Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Hồi Ức Chiến Trường K Mùa Linh Cảm của tác giả Đoàn Tuấn mời bạn thưởng thức.

Hoàng An

“Viết thư cho chị Hương mình nhé”

Mùa thu năm 1998, trong một lần ra Hà Nội công tác, Lê Minh Quốc rủ tôi:

– Lúc nào rỗi đến thăm gia đình Hoàng An đi?

– Nhà nó bán lâu rồi.

– …?

– Nghe tin nó hy sinh, ông già nó mất. Rồi bà mẹ cũng qua đời. Chị em gái lấy chồng. Nhà 66 Ngô Thì Nhậm bây giờ là cửa hàng bánh kẹo của người khác rồi.

Tôi thấy thương Quốc. An là lính C7, thuộc đại đội Quốc. Quốc quý An, coi An như thằng em. Ra Hà Nội nhiều lần, mỗi lần Quốc nhờ tôi dẫn đi thăm một chiến hữu ở đại đội cũ. Khi là Dũng 41, khi là Huần, khi là Dân “lùn”… Đối với tôi, Hoàng An mãi mãi là một hình ảnh đẹp.

An có nước da trắng hồng như da con gái. Trắng đến nỗi mái tóc cũng hoe vàng. Cặp mắt nâu lúc nào cũng long lanh sáng. Đôi môi đỏ tươi. Hàm răng trắng bóng. Cái tên An “bột” trở nên thân thiết với mọi người.

Cái ngày An hy sinh, tôi không thể nào quên được. Chiều đó, tôi vừa tắm ở suối lên thì gặp An đi tới. Hai thằng nói chuyện vài câu. Tôi định về thì An đứng dưới suối gọi vọng lên:

– Này Tuấn, cho mình cái khăn mặt đi.

Tôi lưỡng lự.

-Mấy khi xin nhau đâu. Ông hết, còn kiếm dễ hơn mình.

Tôi thương An, lính bộ binh phải đi tuần, đi phục liên miên. Quần áo, giày, mũ, khăn mặt… đều rách sớm. Tôi ném cho An cái khăn ẩm màu trắng đã vắt nước. An chộp lấy và cười rất tươi.

– Cảm ơn. Mình chỉ xin lần này là thôi đấy!

Tôi về trước, và dặn An tắm xong qua chỗ tôi ăn cơm.

Đơn vị An không có suối, phải qua chỗ tôi tắm nhờ. Mỗi lần tắm phải đi bộ chừng 700 mét, qua nghĩa trang tiểu đoàn. Mời An về chỗ tôi ăn cơm vì tôi biết, anh Liễm, trợ lý tác chiến tiểu đoàn người sống chung hầm cùng tôi, trước là đại đội phó của đơn vị An. Anh Liễm cũng rất quý An.

Anh Liễm mới nấu được nồi rượu đã mang ra đãi khách. Mỗi lần nâng bát, An đều vừa cười vừa nói: “Uống đi, chỉ lần này thôi. Lần cuối cùng đấy!”.

An cười rất tươi. Giọng nói giòn tan. Chúng tôi nói nhiều thứ chuyện. Anh Liễm lại là cây tiếu lâm nên bữa ăn dưới ánh dầu khộp khá vui.

Sau đó An ngồi chơi trong hầm tôi hồi lâu. Nó mấy lần nhắc tôi:

– Tuấn viết thư cho chị Hương hộ mình nhé. Chị Hương mình xinh lắm!

– Xinh thì phải có ảnh. Nói mồm ai tin – Anh Liễm đùa. –

An cười:

– Đi bây giờ tối lắm. Lính gác tưởng địch, nó bắn chết chả bõ. – Thôi, Tuấn viết thư hộ mình nhé. Nói nghiêm đấy. Chị Hương mình xinh lắm.

Tuy tôi chưa xem ảnh chị Hương của An, song tôi biết thể nào chị Hương cũng rất xinh bởi An đẹp trai, trắng hồng đến thế kia mà. Tôi hình dung ra tấm ảnh chị Hương và vừa mong vừa tin sẽ được An cho xem. Tôi gật đầu cho An yên tâm. Nó bắt tôi thề. Tôi khẳng định là sẽ viết.

Chừng 9 giờ khuya, An về để sáng mai còn đi phục.

Sáng hôm sau, An cùng đơn vị phải đi rải đường sớm. Nghĩa là đơn vị An phải rải quân ở những điểm quan trọng trên con đường từ tiểu đoàn tôi đến phum Cam Tuất, đảm bảo an toàn cho chúng tôi đi gùi gạo và đạn.

Khoảng 7 giờ, tôi đang gói cơm nắm và con cá khô vào ba lô thì nghe tiếng mìn nổ phía đường. Dạo đó, cứ nghe tiếng mìn nổ phía đường, chúng tôi lại bàng hoàng, sửng sốt vì biết chắc rằng lính mình, ai đó, đã bị thương hoặc hy sinh.

Đến khoảng 8 giờ, tôi vừa qua đi được một quãng thì thấy An đang nằm vật trên đường. Vội chạy tới, tôi kinh hoàng thấy một bên chân An đẫm máu. Người đầy bụi đất. Ánh mặt trời chiếu thẳng vào mặt. An vẫn nằm thẳng cẳng, đầu dính bết đất. Một tay đặt ngang mắt che nắng.

Tôi cúi xuống gọi An. Nhưng nó không mở mắt, không trả lời. Hình như An đã ngất.

Tôi vội xin phép anh Lê Quỳnh Lang, trung đội trưởng thông tin, người phụ trách quân số tiểu đoàn bộ đi gùi gạo hôm đó, cho tôi được phép đưa An về phẫu tiểu đoàn.[2] Nể tình tôi trước cùng là lính thông tin nên anh Lang đồng ý.

Chúng tôi khiêng An về phẫu tiểu đoàn. Y sĩ Hiền vội truyền huyết thanh cho An. Chỗ garô ở chân An đã tím ngoét. Phần bị thương, thịt nhầy nhụa, xương vỡ vụn lởm chởm. Đất cát bám vào trông rất ghê rợn. Anh Hiền quyết định cắt một bên chân. Kiếm gỗ kê, dùi đục, dao rựa. Người giữ. Người chặt. Tiếng dùi đục đập vào sống dao, xương gãy. Tôi nghiến răng, nhắm mắt, quay mặt ra phía bãi cỏ.

Sau đó tôi cùng Tuấn “quản lý”, nhà ở phường Thanh Lương, cầm xẻng và xách cái chân bị cắt của An đi chôn. Cũng chẳng chôn đâu xa. Gần chỗ giếng đào nhưng không sử dụng được vì nước quá đục. Cạnh đó còn có hố chôn bông băng. Tôi đang tìm chỗ đất nào dễ đào thì Tuấn “quản lý” chỉ ngay hố pháo, bảo chôn vào đó. Cái hố pháo này, mấy hôm trước, bọn địch pháo kích vào đơn vị tôi. Chúng bắn trượt ra ngoài, còn nguyên hố sâu. Thấy cái hố cũng vừa đủ chôn cái chân, tôi đồng ý ngay. Hai thằng hì hụi chôn chân đồng đội. Lấp đất ngon lành rồi về ngay.

Hai chúng tôi thay nhau ở bên An, chẳng có gì gọi là tẩm bổ. Tôi chạy khắp nơi tìm mãi mới được quả trứng gà bé tí xíu. Tuấn “quản lý” luộc quả trứng, bẻ từng miếng nhỏ, cho vào miệng An, nhưng nó đùn ra. Mồm kêu: “Ước! Ước!”. Tôi đổ nước cho An. Nuốt được hai thìa, đến thìa thứ ba thì nước tràn ra cổ, không nhận nữa.

Khoảng 12 giờ trưa, anh Hiền vành mí mắt An ra “Nhìn này. Sống sao được”. Tôi nhìn vào. Trắng nhờ, không còn màu hồng đỏ như mắt người sống. Không nói gì thêm, anh Hiền bỏ sang hầm y sĩ.

Khoảng 1 giờ chiều, An lên cơn co giật.

Hai giờ chiều, tôi đổ sữa cho An, sữa tràn ra cổ.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x