
Homo Deus – Lược Sử Tương Lai – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Homo Deus – Lược Sử Tương Lai của tác giả Yuval Noah Harari mời bạn thưởng thức.
Ngưỡng nghèo sinh học
Hãy bắt đầu với nạn đói, kẻ thù ghê gớm nhất của loài người hàng nghìn năm qua. Cho đến gần đây, phần lớn loài người sống ở sát ngưỡng nghèo sinh học, mà dưới ngưỡng đó thì con người bị suy dinh dưỡng và đói ăn. Một lỗi lầm nhỏ hoặc một chút xui xẻo cũng có thể dễ dàng trở thành án tử cho cả gia đình hay cả làng. Nếu mưa lớn phá hoại vụ lúa mì, hay kẻ cướp nẫng mất đàn dê, bạn và người thân của bạn rất có thể sẽ chết đói. Xui xẻo hay ngu dốt trên diện rộng có thể dẫn đến nạn đói lan tràn.
Khi hạn hán nghiêm trọng ập xuống Ai Cập cổ đại hay Ấn Độ trung đại, không có gì lạ khi 5 hay 10% dân số bỏ mạng. Lương thực trở nên thiếu thốn; dịch vụ vận tải quá chậm chạp và đắt đỏ nên không thể nhập đủ thực phẩm; còn chính quyền thì quá yếu kém, không có khả năng cứu trợ.
Mở bất cứ quyển sách lịch sử nào bạn cũng dễ dàng bắt gặp những mô tả kinh hoàng về những vùng dân cư thiếu ăn, phát rồ vì đói. Vào tháng 4/1694, một viên chức Pháp ở thị trấn Beauvais mô tả tác động của nạn đói và giá lương thực tăng vọt, nói rằng cả quận của ông ta giờ la liệt “những con người thê thảm, lả đi vì đói khổ và chết mòn vì thiếu thốn, bởi chẳng có công ăn việc làm nào cả, nên họ không có tiền mua bánh mì.
Tìm cách kéo dài sự sống thêm chút nữa và để phần nào làm dịu cơn đói, những cư dân tội nghiệp này ăn những thứ bẩn thỉu như lũ mèo hay thịt của những con ngựa bị lột da và vứt vào đống phân. [Số khác liếm láp] phần máu chảy từ những con bò bị giết thịt và những bộ lòng mà các đầu bếp ném ra đường. Những con người tội nghiệp khác ăn cây tầm ma và cỏ dại, hay rễ cây và lá lẩu luộc”.
Những cảnh tương tự diễn ra trên khắp nước Pháp. Thời tiết xấu phá hoại mùa màng khắp vương quốc trong hai năm trước đó, thế nên đến mùa xuân năm 1694 các kho lương thực đã hoàn toàn trống rỗng. Giới nhà giàu tính giá cắt cổ cho bất cứ loại thực phẩm nào họ tích trữ được, còn người nghèo chết cả đám. Khoảng 2,8 triệu người Pháp – 15% dân số – chết đói từ năm 1692 đến năm 1694, trong lúc Vua Mặt Trời Louis XIV vẫn đang hú hí với các nhân tình trong điện Versailles. Năm tiếp theo, 1695, nạn đói tấn công Estonia, giết chết 1/5 dân cư. Năm 1696, đến lượt Phần Lan mất khoảng 1/4 đến 1/3 số dân. Scotland chịu nạn đói trầm trọng từ năm 1695 đến 1698, một số quận chết đến 20% dân cư.*
Phần lớn những người đọc sách này chắc cũng biết cảm giác khi lỡ bữa trưa, khi nhịn ăn trong một ngày lễ tôn giáo nào đó, hay khi sống vài ngày bằng sinh tố rau để giảm cân theo một chế độ ăn kiêng mới lạ. Nhưng bạn sẽ cảm thấy thế nào khi ròng rã mấy ngày không được ăn và chẳng biết lúc nào mới kiếm được mẩu thức ăn tiếp theo? Hầu hết người dân thời nay chưa bao giờ trải qua sự hành hạ tàn bạo này. Tổ tiên của chúng ta, hỡi ôi, lại biết điều này quá rõ. Khi họ kêu Trời: “Hãy cứu vớt chúng con khỏi cơn đói!”, thì đây chính là điều ở trong tâm trí họ.
Trong vài trăm năm trở lại đây, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, kinh tế và chính trị đã tạo ra một tấm lưới an toàn ngày càng chắc chắn ngăn cách nhân loại khỏi ngưỡng nghèo sinh học. Những nạn đói trên diện rộng vẫn tấn công một số vùng lúc này lúc khác, nhưng chúng là ngoại lệ, và thường thì chúng đều bắt nguồn từ nguyên do chính trị chứ không phải thảm họa tự nhiên. Trên Trái đất không còn có nạn đói do tự nhiên nữa, mà chỉ có nạn đói do chính trị. Nếu dân cư ở Syria, Sudan hay Somalia chết đói, thì đó là do có một chính trị gia nào đó muốn họ chết đói.
Ở hầu khắp các vùng trên hành tinh này, ngay cả khi người nào đó bị mất việc và toàn bộ tài sản thì anh ta cũng khó mà chết đói. Các gói bảo hiểm cá nhân, các cơ quan chính phủ và các tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế có thể không giúp được anh ta thoát nghèo, nhưng họ sẽ cấp cho anh ta đủ lượng calo hằng ngày để tồn tại. T
rên diện rộng, hệ thống giao thương quốc tế biến hạn hán và lũ lụt thành các cơ hội buôn bán, khiến tình trạng thiếu lương thực có thể nhanh chóng được giải quyết và không tốn kém. Ngay cả khi chiến tranh, động đất hay sóng thần phá hủy cả đất nước, các nỗ lực quốc tế vẫn thường ngăn chặn thành công nạn đói. Mặc dù hàng trăm triệu người vẫn bị đói mỗi ngày, nhưng ở hầu khắp các nước, rất ít người thực sự chết vì đói.
Nghèo đói dĩ nhiên gây ra rất nhiều vấn đề về sức khỏe khác và nạn suy dinh dưỡng làm giảm tuổi thọ ở ngay cả những nước giàu có nhất hành tinh. Ví dụ như ở Pháp, 6 triệu người (khoảng 10% dân số) bị mất an ninh dinh dưỡng. Họ thức dậy mỗi sáng không biết bữa trưa sẽ có gì ăn hay không; họ thường ôm bụng đói đi ngủ; và những thứ họ kiếm được lại không cân bằng về dinh dưỡng và không tốt cho sức khỏe – nhiều tinh bột, đường và muối, không đủ đạm và vitamin.* Thế nhưng mất an ninh dinh dưỡng không phải là nạn đói, và nước Pháp đầu thế kỷ 21 không phải nước Pháp năm 1694. Ngay cả trong những khu ổ chuột tồi tệ nhất quanh Beauvais hay Paris, người ta không chết vì không có gì bỏ mồm suốt nhiều tuần liền.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.