Khi Rồng Muốn Thức Dậy – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
KINH TẾ VIỆT NAM ĐANG Ở ĐÂU?
Sau hai thập niên thực hiện cải cách kinh tế theo định hướng Đổi mới từ năm 1989, nhiều thành tựu đã được chứng minh qua những con số thống kê tốt đẹp và thảo luận khá đầy đủ trong nhiều tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước.2 Đặc biệt là thu nhập tính theo đầu người đã tăng từ khoảng 200 USD trong những năm đầu thập niên 1990 lên mức 1.200 USD trong năm 2010.
Tuy nhiên, trong cuộc tranh đua toàn cầu, bài toán không thể dừng lại với cái bóng của chính mình, của đêm trước Đổi Mới. Theo đó, vấn đề quan trọng cần đặt ra trong bối cảnh hội nhập là:
· Chúng ta hiện ở đâu trong khu vực?
· Trong 20 năm qua, Đổi mới đã đem lại những chuyển dịch cơ cấu kinh tế ra sao và những thách thức gì đang đặt ra trong bối cảnh hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu?
· Có cần một tư duy mới để “phát triển bền vững toàn bộ nền kinh tế xã hội” thay vì chỉ nhắm đến độ tăng trưởng cao hàng năm, bất chấp sự thiếu ổn định vĩ mô đặt ra hàng năm trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010 vừa qua?
Như đã nêu trên, kể từ năm 1989, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về tăng trưởng và giảm đói nghèo. GDP trung bình đầu người đã tăng lên trên 1.000 USD từ năm 2008, để được xếp hạng chung với các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Về chuyển dịch kinh tế, các con số thống kê mới đây cho thấy tỷ trọng của khu vực công nghiệp trong GDP đã tăng từ 36,7% năm 2000 lên 39,7% năm 2008; tỷ trọng khu vực nông nghiệp đã giảm từ 24,5% xuống còn 22,1%; và tỷ trọng dịch vụ giảm nhẹ từ 38,7% xuống 38,2% trong cùng thời kỳ.3
Mặc dù vậy, nếu nhìn vào cơ cấu kinh tế tổng quát thì biểu hiện đáng lo ngại nhất là về cơ bản Việt Nam vẫn còn là một quốc gia nông nghiệp, với trên 60% lao động nông nghiệp và 70% dân cư sống ở khu vực nông thôn. Về mức sống, thu nhập trung bình đầu người của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với khu vực.
II. NHÌN LẠI ĐỔI MỚI – TỔNG QUAN KẾT QUẢ VÀ NHỮNG THÁCH THỨC
2.1. Cái nhìn tổng hợp
Nhìn chung sau gần hai thập kỷ Đổi mới, ngoài hai mục tiêu chính yếu đã đạt được là thu nhập bình quân và giảm nghèo đói (như đã bàn ở trên), các thành tựu hay thử thách của nền kinh tế có thể tóm tắt như sau:
Việt Nam đã thực hiện được nhanh chóng:
1. Cuộc cải cách giá cả, bao gồm: giá cả hàng hóa, giá lao động (lương bổng), giá của tiền nội tệ (tỷ giá), hay giá tư bản (lãi suất);
2. Ổn định nền kinh tế vĩ mô một cách tương đối;
3. Nỗ lực mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế;
4. Thành công trong giảm tỷ lệ nghèo đói.
Các cải cách cơ cấu tương đối chậm chạp hơn như trong:
1. Hệ thống pháp lý;
2. Cải cách hành chính;
3. Cải cách hệ thống thuế;
4. Tự do hóa thương mại trong nước cũng như nền mậu dịch quốc tế.
Trì trệ nhất là các cải tổ:
1. Cổ phần hoá các xí nghiệp quốc doanh;
2. Hệ thống ngân hàng quốc doanh;
3. Xây dựng thể chế (institutional building).
2.2. Các vấn đề vĩ mô trong bối cảnh hội nhập
Các thành tựu kinh tế xã hội đã được bàn đến trong các công trình nghiên cứu khác. Ở đây chúng tôi chú trọng vào các vấn đề cốt lõi cần cải thiện để có thể hội nhập nhanh chóng và hiệu quả hơn:
· Điều tiết kinh tế vĩ mô vẫn luôn là vấn đề tiên quyết để phát triển ổn định và bền vững, điển hình là từ giữa năm 2008 đến quý I/2011, chính sách vĩ mô đã phải nhiều lần quay 180 độ từ chống lạm phát sang kích cầu chống suy thoái.
Sách liên quan
Phủ Biên Tạp Lục – Đọc sách online ebook pdf
Lê Quý Đôn
Hạt Cơ Bản – Đọc sách online ebook pdf
Michel Houellebecq
Đội Đặc Nhiệm TK1 – Đọc sách online ebook pdf
Lê Thành Chơn
Lời Cảnh Báo – Đọc sách online ebook pdf
Ninh Hàng Nhất