
Hong Tay Khỏi Lạnh – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Hong Tay Khỏi Lạnh của tác giả Nguyễn Ngọc Tư
đá xanh
Về ngang qua quảng trường trước tòa nhà Hội Đồng, buổi đọc thơ chưa dứt. Ngồi vào cái ghế duy nhất của sân khấu ước lệ, nơi người ta chỉ đánh dấu bằng một vòng tròn bạc bên dưới một tán dù vàng, thay vào cô gái ăn mặc hoang dại mà tôi thấy ở lượt đi, giờ là một người đàn ông đứng tuổi, mỏi mệt. Hai cây quạt hút thứ hơi nóng của nắng chớm trưa thổi vào người đàn ông, khiến ông như sắp quăn mép lại. Trông ông trơ trụi, không hoàn toàn vì khán giả chẳng tới chục người đứng quanh, mà như thể ông ý thức được sự vô nghĩa của ngôn từ sắp nói. “Buổi này mà thơ thẩn, điên thiệt”, tôi đã nghĩ vậy, khi đạp xe qua. Ý nghĩ đó vẫn vẹn nguyên khi tôi quay lại, nó còn tím tái hơn, khi xe đạp tôi treo oằn mấy giỏ xách chật căng thức ăn, đủ cho cả tuần. Ghi đông máng cái cà mên, sợ sánh đổ mớ cháo bên trong, tôi dùng một tay ghìm chặt nó. Nắp cà mên, đã rơi mất trên đường di tản. Có quá nhiều thứ thất tán trong lúc trốn chạy khỏi Bề Mặt. Chồng tôi, chẳng hạn. Trong hỗn loạn, anh đã lên một chuyến tàu khác, đến giờ vẫn không thể liên lạc được, tôi ngờ anh ta cố tình đào thoát khỏi mẹ con tôi.
Nông nỗi này mà còn thơ sao? Ngang cái vòng tròn bạc, tôi nghĩ thật phù phiếm nếu tai lỡ để lọt câu thơ vào. Nhưng hệ thống âm thanh chừng như trục trặc, nó đang rú rít. Người đàn ông phun điếu thuốc chưa châm lửa ra, thở dốc. Năm bảy người xúm ở đó cũng hả họng đớp đớp hư không. Chẳng đủ oxy cho hít thở dù bản tin dự báo sáng nói rằng khu vực quảng trường xanh lơ, nghĩa là oxy đạt ngưỡng hai mươi phần trăm trong không khí. Năm Tái Thiết thứ tư, oxy vẫn xập xệ. Hệ thống tạo oxy vẫn liên tục gặp lỗi, và Hội đồng các Ngầm chỉ rành đối phó với bạo động lật đổ, khủng bố, giờ lóng ngóng trước những sự cố vặt: nồng độ oxy phập phù ở quãng mười sáu đến mười tám phần trăm (nghĩa là không làm ai chết, nhưng cũng chẳng thể sống cho ra người), nhà ga không có đường dẫn vào, băng chuyền chuyển rác thải xịch đụi, nước sinh hoạt vẫn bị nhiễm mặn (điểm tích cực: nấu ăn không cần muối).
Chẳng còn gì như cũ nữa.
Vậy mà họ còn đọc thơ, ơi là trời. Tôi ngập ngất ngư. Sạp rau củ, trái cây không còn chung dãy với quầy thịt cá, và gạo thì lại nằm ở một góc khác, nối cả ba điểm đó thành một hình tam giác mệt nhoài. Cũng là thực phẩm nhân tạo cả, nhưng như họ giải thích, vi sinh vật vẫn lây nhiễm chéo, hiện đại và khoa học là phải ở xa nhau. Chẳng có gì như cũ nữa. Tôi nhớ những cái chợ ở Bề Mặt chẳng theo một trật tự nào, ta như có thể thấy trong không khí tụi vi khuẩn nhảy tanh tách giữa tô bún riêu, đường cát, thịt bò, trứng gà, chè đậu đỏ. Tạt vô một chỗ là mua được mọi thứ, kiểu như ta có thể mua được xúc xích, sữa chua, pin đèn, thuốc trị viêm mũi gia truyền ở một cửa hàng bán đàn dương cầm.
Nhưng hồi nhớ Bề Mặt cũng là một sự viển vông khác, giờ đây. Như thơ vậy. Ở trong khu vực xanh lơ mà tôi vẫn xây xẩm, chừng như thơ đã hút sạch không khí ở đây rồi. Tận thế rồi mà còn thơ, chết tiệt!
Tôi buột miệng chửi bậy luôn khi trờ qua khỏi sân khấu tròn. Rồi giọng nói giữ chân tôi lại. Nó níu vạt áo sau tôi, nhón bằng hai đầu ngón tay. Một cái níu sẽ sàng. Như thể một cậu bé sở hữu giọng nói đó, và cậu ngượng ngùng vô cùng tận, không phải phát ra từ vòm họng ám nhựa thuốc lá của một trung niên ngấm gió sương. “Tường thuật từ một thành phố bị vây hãm[1], tôi sẽ đọc sau đây”. Không phải thơ của ông, như lời trần tình, “từ di tản tới giờ tôi không viết, các bạn biết đó, những chủ đề quen thuộc trước đây giờ chẳng là gì”. Đó là bài thơ về chiến tranh, như tôi sau này nhớ, cũng có thể không, nó là về con người bị bao vây bởi cả tin và lừa lọc. Những lúc đói oxy, não tôi chậm lụt như bao người khác. Bằng câu thơ mà tôi duy nhất nhớ, “và chỉ những giấc mơ của chúng tôi là chưa bị sỉ nhục”, tôi thử lên mạng, nhưng chẳng tìm được gì. Những dữ liệu không quan trọng đã bị bỏ lại Bề Mặt tro than, sách cũng vậy, chẳng hy vọng gì ở mấy thư viện rỗng.
Tôi vẫn nghĩ thơ chi nữa tầm này, ngay cả khi nấn ná nghe thêm hai bài nữa, một trong chúng là thơ tình, dĩ nhiên rồi, làm sao nói tới thơ mà không có thứ thơ trai gái du dương, “Chúng mình gặp nhau đói ngấu và chúng mình đã cắn lấy nhau như lửa cắn để lại những vết thương đau”. Tôi thích chữ lửa cắn nên nhớ đoạn thơ nọ, nhưng không nhớ được chỗ ngắt dòng, nó có thể ở ngay khoảnh khắc người đàn ông nọ dừng lại vì hụt hơi, hoặc không phải. Bài thơ sau cùng ông bỏ mất mấy câu, như ông thú nhận, ông thất lạc chúng trên đường di tản. Tôi hình dung nếu quay lại cung đường cũ, biết đâu sẽ tìm thấy mấy câu thơ kia nằm bên cạnh cái nắp cà mên của mình. Và tôi nhận ra mỗi mình nán lại đến cùng khi người đàn ông lảo đảo đứng lên, áo ướt đẫm dính vào người, chừng như có thể vắt ra một lít mồ hôi, ông hướng về tôi chắp tay cảm tạ. Nghĩ cái chắp tay nọ dành cho ai đó, tôi nhìn quanh, nhưng chẳng ai khác nữa ngoài thứ nắng nhân tạo được lập trình, nó dần được nung nóng lên theo cây kim trên mặt đồng hồ đầu chợ, giờ đã ngả vào trưa.
Mình phải nấu nướng, sắp soạn cái mớ này tận chiều mới xong, tôi trèo lên chiếc xe oằn giỏ. Cuộc sực tỉnh nào cũng mang lại bẽ bàng. Về tới nhà cũng phải mất hơn một giờ đồng hồ, vì phải dừng nghỉ để thở, dắt bộ trên mấy đoạn đường bồng bềnh, phải mờ mắt băng qua những khu vực đỏ cam. Nhưng mình lại nán đây cả buổi để nghe thơ sao, điên thiệt, điên quá rồi.
Xao lãng kiểu vậy chưa từng xảy ra với tôi, cả hồi còn ở Bề Mặt. Đi chợ nấu nướng, gửi và đón trẻ, nhận và trả những đồng phục may gia công, xếp hàng nộp đơn xin nước sạch, ghé nhà má chồng cho bà rền rĩ về sức nóng của mặt trời, dọn cơm ra trong lúc chờ nước nhỏ giọt vào xô, cố nhớ mình tắm chưa sao người lại nhớp nháp như vầy, ngủ thiếp đi trong lúc đọc sách cho con, vẫn thòm thèm ngủ khi chồng lật tôi ra, bóc vỏ. Và cơn mưa nửa đêm, dù là mưa rào thoáng chốc, cũng khiến tôi vùng dậy dù ngủ sâu đến đâu, tung cửa bày xô chậu ra mong hứng được chút nào thứ nước đục ngầu bụi cát, nhưng vẫn tắm được sau khi chờ lắng vài ba ngày. Mọi thứ được lập trình trong tôi nhịp nhàng, chính xác đến mức đứa con gái nhỏ biết đọc đến đoạn Cuội cứu sống con gái nhà giàu và lấy cô làm vợ thì mẹ sẽ ngáy. Phải lâu lắm, khi nó tự biết đọc thì mới biết Cuội lên cung trăng bằng cách nào. Cỗ máy tôi có chệch choạc duy nhất một lần trong chạy loạn, nhưng tôi nhanh chóng lấy lại sự chính xác vốn có, cố định lại những chi tiết ốc vít trong người mình, vặn siết chúng hơn. Vì từ giờ, ở cái nơi chốn tị nạn xa lạ này, chỉ có tôi gánh vác bà mẹ chồng mất trí cùng ba đứa con đang tuổi lớn. Thời gian của tôi cũng sít sịt, sao chép nhau, cả khi nằm thẳng lưng không còn ai bóc vỏ thì đã có bà mẹ thay vào, tay khô nhằm vào sườn tôi vẽ những vòng tròn mê miết.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.