Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Hồi Ức Chiến Trường K Ký Ức Chiến Trường của tác giả Minh Chuyên mời bạn thưởng thức.

TỪ TRONG TRÍ NHỚ

Toản ngồi tựa lưng vào thành giường, tay mở quyển an-bum ảnh. Tôi sửng sốt khi mắt chợt nhìn một tấm hình. Đó là một thanh niên mười chín, hai mươi, đẹp trai, gương mặt tròn, đôi mắt sáng mở to. Một nụ cười tự nhiên và rất hiền. Nhưng tất cả vẻ đẹp đó không đủ làm cho tôi bỏ qua sự thiếu hụt trên gương mặt người thanh niên ấy. Một sự thiếu hụt mà tôi nghĩ rằng không phải do bẩm sinh. Đó là hậu quả của một tội ác, hoặc một tai nạn. Và tôi bỗng nhớ đến một chuyện đã qua đây gần chục năm trời. Tôi nghiêng quyển an-bum, hỏi Toản:

– Ai đây?

Toản ngước nhìn rồi cất giọng trầm trầm, xúc động:

– Anh không nhớ à? Út Ban ngày xưa đấy!

– Ôi! Út Ban à? – Tôi thốt lên.

Hình ảnh một em bé Sài Gòn bỗng chốc hiện lên trong trí nhớ của tôi.

… Mùa Xuân năm 1968, đơn vị tôi tiến quân vào Sài Gòn. Tôi và Toản cùng đi một mũi. Sau khi đánh thiệt hại nặng một căn cứ quân sự của địch trong thành phố, chúng tôi được lệnh rút. Toản bị thương. Tới một ngã năm thì gặp bọn địch. Tôi cõng Toản theo đồng chí tự vệ rẽ vào ngõ nhỏ, tới một gia đình lánh tạm, còn đơn vị thì tiếp tục đánh địch mở đường rút ra. Đồng chí tự vệ nói vắn tắt về gia đình mà chúng tôi tạm trú, rồi quay ra làm tiếp nhiệm vụ. Gia đình có một bà má, lúc này đi vắng, và một em bé mười hai tuổi, tên là Út Ban. Ba em bị địch bắn chết ngày em còn bú mẹ. Tôi nhìn Ban, người em thâm thấp tương xứng với gương mặt tròn và đôi mắt sáng. Thấy chúng tôi, em nở một nụ cười thay lời chào. Em mở nắp hầm bí mật cho chúng tôi xuống, rồi kéo cái bàn để che cửa hầm.

Cái hầm bí mật hình như luồn sâu vào phía sau nhà. Dưới hầm kê hai tấm gỗ đủ cho hai người nằm. Chúng tôi vừa xuống hầm, thì nghe tiếng giày đinh bước huỳnh huỵch dồn dập. Tiếng Út Ban từ một lỗ thông hơi vọng xuống:

– Các anh ơi, bọn địch vô đó!

Tôi sờ hai quả lựu đạn vẫn còn đeo ở ngang hông, và ngồi dịch ra cửa hầm. Toản cũng gượng ngồi dậy. Ánh sáng từ lỗ thông hơi chiếu xuống chỉ đủ cho tôi và Toản nhìn thấy lờ mờ khuôn mặt của nhau. Thì ra bọn địch đã đoán biết chúng tôi ngoặt vào cái ngõ nhỏ này. Nhưng có lẽ chúng không biết chắc chắn là chúng tôi đang ở đây. Có tiếng ồn ào rồi những bước chân thình thịch ở trên. Rồi tiếng quát áp đảo:

– Việt cộng vô đây, mi giấu đâu?

Tiếng Út Ban trả lời:

– Nhà tui hổng có ai hết!

– Ông nội còn giấu hả? – Tiếng lên đạn đánh cốp một cái. Hình như chúng chĩa súng vào mặt Ban dọa dẫm:

– Việt cộng vô đây, dấu chân còn in ngoài ngõ, nói mau.Việt cộng đâu?

– Họ đi ngoài ngõ, nhưng hổng vô đây.

– Nói láo! Tao bắn bỏ ngay bây giờ.

Ban vẫn khăng khăng:

– Mấy thầy cứ xét thì biết đó. Đã biểu nhà hổng có ai hết!

Huỵch, huỵch, huỵch…. Có lẽ chúng nện báng súng vào người Ban. Dưới hầm, chúng tôi như nghẹt thở. Toản lê cái chân đau ra gần cửa hầm. Đôi môi anh mím chặt, ánh mắt nhìn lên rừng rực căm giận. Đánh đập chán, chúng lại dụ dỗ:

– Bạc đây, nói đi, nói thì được thưởng năm ngàn!

– Tui hổng biết thì nói sao được.

– Hổng biết à? Tao cắt tai mi đó.

Tiếng một thằng khàn khàn hậm hực:

– Bỏ con dao găm đây!

Tôi hình dung một lưỡi dao sáng loáng đang đặt trên vành tai Ban. Những tên ác ôn ấy có thể cắt thật. Tôi lo thay cho em!

– Hổng nói hả? Cắt đi, cắt!

Tiếp đó là tiếng Ban hét lên. Tiếng hét mang theo cả nỗi đau đớn vọng xuống hầm. Ruột gan chúng tôi thắt lại. Quả lựu đạn trong tay tôi như nóng lên, cựa quậy. Tôi muốn vùng lên khỏi hầm giết sạch bọn chó chết, trả thù cho Ban. Nhưng còn Toản đây, trách nhiệm của tôi phải bảo vệ, không để thương binh bị thương lần thứ hai. Còn cả tài liệu chúng tôi vừa chiếm được kia. Tôi quay sang Toản, mồ hôi trán anh ướt đầm. Tay anh cũng cầm quả lựu đạn. Ngón trỏ ngoặc vào dây nụ xoè. Đôi mắt anh như muốn cháy rực lên. Tôi lừ mắt nhìn anh thay cho lời nói: “Không thể liều. Bình tĩnh lại!”. Rồi tôi lắng nghe. Không thấy tiếng Ban kêu khóc. Chắc là em đang nghiến răng chịu đựng.

Lại tiếng một thằng ác ôn:

– Giờ thì ông nội nói được rồi chớ? Việt cộng đâu?

Bị địch hành hạ, có thể em căm giận và giữ vững quyết tâm; cũng có thể em sợ hãi, đau đớn mà thoái chí. Nhưng em vẫn im lặng, một sự im lặng lạnh lùng.

– Ông nội to gan hè, muốn cắt nốt tai kia nữa hả?

Tiếng nói của tên địch như một dòng điện chạy dọc người tôi. Ôi! Thì ra chúng nó cắt mất một tai của em thật rồi. Tôi cố nén để không bật lên một tiếng nấc, nhưng không kìm nổi những giọt nước mắt trào ra, Toản chống tay lê sát ra cửa hầm, anh lấy sức định vọt lên. Tôi quàng tay ôm chặt lấy Toản, miệng ghé sát vào tai anh, nói nhỏ:

– Đừng có liều, Toản!

Căn hầm ngột ngạt lại càng ngột ngạt. Không khí xung quanh như đặc lại.

– Tất cả lục soát!

Tiếng quát ra lệnh có thể là của tên toán trưởng. Rồi tiếng loảng xoảng xô ghế, tiếng kéo chân bàn lệch kệch. Và tiếng giày đinh cồm cộp, giẫm ngay trên hầm chúng tôi. Nếu chúng giẫm vào nắp hầm thì bị sụt mất. Tôi vội lê tới, hai tay và đầu gồng lên chống nắp hầm. Một sức nặng khiến tôi nhận rõ địch đã giẫm lên nắp hầm. Luồng sáng từ kẽ nắp hầm chiếu xuống nhấp nháy. Đất vụn lọt xuống mặt tôi nham nháp. Tôi nghiến răng chống đỡ. Tôi lo chúng giẫm vài cái nữa thì cửa hầm sụt. Tôi đưa mắt ra hiệu cho Toản sẵn sàng. Toản nhấc tấm gỗ lên, dùng mười ngón tay cào đất, vùi gói tài liệu xuống.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x