
HƯƠNG PHI – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách HƯƠNG PHI của tác giả Nguyễn Duy Chính mời bạn thưởng thức.
Đi tìm chân tướng Hương Phi
Sau khi nhà Thanh bị lật đổ, một phong trào tấn công triều đại phong kiến sau cùng của Trung Hoa, trong đó không hiếm những chuyện giả xen lẫn với thật như bất cứ một chế độ nào vừa cáo chung. Thâm cung bí sử là những chuyện người ta thích nghe nhất nhưng cũng được bịa đặt nhiều nhất. Đời Càn Long là một thời kỳ dài nên có nhiều đặc biệt, từ việc ông là một đứa bé người Hán được đánh tráo vào cung khi còn là một hài nhi, đến những chuyến du hành tưởng tượng mà ông là một hiệp sĩ cứu khổn phò nguy trong “Càn Long du Giang Nam” hay những âm mưu tiêu diệt các tổ chức “hưng Hán diệt Mãn”. Người con gái gốc Hồi có mùi hương thiên phú cũng là một trong những huyền thoại được nảy sinh sau cách mạng Tân Hợi 1911.
Những dật sự ấy ngày càng ly kỳ đến nỗi những học giả cũng đâm ra hoang mang nghi ngờ cả chính sử nhà Thanh và không ít người tìm cách đào sâu vào văn khố để cố tìm cho ra sự thật. Dường như bất cứ hình ảnh người phụ nữ nào có mặt trong những tranh vẽ đời Càn Long cũng đều được đặt thành giả thuyết phải chăng đây là hình ảnh của Hương Phi. Ít nhất có năm bức tranh được nhắc đến:
1/ Người đàn bà mặc nhung trang theo kiểu Âu Châu do Giuseppe Castiglione vẽ đã nhắc tới ở trên (hình 1)
2/ Cũng người đàn bà đó tay vịn vào đốc kiếm, cưỡi ngựa đốm hoa theo sau vua Càn Long, hai người đều mặc nhung phục, nhà vua cưỡi ngựa trắng, đeo cung tên. (hình 2)
3/ Người đàn bà mặc trang phục Âu Châu thời Trung Cổ ngồi bên cạnh một lẵng hoa (hình 3)
4/ Vua Càn Long cưỡi ngựa bắn một con hươu, bên cạnh là một người đàn bà mặc y phục Hồi cũng đang phi trên một con ngựa đốm hoa giơ tay đưa cho ông một mũi tên. Bức tranh này vốn không cho công chúng coi, theo lời dặn của vua Càn Long thì đây là một trong những sưu tập riêng của hoàng gia. Vì thế nhiều người cho rằng đây chính là Dung Phi, hình ảnh hai người thân cận như thế là một cấm kỵ của thời đại nên vua Càn Long mới không cho người khác trông thấy (hình 4)
5/ Một phụ nữ mặc quần áo Hán tộc, tranh sơn dầu, không rõ xuất xứ chỉ biết vào khoảng cuối thế kỷ 18. Bức hình này được đặt trên nhiều web-sites về Hương Phi nhưng không có gì đích xác (hình 5)
Ngoài ra một số hình cung nhân khác cũng được các nhà nghiên cứu giả định là Hương Phi (hình 6) Tuy nhiên quan điểm cũng không đồng nhất nên vẫn còn là những câu hỏi không có trả lời dứt khoát.
Hương Phi theo dã sử
Theo truyện kể, cha Hương Phi là Hoà Trát Lãi Đài Cát ( 和札賚台吉 ). Hoà Trát Lãi (Khoja) hay Hoà Trác Mộc ( 和卓木 ) có nghĩa là dòng dõi tiên tri Mohammed, còn Đài Cát là tên của bộ tộc. Nàng xuất thân từ một gia đình nghèo khó, được Hoắc Tập Chiêm ( 霍集占 ) là một tù trưởng có thế lực nạp làm tiểu thiếp. Hoắc Tập Chiêm cũng dòng Mohammed thuộc giống người Ả Rập còn nàng thuộc giống dân Ô Tư Biệt Khắc ( 烏玆別克 ) nên không cùng họ với nhau. Vua Càn Long nghe tiếng của người đẹp và đặc tính toả hương thơm của nàng nên sai tướng quân Triệu Huệ đem đại quân Mông Cổ, Hán Bát Kỳ binh tấn công vào phía nam Tân Cương, ngầm dặn cố tìm cách bắt sống nàng. Quả nhiên Triệu Huệ đánh tan quân Hồi vào năm 1759, hai anh em Hoắc Tập Chiêm bị giết, quân Thanh bắt được Hương Phi đem về dâng lên vua Càn Long.
Khi nàng bị bắt về Bắc Kinh, người con gái yêu kiều của vùng Tây Vực ngày đêm chỉ nghĩ đến cố hương mặc dù vua Càn Long hết sức sủng ái. Vua Càn Long cho xây một cung điện theo kiểu người Hồi cho nàng ở, một lầu để nàng ngắm trăng và một hồ theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ để nàng tắm. Cây cối vùng Tân Cương cũng được đem từ xa về để trồng trong ngự uyển.
Tuy được chiều đãi, người đẹp Hồi Cương vẫn nhất định thủ tiết. Quí tướng “bất đái lan chi nhi tự hương”[3] đã khiến nàng từ một người con gái ở vùng Tây Vực hoang vu thành đệ nhất sủng phi của vua Cao Tông nhưng cũng lại cho nàng một tâm tình bất khuất nhất định không chung chăn gối với hoàng đế để bảo toàn danh tiết cùng chồng cũ. Nàng luôn luôn mang theo một con dao sắc nên nhiều lần vua Cao Tông muốn gần gũi cũng không được.
Cái chết của nàng cũng là một huyền thoại mà người chủ mưu chính là hoàng hậu Ula Nara (Ô Lạt Na Lạp – 烏喇那拉 ). Việc này khiến cho vua Càn Long nổi giận và hoàng hậu đã cắt tóc gây ra một đại án cung đình. Hai năm sau hoàng hậu từ trần và vua Càn Long không lập hoàng hậu nữa. Cũng có chỗ thì lại bảo là trong khi vua nam tuần, Sùng Khánh ( 崇慶 ) thái hậu (1692-1777), mẹ ruột vua Cao Tông đã triệu Hương Phi vào và ban cho giải lụa để nàng tự tử.
Linh cữu của nàng được đem về Tân Cương để chôn trong một thánh địa của gia đình họ Hòa Trác, đời sau gọi là Hương Phi miếu, Hương Phi phần hay Hương Phi mộ. Đến năm 1780, vua Càn Long ra lệnh cho tu bổ nghĩa trang này thành một khu lăng mộ khang trang, hiện nay vẫn còn. Truyền kỳ về Hương Phi được viết thành sách, nhiều chi tiết hoang đường được ghi trong Thanh Bại Loại Sao ( 清稗類鈔 ), Thanh Triều Dã Sử Đại Quan ( 清朝野史大觀 ) và Mãn Thanh Thập Tam Triều Cung Vi Bí Sử ( 滿清十三朝宮闈秘史 )…
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.