Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Hồi Ức Chiến Trường K Anh Hùng Không Vinh Danh của tác giả Lê Văn Vọng mời bạn thưởng thức.

KÝ ỨC THÁNG TƯ

Khi phòng tuyến Xuân Lộc, rồi tuyến phòng thủ cuối cùng Suối Nước Trong của địch bị phá vỡ, đại quân ta tiến vào Sài Gòn – dinh lũy cuối cùng của địch. Trong bối cảnh nhốn nháo, xô bồ của thành phố Sài Gòn, Ban chỉ huy Đại đội 1, Tiểu đoàn xe cơ giới VE2, thuộc Cục Hậu cần Miền tạm thời tá túc vào Trường Tiểu học Lê Quý Đôn trên đường Trần Quý Cáp, Quận 1, cách dinh Độc Lập chừng 500 mét. Tôi bám theo đơn vị này từ hôm xuất quân ở Lộc Ninh. Nhiệm vụ của họ là phối hợp với các đơn vị vận tải khác chở quân bộ binh đánh theo phương án hành tiến từ phía đông vào Sài Gòn. Hàng mấy trăm nào là xe hai cầu, ba cầu, và cả xe huy động của các đơn vị vận tải dân sự, chiếc nào chiếc nấy đầy lính đi chật các ngả đường, giữa thanh thiên bạch nhật. Một cảnh tượng mà ít có cuộc tiến công nào có được. Đúng là thế chẻ tre. Từ Biên Hòa, Trảng Bom, ngã ba Dầu Giây… rồi cầu Sài Gòn, ngã tư Hàng Xanh, Thị Nghè, và cuối cùng là dinh Độc Lập. Bước chân thần tốc của đoàn quân như sóng trào bão cuốn, không một sức mạnh nào có thể cản nổi.

Khi chúng tôi đến đây thì quang cảnh vắng hoe, người bảo vệ trường cho biết, thầy cô, học sinh nghỉ học để chào mừng thành phố đã được giải phóng. Mỗi người một chiếc ba lô với vài bộ quân phục lép kẹp, ghép ghế, ghép bàn lại làm chỗ ngả lưng. Nhưng trong không khí phấn khích ấy, chẳng ai nghĩ tới chuyện nghỉ ngơi, dù vừa trải qua một chặng đường dài máu lửa, nhiều đêm thức trắng. Chia tay những khu rừng, những căn hầm một thời gắn bó, về đây, thấy cái gì cũng lạ mắt, cũng tò mò muốn biết. Trước khi vào đây, chúng tôi đã đi qua những địa danh: Cầu Thị Nghè, ngã tư Hàng Xanh, Sở Thú…

Những dãy phố chạy dài, những con đường thẳng tắp, cửa hàng, cửa hiệu trang trí màu mè, rồi biển quảng cáo rối rắm. Người dân đổ ra đứng chật hai bên đường đón đoàn quân giải phóng, tay vẫy cờ, miệng cười tươi. Nhưng cũng có không ít những ánh mắt e ngại, thậm chí lo sợ về “một cuộc tắm máu” sẽ xảy ra. Nhưng chỉ buổi chiều hôm ấy người ta đã nhận ra đó chỉ là những điều bịa đặt mà “các ông quốc gia” đã gán cho các anh bộ đội. Rồi họ truyền tai nhau: Bộ đội Cụ Hồ đây sao? Những người lính khỏe mạnh, đẹp trai, hiền khô vậy mà bên “quốc gia” bảo họ hung dữ, năm sáu người bám một tàu đu đủ không gãy. Từ chỗ e dè ban đầu, các cô gái Sài Gòn – vốn dĩ rất mạnh dạn – chuyển sang trêu đùa các chàng lính trẻ. Nhưng những người lính chỉ biết im lặng, mặt mũi đỏ lựng như quả bồ quân chín.

Tôi và anh Chiến, Đại đội trưởng Đại đội 1 đang đi kiểm tra quanh khuôn viên trường, xác định hướng tiến, thoái phòng khi bất ngờ bị tấn công. Đấy là ý thức cảnh giác đã ăn sâu vào tiềm thức người lính. Hai dãy nhà dài nằm đối diện nhau, gồm nhiều phòng học, giữa là phòng làm việc của ban giám hiệu. Chỉ có một cổng ra, vào. Khi tôi và Chiến vừa quay trở về chỗ cũ thì nghe có tiếng lao xao ngoài cổng. Chưa hiểu chuyện gì, cậu liên lạc hớt hải chạy tới nói rằng, có một phụ nữ mang bầu đến bệnh viện sinh, nhưng, tất cả các ngả đường đều tràn ngập người, đâu cũng là biển nên chiếc xích lô chở chị ta không thể đi nổi, họ đành ghé lại bên cổng trường. Người sản phụ đau đớn quằn quại, miệng không ngớt kêu la, mặt mũi tái dại như sắp ngất.

Chúng tôi hiểu, giữa lúc cả Sài Gòn xuống đường mừng chiến thắng, khó có thể tìm được một bác sĩ để giúp chị qua cơn vượt cạn. Nhưng đến bệnh viện, dù đi bằng phương tiện gì lúc này cũng là khó có thể. Không chần chừ, Chiến quyết định đưa người sản phụ ấy vào phòng và động viên cậu y sĩ đơn vị “giải bài toán hóc búa” đó. Làm việc này là anh đã nhấc cái gánh nặng giữa đường lên vai mình. Điều đó là cần thiết giữa một Sài Gòn vừa giải phóng. Trót lọt thì không sao, nhưng, nếu xảy ra chuyện rủi ro, anh sẽ là người chịu trách nhiệm. Tất cả những người có mặt ở đây đều còn trẻ, chưa có vợ con, nghĩa là không một chút hiểu biết gì về sinh nở. Nhưng không thể đứng nhìn một phụ nữ trẻ lăn lóc, vật vã trên chiếc xích lô. Sản phụ sinh lần đầu nên khó khăn, đau đớn, nếu để kéo dài mất sức có thể nguy hiểm đến tính mạng không hừng. Những chiếc bàn được ghép lại, trên trải tấm vỏ chăn làm “giường” sản phụ.

Người phụ nữ đi theo ban đầu còn do dự, có lẽ bởi một sự ác cảm hiểu nhầm nào đó về những người chiến sĩ cách mạng; nhưng khi thấy con dâu đã vỡ ối, bà cuống quýt cầu cứu như một cách hạ mình liều lĩnh. Nếu bình thường, gặp nhau ở đâu đó, chưa hẳn cậu y sĩ đã dám cất tiếng hỏi người sản phụ, do cả hai đều còn trẻ, nhưng trong trường hợp này, vì tính mạng mẹ con chị ta, anh đã vượt qua mặc cảm, vượt qua sự ngại ngùng để làm cái việc mình chưa từng được học, chưa từng làm.

Tôi và Chiến ngồi ngoài cửa phòng hồi hộp và lo lắng chờ đợi một tiếng khóc chào đời trẻ con. Chỉ có tiếng rên la đã khản đặc của sản phụ và lời động viên “chị cố lên, chị cố lên” của cậu y sĩ. Tôi chợt nghĩ, chính cậu y sĩ của đơn vị mới là người vượt cạn. Ngoài cánh cổng kia là một Sài Gòn náo nhiệt, cờ hoa. Một Sài Gòn đầy ắp tiếng hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…”. Thời gian như ngừng trôi. Chưa bao giờ tôi lại chờ đợi đến sốt ruột một tiếng trẻ khóc chào đời như lúc này. Chiến đứng dậy đi đi lại lại. Có lúc anh dừng trước cửa phòng như muốn đẩy cửa bước vào. Tôi biết anh sốt ruột và lo lắng lắm.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x