
Kinh Dịch Ứng Dụng Trong Kinh Doanh – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Lời của BBT
Đây là quẻ thứ hai trong Kinh Dịch. “Khôn” có nghĩa là “thân”, cũng có nghĩa là “thuận”. Nếu “Càn” là hình tượng mở rộng của ánh sáng và khí của trời thì ngược lại “Khôn” là hình tượng phát triển của khí đất. Nếu “Càn” là chức năng sáng tạo ra vạn vật của trời thì “Khôn” là công cụ của trời, thuận theo ý trời để sáng tạo ra vạn vật. Tất cả các hào trong quẻ Khôn đều là hào âm, là tượng của khí âm.
No. 5: Tiên mê hậu đắc
Đồng lòng đạt được thành công
Quân tử hữu du vãng, tiên mê hậu đắc chủ lợi.
Quân tử tiến về phía trước, cũng có những hành động nhất định. Lúc đầu có thể chưa định ra được phương hướng nhưng về sau nhất định sẽ đạt được những điều mong ước, giành được vị trí chủ soái, do vậy mà có lợi.
– Quẻ Khôn – Quái Từ
Câu này có ý nghĩa là: Người quân tử luôn tiến về phía trước, luôn là người tiên phong ắt sẽ có sai lầm trong việc lựa chọn phương hướng, nhưng sau này cùng với những người cùng chí hướng nhất định sẽ đạt được ước vọng, có lợi cho chính mình.
Tại sao người dẫn đầu lại có thể gặp phải sai lầm? Để giải thích, ta cần hiểu ý nghĩa của quẻ Khôn. Điều mà quẻ Khôn nói tới đó chính là cách phối hợp, có nghĩa là cùng kết hợp để học tập lẫn nhau. Nhiệm vụ chính của những người phối hợp là cùng nhau hỗ trợ để đạt thành công trong sự nghiệp. Đương nhiên, người phối hợp cũng có khả năng trở thành người lãnh đạo, nhưng khi bản thân vẫn là người phối hợp thì nhất định phải tuân thủ những qui tắc chung. Vì vậy, “Tiên mê hậu đắc” cũng là một trong những nguyên tắc như vậy.
Bản thân vẫn là người phối hợp thì tuyệt đối không tự quyết định, không tự hành động, nếu không tất sẽ lựa chọn những phương hướng sai lầm. Hãy tưởng tượng, nếu ai cũng hành động mù quáng trước khi có chỉ đạo của cấp trên thì kết quả cuối cùng sẽ như thế nào? Chắc chắn rằng sẽ làm thay đổi con đường phát triển của doanh nghiệp. Có rất nhiều người mặc dù chỉ đứng ở vị trí là người cùng phối hợp, lại thiếu đi tâm thái cùng hợp tác hữu nghị, hành động bột phát, cuối cùng đã gây ra nhiều tổn thất cho doanh nghiệp.
Sau rất nhiều lần thảo luận, cuối cùng công ty cũng quyết định tổ chức lại trung tâm kỹ thuật hiện có.
Được thành lập từ tháng 3 năm 2009, rất nhiều trong số những sản phẩm mà trung tâm này khai thác không có tính ứng dụng với cuộc sống và không có khả năng tiêu thụ trên thị trường. Nhưng, họ lại tự cho rằng mình đã phát minh ra những sản phẩm đầy sáng tạo và có giá trị. Do đó, dù lãnh đạo cấp cao của công ty đã nhiều lần cảnh báo và kiến nghị nhân viên trung tâm nên tích cực tham quan và khảo sát thị trường để thăm dò phản ứng của khách hàng, nhằm đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng, nhưng nhóm kỹ thuật đó vẫn thích hành động theo suy nghĩ của cá nhân mình.
Đến tháng 4 năm 2010, trung tâm kỹ thuật chế tạo ra tám sản phẩm mới, nhưng không có sản phẩm nào trong đó sau khi đưa ra thị trường nhận được sự quan tâm của khách hàng. Lúc này, các chuyên viên kỹ thuật mới bắt đầu cảm thấy hoang mang và đề xuất với công ty một vấn đề mà đáng lẽ ra họ phải suy nghĩ từ trước rằng: “Cuối cùng thì sản phẩm nào mới phù hợp với yêu cầu của thị trường?”
Tổng giám đốc đã nghiêm khắc phê bình họ: “Vấn đề này nên để các bạn tự trả lời, từ tháng 3 năm 2009 chúng tôi đã liên tục kiến nghị với ý muốn giúp đỡ các bạn. Nhưng đến nay, các bạn mới nghĩ đến vấn đề này, phải chăng là đã quá muộn?”
Những sự việc tương tự như thế không phải hiếm gặp. Rất nhiều nhân viên quan niệm rằng: Mình là người làm thuê, là người ngoài nên không cần phải quan tâm đến những việc sống còn của công ty, hoàn toàn xa rời tình hình thực tế của công ty. Từ đó, họ mù quáng hành động, đợi đến khi vấn đề bị lộ ra, mới phát hiện ra những việc làm trước đây của mình chỉ là vô ích, thậm chí còn gây ra nhiều tổn thất không thể tránh được cho doanh nghiệp.
Kinh Dịch nói với chúng ta rằng: Là những người phối hợp, chúng ta không thể tự động đưa ra phương hướng mà cần tuân thủ theo những chỉ dẫn của cấp trên, nghiêm khắc thực hiện những qui tắc chế độ và yêu cầu của công ty.
Lời khuyên thứ năm:
Làm nhân viên dưới quyền (cấp dưới) nhất định phải lắng nghe và hành động theo chỉ dẫn của cấp trên, tuyệt đối không nên tự mình đưa ra chủ trương và hành động bột phát.
No. 6: Kiến vi tri tác
Nhìn xa trông rộng
Lý sương, kiên băng chí.
Giẫm lên sương thì biết băng dày sắp đến.
– Quẻ Khôn – Sơ Lục
Sơ Lục là hào âm ở vị trí thấp nhất của quẻ Khôn, dùng hình ảnh “sương” và “băng” để tượng trưng. “Lý” có nghĩa là giẫm. “Kiên” là chắc, vững chắc. “Chí” có nghĩa là tương lai sẽ đến. Câu này có ý nghĩa là: Chân bước trên sương biết mùa băng tuyết sắp đến.
Ở đây muốn nhấn mạnh đến khả năng nhìn trước được tương lai, chỉ cần nhìn thấy một chút manh mối phát triển của sự vật là đã có thể đoán định được chiều hướng phát triển trong tương lai hoặc bản chất của sự việc.
Khi chân bước trên sương, họ lập tức nghĩ ngay đến mùa đông đang tới. Khi trên mặt sông đã thấy băng kết lại với nhau, họ lập tức đưa ra các biện pháp để chống chọi với mùa đông rét mướt sắp tới. Đó chính là “Kiến vi tri tác” – nhìn xa trông rộng. Cùng với “Kiến vi tri tác” là năng lực cảnh báo xuất sắc và năng lực tư duy logic tuyệt vời.
Trong công việc, khả năng dự báo xuất sắc có thể khiến con người nhanh chóng quyết định và nắm rõ những chỉ đạo và ý đồ của cấp trên, đồng thời còn kịp thời phát hiện ra những vấn đề nhỏ nhặt trong nội bộ công ty, giúp loại bỏ những khả năng xấu nhất trong kinh doanh mà thực tế chắc chắn sẽ xảy ra.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.