Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Chương II. Lịch Sử Một Cuộc Đảo Chánh Hụt Hay Trotzky Chống Staline

Staline là chính khách Âu châu độc nhất đã biết lợi dụng bài học cuộc Đảo chánh tháng mười 1917. Nếu tất cả các đảng cộng sản Âu châu đều phải học Trotzky về nghệ thuật cướp quyền thì các chính phủ tự do dân chủ phải học nghệ thuật bảo vệ chính quyền chống chiến thuật dấy loạn cộng sản, nghĩa là chống chiến thuật Trotzky, nơi Staline.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, cuộc tranh chấp giữa Staline và Trotzky là giai đoạn phong phú nhất mà lịch sử chính trị Âu châu đã để lại. Những dấu hiệu của cuộc tranh chấp này đã xuất hiện từ một thời kỳ rất lâu trước Cách mạng tháng 10-1917. Sau đại hội ở Luân Đôn năm 1903 khi xảy ra sự chia rẽ giữa Lénine và Martoff, giữa những đảng viên Bôn-sê-vích và Men-sê-vích, Trotzky đã công khai tách rời khỏi hệ thống tư tưởng lê nin nít: mặc dù ông không tuyên bố là theo phe Martoff, ông thấy mình gần với lý thuyết Men-sê-vích. Nhưng thật ra, nhu cầu giải thích tư tưởng Lê-nin-nít, sự nguy hiểm của chủ nghĩa Trốt-kít, nghĩa là sự nguy hiểm trong các lối giải thích sai lệch đường lối chính thống, những tà thuyết… tất cả chỉ là những cái cớ và những lời biện minh chính thức cho một sự thù nghịch đã bén rễ từ những nguyên nhân sâu xa trong tâm trạng của những lãnh tụ bôn-sê-vích, trong tình cảm và trong quyền lợi của đám đông thợ thuyền và nông dân, trong tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của nước Nga sau cái chết của Lénine.

Lịch sử sự tranh chấp giữa Staline và Trotzky là lịch sử của âm mưu do Trotzky chủ động nhằm chiếm quyền cùng công việc bảo vệ chính quyền chống lại Trotzky của Staline. Đó là lịch sử của một cuộc đảo chánh hụt. Để chống lại lý thuyết “Cách mạng thường trực” của Trotzky, Staline tung ra những lý thuyết của Lénine và nền chuyên chính vô sản. Ta thấy cả hai phe đều nhân danh Lénine để kình chống nhau. Nhưng những âm mưu, những cuộc cãi vã và những bài ngụy thuyết phải chăng chỉ nhằm che đậy những biến cố quan trọng hơn các cuộc bút chiến về việc giải thích chủ thuyết Lê-nin-nít? Nguyên nhân chính của cuộc tranh chấp là quyền lực. Vấn đề kế vị Lénine được đặt ra từ lâu trước khi ông chết, từ khi những triệu chứng đầu tiên về căn bệnh của ông xuất hiện, không phải chỉ là một vấn đề tư tưởng chủ nghĩa. Những tham vọng cá nhân đã được che đậy sau những vấn đề chủ nghĩa. Ta không nên để những lời biện minh chính thức về các cuộc tranh luận đánh lừa. Mối quan tâm của Trotzky trong cuộc bút chiến là nhằm chứng tỏ rằng mình là kẻ bảo vệ bất vụ lợi cái thừa sản tinh thần và trí thức của Lénine, kẻ canh chừng những nguyên tắc của cách mạng tháng mười, đảng viên cộng sản kiên trì đang chống lại sự hủ hóa thư lại trong nội bộ đảng cùng sự trưởng giả hóa guồng máy công quyền Sô viết. Còn đối với Staline, vấn đề là che dấu không cho các đảng cộng sản khác cũng như các nước Âu Châu tư bản dân chủ và tự do biết những nguyên nhân chính của cuộc tranh chấp đang diễn ra trong nội bộ đảng, giũa những đệ tử kỳ cựu của Lénine, giữa những người tiêu biểu nhất của Liên bang Sô viết Nga. Thật ra Trotzky chiến đấu nhằm chinh phục và Staline nhằm bảo vệ chính quyền.

Staline không có cái tính lừng khừng, không dễ dàng bị lôi cuốn vì một vấn đề thiện hay ác, không có cái lòng vị tha mơ hồ, không có cái tính chất thật thà và tàn nhẫn của người Nga. Staline không phải là người Nga, ông là người xứ Georgia. Mưu lược của ông là biết xử dụng lòng kiên nhẫn, ý chí sắt đá và sự khôn ngoan mà thành. Ông luôn lạc quan và bướng bỉnh. Địch thủ của ông đã nhầm lớn khi cho rằng ông ngu si, thiếu học và thiếu thông minh. Họ lầm, nhưng ta cũng không thể nói rằng ông là tay có học, một dân văn minh sành luận lý và tâm lý; nói cho rõ hơn, ông có những đặc tính trái ngược hẳn với nền tảng văn hóa và đạo đức Tây phương. Sự minh mẫn còn trong trạng thái thiên nhiên không thiên kiến về văn hóa hay đạo đức. Như người ta thường nói dáng đi phản ảnh con người. Trong kỳ Đại hội Sô viết Liên Nga, tổ chức tại nhà hát lớn Mạc Tư Khoa vào tháng 5.1929, tôi đã thấy Staline đi, thấy ông bước lên diễn đàn. Tôi đang ngồi trong hàng ghế dành cho ban nhạc, ngay dưới sân khấu khi Staline hiện ra sau hàng các Ủy viên Nhân dân, các nhân viên của hội đồng trung ương đảng. Ông ăn mặc thật giản dị, một cái áo chẽn màu xám cắt theo kiểu nhà binh với một cái quần vải mầu sẫm bó sát trong đôi giầy cao ống. Vai vuông, nhỏ thó, vạm vỡ, đầu hơi lớn với mớ tóc quăn, hàng lông mi rất đen như làm cho đôi mắt thêm dài và lớn, bộ râu đậm mầu cánh kiến làm cho khuôn mặt thêm nặng nề.

Ông bước đi chậm chạp, nặng nề, gót nện xuống sàn nhà cồm cộp. Với cái đầu chúi tới đằng trước, hai tay vung vẫy, ông có dáng vẻ của một gã nông dân miền núi, thô kệch kiên nhẫn và bướng bỉnh. Trước tràng pháo tay nổi dậy như sấm chào mừng, chẳng thèm quay lại, ông tiếp tục chậm rãi bước tới, đứng đằng sau Rykoff và Kalinine, đầu ngửng lên, thản nhiên để đám đông hoan hô rồi ông đứng yên, đôi mắt lạnh lùng nhìn thẳng về phía trước. Chỉ có khoảng vài chục đại biểu Thát Đát, đại diện cho các cộng hòa sô viết tự trị của dân tộc Bachkir, Bouriate-Mongol, Daghestan và Iakoute là đứng yên trong lô của họ.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x