
Khi Bạn Là CEO – 100 Câu Hỏi Tiêu Biểu – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Khi Bạn Là CEO – 100 Câu Hỏi Tiêu Biểu của tác giả Võ Văn Thành Nghĩa
02. Bạn là người hay nói “Nếu biết trước… thì tôi đã…” hoặc “Lẽ ra ngay từ đầu tôi …”?
Trong cuộc sống nói chung và kinh doanh nói riêng, không ít người thường tỏ ra tiếc nuối về những cơ hội đã qua. Sau sự tiếc nuối đó, một số bỏ qua chuyện cũ và đi tìm câu chuyện mới. Một số, ngược lại, trở nên bi quan và ngồi trông chờ những cơ hội khác sẽ đến với mình trong tương lai. Ở đối tượng thứ hai, chúng ta thường hay nghe họ buông ra những câu nói tương tự như: “Nếu biết trước công nghệ đó hay như thế thì tôi đã đầu tư rồi!” hay “Lẽ ra ngay từ đầu tôi quyết định mua miếng đất này thì tốt biết mấy!”
Một lý do khác dẫn đến sự tiếc nuối của một số người khi để đánh mất cơ hội là sự lo lắng về thời gian. Có những cơ hội được họ cho là “cơ hội vàng” sẽ không bao giờ quay trở lại một khi bị vuột mất!
Bên cạnh câu chuyện có cơ hội nhưng để đánh mất cơ hội dẫn đến tiếc nuối như trên, cũng có câu chuyện có cơ hội nhưng không biết làm gì với cơ hội đó để rồi dẫn đến bao thiệt hại phát sinh từ cơ hội. Đón đầu thông tin “đầu tư tài chính là xu thế hiện nay” hay “bất động sản là xu hướng tương lai”, một số chủ doanh nghiệp Việt Nam vội vã thành lập những nhóm chuyên viên để thực hiện việc đầu tư tài chính hoặc gom tiền đi mua đất. Điều đáng tiếc là sau khi đã đầu tư vào một số dự án, dự án không triển khai được vì thiếu định hướng, kế hoạch, đội ngũ… kéo theo một loạt chi phí doanh nghiệp phải gánh chịu vì dự án đứng lại. Tương tự, những miếng đất, sau khi được mua, buộc phải bán lại với giá không mong đợi để tránh bị lỗ do không có một chiến lược kinh doanh bất động sản bài bản ngay từ đầu.
Cơ hội kinh doanh luôn luôn có mặt chung quanh chúng ta vào bất kỳ lúc nào. Cơ hội ở đây được hiểu là cơ hội phù hợp đối với người này nhưng có thể không phải là cơ hội mong đợi đối với người khác. Và đừng cho rằng chúng ta đã đánh vuột chúng! Đã bao giờ bạn tự hỏi mình có năng lực nhận diện ra cơ hội cho chính mình? Khi tinh thần khởi nghiệp lan rộng trong giới thanh niên, sinh viên trong thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ nhận ra được năng lực của mình và bắt đầu nỗ lực tìm kiếm và nhận diện ra dần những cơ hội phù hợp với năng lực của cá nhân và/hoặc của cả nhóm hợp tác. Nhiều doanh nghiệp, sau một thời gian thành công trong lĩnh vực cốt lõi của mình, vẫn chủ động tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới liên quan hoặc không liên quan đến ngành đang kinh doanh để giúp phát triển doanh nghiệp về lâu về dài. Ngoài việc tìm kiếm và nhận diện cơ hội, doanh nghiệp cũng cần tự đánh giá cẩn thận về năng lực thực sự của mình để một khi có thể nắm lấy những cơ hội, doanh nghiệp phải biết cách khai thác triệt để những lợi thế của chúng.
Từ những câu hỏi và vấn đề trên, chúng ta hãy quên câu chuyện tiếc nuối về cơ hội đã qua, ngay cả đối với “cơ hội vàng” và thay vào đó là hãy có một tinh thần, một sự chuẩn bị có định hướng, chiến lược, kế hoạch… cho những cơ hội phù hợp sẽ tìm được ra trong thời gian tới. Trở lại với câu chuyện “đầu tư tài chính” và “bất động sản” nêu trên, nếu các doanh nghiệp có sự tính toán nghiêm túc từ đầu, họ vẫn sẽ tìm ra được những cơ hội mới để thực hiện thành công mong muốn của mình.
LỜI KẾT:
CEO không được thụ động, tiếc nuối về những cơ hội đã qua. Tính cách này sẽ có thể dẫn đến một tập thể thụ động, ảnh hưởng đến tinh thần, khí thế của doanh nghiệp. CEO cần phải luôn chủ động tìm kiếm, nắm lấy cơ hội và thậm chí tự tạo ra cơ hội.
03. Bạn sẽ như thế nào khi biết người khác không thích, ghét hoặc xem thường mình?
Yêu, ghét, thích, không thích là chuyện vốn tồn tại và xảy ra tự nhiên trong xã hội con người qua bao thiên niên kỷ! Ai cũng biết điều hiển nhiên này. Và đa số đều thừa nhận rằng họ thích được yêu, được thích và không thích, thậm chí ghét khi không được thích hoặc bị ghét. Điều này cho thấy trong mỗi con người chúng ta đều luôn ẩn chứa những cảm giác tự nhiên trái ngược nhau về yêu, ghét, thích và không thích về những người khác.
Vậy, trả lời cho câu hỏi về cảm giác của bạn khi biết người khác không thích hoặc ghét bạn là rất bình thường: “Tôi chấp nhận người khác không thích hoặc ghét tôi!”
Nghe qua câu trả lời, chúng ta thấy thật đơn giản. Vậy, đâu là vấn đề cần lưu ý? Sự thật, mặc dù chấp nhận như đã nói ở trên nhưng về tâm lý, sẽ không đơn giản đối với ai đó khi biết người khác không thích hoặc ghét mình. Những cảm giác thông thường của chúng ta lúc ấy sẽ là sự bực bội, muốn “làm rõ” câu chuyện, muốn giải thích, phân trần, v.v… để sau đó mình không còn bị người khác ghét nữa. Và cảm giác cùng những hành động muốn thể hiện này cũng là điều tự nhiên của con người.
Không dừng lại với hậu quả không thích/không được thích hoặc ghét/bị ghét trong quan hệ con người chủ yếu về mặt tình cảm, việc không thích/không được thích hoặc ghét/ bị ghét trong kinh doanh sẽ có thể dẫn đến những thiệt hại vật chất khó lường. Những thỏa thuận mua bán, hợp tác có giá trị cao sẽ có thể bị hủy bỏ hay những cơ hội làm ăn đầy tiềm năng sẽ có thể bị vuột mất do sự không thích hoặc ghét nhau giữa các đối tác mà ra. Trầm trọng hơn, trong một số trường hợp, việc hợp tác giữa đôi bên có thể bị gián đoạn một thời gian dài do chuyện ganh ghét gây nên! Đã có hãng lữ hành bị mất khách do thể hiện sự không thích đối với một vài quốc tịch của du khách trong quá trình phục vụ. Một số nhà máy bị mất nhiều đơn hàng lớn do mâu thuẫn cá nhân giữa khách hàng với người chủ nhà máy. Có trường hợp vì sự ghét nhau giữa hai nhà cung cấp trong xây dựng mà doanh nghiệp phải gánh chịu thiệt hại về tiền bạc và thời gian hoàn thành dự án, gây ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh tổng thể!
Khác với sự không thích hoặc ghét, việc xem thường nhau là một câu chuyện khác. Dù cũng là một tính cách tự nhiên và bình thường của con người nhưng những hậu quá do chuyện xem thường gây ra thường liên quan đến danh dự, phẩm giá và hình ảnh của người bị xem thường. Đặc biệt, khi người bị xem thường là người đang đứng đầu một doanh nghiệp. Những câu chuyện về người đứng đầu của một số doanh nghiệp Việt Nam bị vướng vào vòng lao lý do làm ăn phi pháp, can tội hối lộ hoặc tệ hại hơn do đánh bạc… không chỉ tạo ra hình ảnh cực kỳ xấu cho bản thân họ đối với cộng đồng xã hội mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh, uy tín của doanh nghiệp trên thương trường. Và việc này khó có thể hoặc không thể chấp nhận được, khác hẳn với việc chấp nhận chuyện người khác không thích hoặc ghét mình!
Nói như vậy để thấy rằng chúng ta không thể xem thường việc bị xem thường, một khi nhân hiệu của CEO đi đôi với thương hiệu của doanh nghiệp!
LỜI KẾT
CEO cần tinh tế trong đối nhân xử thế và hãy mở lòng với người không thích hoặc ghét mình dù tâm lý rất khó vượt qua. CEO phải hết sức cẩn trọng đối với công việc chung của doanh nghiệp cũng như những việc làm cá nhân để cá nhân và doanh nghiệp không bị xem thường.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.