
Hồi Ức Chiến Trường K Thời Không Thể Quên – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Hồi Ức Chiến Trường K Thời Không Thể Quên của tác giả Hồ Anh Thắng mời bạn thưởng thức.
CHIẾC CẶP TÓC BA LÁ
Sáng ngày 2 tháng 5 năm 1972, sau nghi lễ xuất quân hướng về miền Nam ruột thịt, chúng tôi bước chân đầu tiên hành quân ra mặt trận. Tôi ngoảnh lại nhìn doanh trại đóng quân của mình một lần cuối trước khi tạm biệt và cũng không hẹn khi nào hoặc bao giờ trở lại. Doanh trại Đại đội 44 của chúng tôi trên một bãi đất rộng sát chân một quả đồi nhỏ rậm rạp. Không xa là một rừng lim cạnh hồ nước tự nhiên, có những cây lim hai, ba người ôm không hết. Xóm ấy có tên gọi Đồng Sằng, xã Nghĩa Hội, chủ yếu là vùng cư ngụ của người dân tộc Thái và một số ít người Kinh theo đạo Công giáo. Nhiều buổi chiều vào lúc cuối giờ tôi thường lên đồi bẻ lá gài sẵn vào vòng ngụy trang để chuẩn bị huấn luyện sáng hôm sau. Gài lá ngụy trang xong tôi thường chọn một ụ đất ngồi rất lâu ngắm nhìn ngôi nhà thờ đá rêu phong. Và, xa hơn nữa nhìn về nông trường cà phê Đông Hiếu, nơi đó tôi có một người chị làm công nhân và các cháu nhỏ chưa đến tuổi trưởng thành.
*
Xế chiều, đại đội dừng chân nghỉ tại một làng nhỏ của huyện Yên Thành. Lúc hoàng hôn chưa buông xuống tôi đã kịp nhận ra cái làng có cánh đồng lúa rộng mênh mông sát với những ngọn đồi lúp xúp giống như một làng trung du ở miền Bắc. Hình như cả cái làng ấy không có một ngôi nhà lợp ngói nào. Dưới hàng cau, hàng cây xoan cao lớn là những ngôi nhà tranh nhỏ, lúp xúp chỉ cao hơn hàng rào bờ cây cúc tần, bụi duối nửa thân mái. Nhà nào cũng có một cái rèm trước cửa chính, ban ngày nắng thì chiếc rèm hạ xuống, ban đêm thì chống lên bằng một nạng tre cao ngang mép cửa. Tiểu đoàn tôi có đến bốn đứa quê ở Yên Thành là Tùng, Cống, Cảnh, Chuyên. Nhà các anh cách chỗ tiểu đoàn trú quân chừng hai đến ba cây số nhưng không ai ghé về, không ai cho bố mẹ, người thân biết…
*
Tôi và Tùng được bố trí ở trọ trong một ngôi nhà nhỏ. Nhà chỉ có một người mẹ và một cô con gái. Người mẹ có gương mặt phúc hậu, nhưng gầy gò và khó đoán tuổi. Mẹ có một người con trai cả đi bộ đội đầu năm 1971. Cô con gái nói rằng chiều nào mẹ cũng ra ngồi dưới bụi tre đầu ngõ ngóng về phương Nam. Cô con gái đang học lớp chín có tên là Gạo. Một số địa phương miền tây Nghệ An thường gọi Gạo là “Gấu”, và hình như bà mẹ cũng gọi em là “Gấu”. Vì vậy chúng tôi cũng gọi đùa em Gạo là “Gấu”. Gấu có gương mặt rất thanh tú nhưng lại đậm chất mộc mạc, chân quê. Vẻ đẹp ấy lại càng quyến rũ với một cô gái ở cái tuổi vừa mới dậy thì. Hình như lần đầu tiên trong nhà có hai anh bộ đội được xếp nghỉ nhờ nên Gấu rất quý hai đứa chúng tôi. Ở trường về là Gấu cứ xoắn xuýt lấy chúng tôi, dường như em cũng sợ chúng tôi biến mất. Tối đầu tiên cả ba chúng tôi cứ xoay quanh miệng chiếc giếng khơi trước sân nói chuyện mãi cho đến khi quá nửa đêm đến phiên chúng tôi đổi gác mới chịu đi ngủ. Thế mà sau mỗi ca gác tôi và Tùng vừa đặt súng vào góc nhà đã thấy Gấu xuất hiện. Cả ba đứa lại ra tựa miệng giếng trò chuyện cho tới khi trăng lặn mới vào nhà…
Chúng tôi dừng chân ở Yên Thành hai đêm một ngày. Đêm thứ hai, nghĩa là mờ sáng hôm sau chúng tôi lại tiếp tục hành quân. Cơm tối xong ba đứa chúng tôi lại xoay quanh bên miệng giếng, những câu chuyện, những tiếng cười, những ánh mắt lặng nhìn nhau, nhiều khi không ăn nhập vào nhau. Thỉnh thoảng chúng tôi lại bị tổ gác tuần tra đi qua nhắc nhở. Tổ gác đi rồi chúng tôi lại lẻn ra bờ giếng. Đến lượt tổ gác khác lại nhắc, hình như họ nhắc để mà nhắc, bởi chính những chiến sĩ làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác ấy cũng chính là đồng đội của chúng tôi, sáng mai họ cũng tiếp tục hành quân.
Tiếng còi báo thức, chúng tôi vội rời khỏi miệng giếng vào nhà nhét vội quân tư trang vào ba lô. Tôi và Tùng khoác súng, ba lô ra chào bà mẹ đang nằm ngủ trên chiếc chõng tre giữa sân. Không thấy Gấu đâu, đêm trước khi chia tay chúng tôi, Gấu không vào giường trong nhà mà lên chõng tre ôm lưng mẹ. Tôi và Tùng nhìn nhau và thoáng nhận ra Gấu đã đứng ngoài bụi tre trước ngõ. Gấu dúi vào tay tôi một chiếc cặp tóc ba lá to bản đã được quấn kín bằng những sợi len. Ngày ấy ở Khu Bốn các cô gái thường quấn sợi len lên chiếc cặp tóc i-nốc để ngụy trang che máy bay địch.
Tôi đùa:
– Hai anh em, Gấu tặng ai?
Gấu nắm chặt và úp hai bàn tay tôi và Tùng lại:
– …Cả hai!
Tôi cũng kịp dúi vào tay Gấu một mẩu giấy viết vội bốn câu thơ đêm qua:
Em có biết sáng mai tôi ra trận?
Đêm thượng tuần trăng lặn đáy giếng khơi
Màu mơ ước xanh như mắt ngọc
Nghe rặng tre già đưa võng à ơi!
Chúng tôi lại tiếp tục hành quân. Đến Quảng Bình dừng nghỉ ở Cự Nẫm hai ngày chuẩn bị rẽ lên Trường Sơn.
Ở Trường Sơn tháng 5 đã bắt đầu mùa mưa, có những ngày chúng tôi đi suốt trong cơn mưa rừng xối xả. Đến giữa cuộc hành quân trên đường Trường Sơn, tôi không nhớ rõ trạm giao liên nào thì đột nhiên Tùng biến mất. Những người lính trên con đường hành quân ra trận, dưới mưa bom bão đạn, gian khổ và hy sinh đang đợi phía trước, thỉnh thoảng cũng có người không chịu nổi đã trốn khỏi đoàn quân là chuyện không hiếm. Tôi không tiếc Tùng đã trốn đi, vì khó có thể giữ được một người đã định quay về phía sau. Tôi chỉ tiếc ngẩn ngơ phút chia tay em Gấu, tôi đã nhường lại cho Tùng chiếc cặp tóc ba lá.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.