, ông ta gật gù, cũng có vẻ khoái chí những đoạn hùng hồn trong lời tuyên bố. Ông ta đồng ý với dự thảo, không thêm bớt gì và dặn tôi trình cụ Hồ duyệt trước khi đem công bố lên báo đài.
Sau khi gặp Bảo Đại, tôi đến làm việc với hoàng thân Xuphanuvông. Tôi đọc cho hoàng thân nghe bản dự thảo tuyên bố này. Hoàng thân là người nói và viết thạo tiếng Pháp, cho rằng bản tuyên bố đã được thảo rất tốt và mừng rằng vua Bảo Đại chấp nhận đó là lời tuyên bố của mình. Điều đó có lợi cho cuộc vận động giành độc lập. Hoàng thân Xuphanuvông chỉ gợi ý tôi chữa một chữ cho mềm dẻo hơn khi buộc tướng De Gaulle vào trách nhiệm giải quyết vấn đề đình chỉ chiến tranh… Tôi về báo cáo với Hồ Chủ tịch, Bác đồng ý và cho công bố lời tuyên bố lên đài.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.