
Hơn Cả Tiền – Những Câu Hỏi Mà Mọi Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh Cần Trả Lời – Đọc Sách Online Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Đôi khi phải trả giá quá nhiều cho đồng tiền.
Ralph Waldo Emerson, nhà thơ
Những thạc sĩ QTKD là những người tập trung, quyết tâm, thận trọng, mà đặc trưng là sẽ chọn một trong hai con đường sự nghiệp. Con đường đầu tiên, thông thường hơn, là con đường tôi đã chọn. Tôi gọi nó là con đường của kẻ chiến thắng đầy mâu thuẫn (conflicted achiever) , được diễn đạt như sau: “Bây giờ tôi sẽ kiếm một ít tiền, trả hết nợ nần, để dành chút đỉnh, và sau đó… ai biết được? Nhưng trường kinh doanh sẽ cho tôi những kỹ năng và sự chỉ dẫn đặc biệt mà tôi cần để thay đổi sự nghiệp, thăng tiến, và kiếm nhiều tiền hơn, sau đó tôi sẽ làm những gì tôi đam mê và cống hiến cho xã hội.”
Con đường khác là con đường của người nỗ lực với niềm đam mê (passionate striver) : “Tôi muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa ngay bây giờ. Tôi đã biết loại công việc mà tôi cảm thấy thỏa mãn. Trường kinh doanh sẽ cho tôi những kỹ năng mà tôi cần để tôi làm việc hiệu quả hơn và một mạng lưới để cậy nhờ suốt hành trình, để tôi có thể thăng tiến nhanh hơn trong sự nghiệp của tôi.” Cả hai con đường đều tốt miễn là bạn không bị mắc kẹt trong công việc không phù hợp hoặc nhìn thấy lòng đam mê của bạn bị nhạt nhòa và tàn phai đi.
Sự thật là hầu hết những thạc sĩ QTKD đều chọn những công việc trong lĩnh vực tư vấn quản lý hay ngân hàng đầu tư. Rốt cuộc, đó là những gì trường kinh doanh làm được tốt nhất: đào tạo sinh viên trở thành những nhà phân tích tài chính hoặc thị trường. Chẳng có gì sai với điều đó cả. Nhưng nhớ rằng rất ít người trong số các bạn đã lớn lên với ước mơ bán thêm một kế hoạch kinh doanh khác hay thực hiện thêm một thương vụ kinh doanh khác.
Sự thử thách là sử dụng công việc đó như thế nào để giúp bạn tìm kiếm và tìm thấy sự cống hiến độc nhất vô nhị của bạn – việc này có thể rất thuận lợi trong lĩnh vực tư vấn hay ngân hàng. Những nghề nghiệp đó cũng phát triển dần cùng với những thích thú trong tâm trí, mang đến cho các thạc sĩ QTKD công việc trong những bộ phận phi lợi nhuận của hầu hết những hãng tư vấn đáng kính, trong khi những người khác làm việc trong những bộ phận tài chính vi mô dành cho “tầng lớp nghèo nhất” (bottom of the pyramid) ở những ngân hàng đầu tư hàng đầu.
Những thạc sĩ QTKD muốn cống hiến qua công việc của họ, cho dù đó là ở nơi làm việc, trên thương trường, hay trong cộng đồng. Điều này không đúng vào thời của tôi, nhưng ngày nay nó đúng với một bộ phận rộng lớn. Bạn khác đi, và thế giới bạn đang sống cũng khác đi. Ngay cả ngôi trường đáng kính của tôi, Trường Kinh Doanh Harvard ù lì, đã thay đổi sứ mạng của nó trong thế kỷ 21 thành “giáo dục những nhà lãnh đạo sẽ làm thay đổi thế giới.”
Những gì tôi đã thấy ở trường kinh doanh là, như tôi thích nói, “Bạn có tôn giáo. Bạn chỉ không biết làm thế nào để đến nhà thờ.” Bất chấp bạn chọn con đường nào trong hai con đường sự nghiệp ban đầu – hay là sự kết hợp nào đó của cả hai – công việc của cuốn sách này là giúp bạn đến được nơi mà bạn được trân trọng và có thể cống hiến cho những người khác, điều đó đáng giá hơn cả tiền.
Trong tinh thần đó, luận điểm trung tâm của cuốn sách là nếu bạn đặt sự cống hiến – điều cốt yếu đối với một cuộc sống có ý nghĩa – vào một vị trí cân bằng với đồng tiền, điều bạn xem là những lựa chọn sự nghiệp an toàn nhất thật ra có thể là những lựa chọn rủi ro nhất, và ngược lại . Đó là, nếu bạn đánh giá rủi ro bằng mục tiêu sự nghiệp của một cuộc sống có ý nghĩa (bao gồm cả việc kiếm tiền), bạn sẽ có những lựa chọn khác nhau hay ít nhất ý thức hơn về những thỏa hiệp giữa được-mất của những lựa chọn và chọn một công việc mà nhiều khả năng nằm trên con đường số phận của bạn.
Cho dù lúc ban đầu bạn nỗ lực vì tiền hay vì ý nghĩa, mỗi con đường có những tính chất tiêu cực ngoại tại của nó. Tuy nhiên, bạn thường nhận thấy những tính chất bên ngoài đó khi chọn được công việc hài lòng hơn, nhưng lại bỏ qua khi bạn chọn người chủ cho bạn thấy đồng tiền.
Đó là cái bẫy của cao học QTKD: đánh giá không đúng tỷ lệ được-mất trong những lựa chọn sự nghiệp của bạn bằng cách không đưa vào tất cả những yếu tố bên ngoài. Cái bẫy này xuất hiện khi bạn đo lường sự thành công bằng tiền hơn là tính đến khát khao được cống hiến như là một phần của một cuộc sống có ý nghĩa .
Với một cuộc sống có ý nghĩa làm mục tiêu của bạn thay vì tiền, những định nghĩa của bạn về an toàn và rủi ro sẽ thay đổi: bây giờ bạn nhận thấy rằng một lựa chọn công việc “an toàn” là một lựa chọn mà bạn tin là ở trên con đường số phận của bạn, và một lựa chọn “rủi ro” là một lựa chọn không ở trên đó. Để giải thích, tôi muốn chia sẻ một truyện ngụ ngôn có âm hưởng với những thạc sĩ QTKD hơn bất kì câu chuyện nào khác tôi biết. Tôi tin nó sẽ làm bạn xem xét lại những gì tạo thành một cuộc đời thành công.
Cuộc Sống Tốt Đẹp: Một Truyện Ngụ Ngôn
Góc nhìn sự nghiệp của môi trường cao học QTKD có thể được diễn đạt hay nhất trong một truyện ngụ ngôn mà bạn sẽ không tìm thấy ở trường kinh doanh. Câu chuyện này đã nhận được nhiều phản hồi nhất từ những thạc sĩ QTKD trong suốt những năm viết lách của tôi. Tôi xuất bản nó lần đầu tiên cách đây hơn một thập kỉ sau một tuần an dưỡng trên một hòn đảo chỉ có 70 người.
Tôi đã dành trọn những ngày đó để lặn với một chuyên gia lặn địa phương tên là Ollie Bean và tưởng tượng mọi chuyện sẽ như thế nào nếu ông ấy tình cờ gặp cậu sinh viên Trường Kinh Doanh Harvard trong tôi.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.