Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Hồi Ức Chiến Trường K Những Mẩu Chuyện Vui Buồn Của Một Cựu Binh của tác giả angkorwat ctk mời bạn thưởng thức.

Huấn luyện

Xe nội lước nói:

Em thấy mấy đứa bạn là quân nhân thì bảo: Cứ rét căm căm là 2,3 h sáng báo động hành quân. Bò cả qua ao qua mương, sếp tao nó bảo đấy là thời tiết vàng để ta đánh địch… he he.

Ở lính thì thời gian huấn luyện là khổ nhất, các cán bộ hành lính các kiểu.

Cả ngày lăn lê bò toài đã khổ và mệt rồi. Đến đêm lại báo động di chuyển, báo động chiến đấu. Ngày chủ nhật được nghỉ thì các bố lại báo động di chuyển. Trời đất Khe Sanh thì đêm rét ngày nắng. Vác cái ba lô 2 chục kg đi bộ hơn 10 km là lính thở ra đằng tai rồi. Toàn trèo đồi, lội suối chân đi giầy đang nóng rực lại lội qua suối nước suối lạnh buốt. Mà cái đất Khe Sanh thì toàn đất đỏ bám dính vào đế giày nặng chình chịch.

Ăn uống thì kham khổ. Cơm độn sắn tươi, thức ăn là sắn xào với vài sợi thịt hộp, canh lá sắn và nước mắm là nước gạo rang pha muối.

Nên tiểu đoàn 27 bọn em phá mấy đồi sắn của dân Khe Sanh. Họ gọi tiểu đoàn 27 là “Tiểu đoàn Trâu điên”.

Huấn luyện buổi sáng xong, trong khi chờ ăn cơm là lính tranh thủ ra đồi sắn, đào một hố, chất củi vào đốt, rồi nhổ sắn quẳng vào lấp đất lên. Về ăn cơm xong là ra bới hố lấy sắn ăn. Vậy mà lúc nào cũng có cảm giác đói.

Bẫy hổ

Hồi đó là tháng 12/1976. Đơn vị em ở đường Trường Sơn thuộc binh trạm 41, giáp Lào. Tuy hết chiến tranh nhưng bọn em vẫn phải làm tiếp con đường 14.

Mỗi đại đội đóng quân cách xa nhau khoảng 10 km. Thường thì chỗ đóng quân phải gần một con suối, cạnh bờ suối là tổ nuôi quân và chuồng lợn. Mỗi đơn vị nuôi vài con lợn để cải thiện khi lễ tết.

Tối hôm đó trời lạnh và hơi mưa, khoảng 2h sáng mấy ông nuôi quân gào ầm lên: “Hổ, hổ về bắt lợn… ” rồi gõ nồi ầm ầm.

Lán của tiểu đội em cũng gần bờ suối nên em xách khẩu AK và cái đèn pin lao ra, chiếu đèn về phía chuồng lợn thì chỉ kịp nhìn thấy bóng con hổ tha con lợn lao vọt qua suối vào rừng.

Xuống dưới chuồng kiểm tra thì nó xơi mất con lợn to nhất đàn.

Sáng hôm sau, em được nghỉ để làm thống kê quân lực vì lúc đó cuối tháng 12 rồi. Cả đại đội ra đường, ở nhà còn khoảng chục ông. Trước khi ra đường, ông đại đội phó (ông này tên Thạo người Hải Dương) bảo em: “Chiều qua tao tắm ngoài suối lớn để quên cái thắt lưng, mày ở nhà thì ra đó lấy về nhé”.

Khoảng gần 9h sáng làm xong báo cáo quân lực, em bắt đầu đi men theo con suốn nhỏ gần đơn vị để ra suối lớn. Đi xuống bếp gặp ông Chích nuôi quân (người Lạng Sơn) hỏi:” Mày đi đâu đấy”

– Em ra suối lấy cho đại phó cái thắt lưng.

– Mày mang khẩu súng đi. Đêm qua hổ vừa về bắt lợn, thì nó chưa đi xa đâu.

– Vâng.

Em quay về lán lấy khẩu AK và lên đạn, khóa an toàn xách theo.

Đi chỉ 15’ là em ra tới suối lớn, tìm đến chỗ mọi người hay tắm, lấy được cái thắt lưng cho đại phó Thạo rồi đi về theo đường ven suối nhỏ.

Đi gần về cách nhà khoảng 300m, trong rừng rất yên tĩnh chợt em nghe tiếng lách cách như tiếng cành cây gẫy, theo phản xạ tự nhiên em lùi lại và ngồi thụp xuống sau một tảng đá lớn. Vừa lúc đó một con hổ lớn thò cái đầu ra khỏi bụi cây bên bờ suối, chỉ cách em khoảng chục m. Vì khoảng cách quá gần nên em hoảng quá vội lùi lại vài bước và nép vào tảng đá khác to hơn, tay vội mở khóa khẩu AK. Lúc này con hổ cũng nhìn thấy em, nó đứng yên nhìn, không tiến lên hay có động tác gì có vẻ muốn tấn công. Em thì quá sợ rồi, cầm khẩu súng mà không dám bắn, vì nếu làm nó bị thương thì mình chắc chắn tèo.

Người và hổ nhìn nhau gần 1 phút thì con hổ nhảy qua suối và chạy vào rừng, em lia theo hai loạt AK cốt cho nó chạy nhanh, còn mình thì cũng chạy về đơn vị.

Còn gần 100m thì mấy ông lính ở nhà nghe tiếng súng cũng xách súng chạy ra, thấy em hớt hải chạy về ông Hải (Nam Định) hỏi:

– Gì thế mày, thám báo à?

Em nói không ra hơi:

– Ho..hổ anh ạ, gần đây thôi, nhưng nó chạy xa rồi.

Anh Hải nói:

– Mày lên gọi anh Phún ra xem sao, nhưng để nó ngủ chút nữa, tối qua nó đi săn gần sáng mới về.

– Vâng, chút nữa em đưa anh Phún ra xem.

Nói qua về ông Phún này, tên đầy đủ là Lài Chắn Phún, lính tháng 6/1972 người Cao Bằng. Ông này cao to, cao hơn 1,8m, nặng gần 80kg. Chuyên dùng khẩu CKC, bắn rất giỏi. Vì vậy ông ấy không phải làm gì ngoài việc đi săn cải thiện cho đơn vị. Cùng tổ với ông Phún còn có ông Lý A Vầy lính tháng 11/1970, dân Hà Giang. Hai ông này thay nhau đi săn, không bao giờ đi cùng vì sợ bắn nhầm nhau. Hai ông đều có hai cái răng vàng, rất giống nhau. Ông Vầy thì thấp, nhỏ hơn ông Phún nhưng người chắc, đặc biệt bàn tay ông này múp múp như tay gấu, ngón cũng ngắn. Ông Vầy ít đi săn.

Em về lán thay bộ quần áo bị ướt vì lúc chạy về trượt chân ngã xuống suối. Pha cốc nước trà uống và cuốn điếu thuốc nhả khói hết sợ, rồi đi sang lán B2 của ông Phún. Tới nơi ông này vẫn đang ngủ. Em lay gọi dậy:

– Anh Phún dậy đi, hổ về bắt lợn rồi.

Ông Phún càu nhàu:

– Tao biết rồi, sáng về nghe bọn hậu cần nó nói.

– Nhưng em vừa gặp con hổ ý xong mà.

Ông Phún ngồi bật dậy hỏi:

– Mày thấy ở đâu? Đưa tao đi.

Ông lấy khẩu CKC đi theo em ra suối. Đến chỗ bụi cây em gặp hổ. Em nói:

– Chỗ này, em với nó nhìn nhau một lúc, rồi nó chạy sang bên kia.

– Nó nhìn thấy mày à?

– Vâng.

– May cho mày là nó vừa ăn no xong, không thì mày chết. Hổ vùng này không sợ người đâu, ăn xác người quen rồi.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x