Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Kí Ức Đông Dương của tác giả Tô Hoài mời bạn thưởng thức.

MÙA THU LUÔNG PHA-BANG

Viêng Chăn – Luông Pha-bang, máy bay An-24 bay bốn mươi phút tới vùng trung tâm Bắc Lào. Thế mà đường bộ phải vượt trên bốn trăm ki-lô-mét. Cứ nghĩ vậy đã có thể tưởng ra núi đèo trập trùng như thế nào.

Từ hồ Nậm Ngừm ngược lên, chỉ còn rợn mắt một màu xanh rừng. Cho đến vùng trời Huổi Sài tỉnh Hua Không giáp với Miến Điện, còn hai ngày đường nữa, thế mà đường bay cũng chỉ hơn nửa giờ. Lại vẫn xanh, cả đến những cánh rừng sau cơn mưa chợt hửng, cứ xanh bừng lên. Từ đây đi lên, một vùng Tây Bắc cho tới ngã ba biên giới Miến Điện – Thái Lan, chỉ gặp thấp thoáng vài ba cánh đồng ở Nậm Bạc, ở Nậm Thà, ở Mường Sinh. Rừng, hàng ngìn ki-lô-mét rừng, rừng đương mùa thu, trong mưa xối xả, các cánh rừng càng bồng bột nổi sóng xanh màu xanh lạ lùng. Không ai có thể tưởng ra được màu xanh kỳ lạ và ngỡ ngàng ấy của rừng Lào mùa mưa.

Đầu đằng kia, Viêng Chăn mưa tầm tã, vậy mà, trời Luông Pha-bang rực rỡ nắng lồng cả vào trong thung lũng. Ngang xuống rặng núi bên kia sông, đỉnh rừng nhô qua cửa sổ, nhìn rõ từng gốc cây trắng xanh bóng nắng.

Sân bay Luông Pha-bang vốn chỉ là một sân bay dã chiến của đế quốc Mỹ mở vội vã ra giữa rừng cỏ tranh – có một đường băng hơn nghìn thước, một bốt lính. Không có nhà ga.

Những năm ấy, và càng những năm về sau, cuộc chiến đấu của quân đội cách mạng Lào phát triển, khu du kích và khu giải phóng mở đến tận Xiềng Ngần, cửa ngỏ vào Luông Pha-bang. Các thành phố phía Bắc này đều bị chơi vơi giữa vòng vây rừng và khu du kích, ở đâu địch cũng hối hả xây sân bay làm con đường sống cho những thị trấn bị phong tỏa.

Bây giờ, sân bay Luông Pha-bang đổi thay khác hẳn. Trước kia, ở đây là những nơi tung ra tội ác. Trước kia, đấy là lối chạy chết. Bây giờ, đấy là con đường cho mọi người đi, đến thuận tiện trong cuộc sống xây dựng.Từ tội lỗi trở thành điều lành, sân bay Luông Pha-bang bỗng nhiên mang một vẻ đẹp mơ màng mà tôi chưa thấy quang cảnh như thế ở bất kỳ cái ga trời nào những nơi tôi đã được qua. Sân bay ở Luông Pha-bang, ở Sà-và-nà-khẹt, ở Xê Pôn dưới Nam Lào, nó sao mà gần gũi, nó như cái sân trước của nhà mình, bước ra thì lên cửa máy bay.

Thật như thế, người Luông Pha-bang đáp máy bay xuống Thủ đô Viêng Chăn như đi chợ, mang theo những cặp lá trầu không xanh óng, những túi nilông đựng cải xoong, những trái chanh, và cả một cái lồng nhốt con ngỗng. Người ta bảo giống cải xoong nước suối đá quanh Luông Pha-bang và chanh vườn dọc sông Mê Kông quãng trên này mới thật đậm, mới lên hết vị rau ngon, chanh ngon đến thế.

Các bạn Luông Pha-bang bảo tôi không vội vã. Trời chốc mưa chốc nắng thế, không biết giờ bay có đúng được không. Cứ lúc nào nghe tiếng máy bay đến ta ra sân bay cũng vừa. Khách đợi đi đứng tránh nắng mưa dưới cánh máy bay, cạnh cái bọc hàng gửi chất la liệt.

Khi chiếc máy bay vừa cất cánh lên rồi vút đi, trả lại một vùng tĩnh mạc của sân bay, lại nghe tiếng mõ trâu đạc lóc cóc ở một bụi lau nào gần đấy. Một con gà trong đồi cất tiếng gáy trưa – không biết gà rừng hay gà nhà. Tiếng bánh xe lam đưa khách rời sân bay nghe rào rạo, xa xa qua cầu Nậm Khan sang phố.

Trông lên thấy nhà hai bên đường mới biết đã ra khỏi rừng cây, vào thành phố. Ở dưới dòng sông Mê Kông, sông Nậm Khan trông lên phố cũng chỉ thấy bạt ngàn những bụi tre trúc, cây dừa, đôi chỗ có một bậc dốc xuống bến như bất cứ làng nào ven sông. Đến khi thấy thấp thoáng chỏm tháp chùa đỉnh núi Phu Xỉ, mới biết đấy đã vào tới trung tâm Luông Pha-bang. Tất cả các thị trấn, các thành phố nước Lào như đều mọc ra giữa rừng cây.

Luông Pha-bang, thành phố trong vườn dừa và trong bóng xanh rờn vườn chùa những cây chăm-pi – cây hoa ngọc lan.

Con sông Nậm Khan từ thượng nguồn chảy ra đến đấy còn làm duyên uốn mình một quãng rồi mới chịu hòa vào sông Mê Kông. Trong dải đất hẹp giữa hai triền sông gặp nhau, chỗ đầu nhọn vút ấy là thành phố cổ Luông Pha-bang có núi Phu Xỉ sừng sững giữa phố, mà ra ngó thấy như trái núi mọc đầu nhà. Ở Luông Pha-bang, trông phía nào cũng thấy triền núi và chi chít những nương lúa xanh nhạt dưới bóng mây và nghe tiếng mõ trâu gõ lãng đãng đi qua và những mái chùa kiến trúc Bắc Lào năm lần mái nghiêng chồng lên nhau.

Luông Pha-bang, “thành phố Phật vàng”, thành phố trong màu xanh bóng núi, chỉ có hơn hai vạn người nhưng có tới trên năm mươi ngôi chùa. Những rặng cây tếch hoa vàng, những vườn dừa và hoa ngọc lan trắng muốt. Phố trung tâm lượn quanh chân núi Phu Xỉ. Mái chùa cao, ngói mốc đen, ba lần, năm lần xếp chồng nhau.

Khác chùa hai mái ở Viêng Chăn, khác chùa trong Xiêng Khoảng chỉ có một mái đứng – mỗi nơi một kiểu nhưng đâu cũng một kiến trúc Lào, mái và tường rêu phong đen sẫm, không ngói đỏ ngói vàng sặc sỡ như ở một đôi chùa lai Thái, lai Miến dưới kia.

Ở đây cũng như Viêng Chăn, nhưng nghệ thuật ở đây càng thuần Lào hơn, những pho tượng, những tấm khắc trên cửa, những bức tranh vẽ tường, những sự tích chùa chiền vẫn chẳng khác mọi sinh hoạt nhân gian ngoài đời sống.

Pho tượng Phật nằm trên bệ thờ chùa Xiêng Thoong khác nào cô gái Lào nằm ngủ nghiêng người, tay áp má, tay duỗi trên thân mình thật đẹp, hai bàn chân thanh thản xếp bên nhau. Chắn hẳn nhà nghệ sĩ tài hoa nào thời ấy đã khéo gửi hình ảnh người mình yêu vào muôn thuở như thế.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x