Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Ảnh viện không đơn thuần là nơi làm dịch vụ ghi chép hình ảnh, nơi diễn ra những giao dịch sòng phẳng nhất thời giữa những người cần ảnh với thợ chụp ảnh, đó là một kho tàng ký ức về con người và nơi chốn, một nguồn dữ liệu nhân học, nhân trắc học, xã hội học, sử liệu cộng đồng.

Nhưng đó lại có thể không hơn gì một đống tro tàn sau những bể dâu thế cuộc.

Từ lâu, người viết cuốn sách này bị cái thế giới của những ảnh viện truyền thống mê hoặc, dẫn dụ đi vào nhiều mảnh sử cá nhân thú vị qua những tấm ảnh, bộ ảnh cũ xưa trong cuộc hành trình tìm kiếm ký ức đô thị. Tôi có thể đứng hàng giờ nhìn những người thợ ảnh tỉ mỉ chấm từng nét li ti để tạo ra một mảng tối trên bức chân dung khiến bóng hình tiền nhân quá vãng trở nên “có thần”. Tôi cũng thầm nể phục người làm buồng tối loay hoay như những phù thủy pha chế chất hiện hình để dung nhan người xưa hiện lên rõ nét trên nền giấy ảnh mới… Người đã chết hay người còn sống. Tuổi trẻ và tuổi già. Khung cảnh còn và mất. Tất cả. Dòng thời gian trôi qua khốc liệt dưới bàn tay tỉ mẩn của họ.

Liệu có thể tiếp cận cuộc đời họ theo một cách thức nào đó? Câu hỏi trở thành một mối day dứt, một món nợ khi tôi gặp ông – nhân vật của cuốn sách này. Báo chí đương thời gọi ông là nhà nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ nhiếp ảnh – những danh hiệu cao quý – bởi loạt chân dung ông thực hiện và gìn giữ nhan sắc Sài Gòn một thuở. Nhưng không ít lần tôi thấy ông lúng túng trước đám đông khi được hỏi về quan điểm nghệ thuật, lý thuyết nhiếp ảnh và các vấn đề có vẻ hệ trọng khác. Tôi lại gặp ở ông sự lúng túng tương tự trong quá trình ba tháng tiếp cận, lấy chất liệu cho cuốn sách mỏng này. Với nhiều người, hẳn có chút hụt hẫng. Nhưng với tôi, đó là niềm hứng thú hạnh ngộ. Trong thời buổi mọi danh hiệu, thành tích có thể dễ dàng được phong tặng, tôi quý những con người bình thản nói rằng, họ không chịu trách nhiệm về những lời phong tặng hay định kiến từ người khác. Trong thời buổi vô số người muốn mình trỗi vượt trên đám đông, tôi nể phục những người chọn sự bình thường, làm chủ đời sống và sống hài hòa với cộng đồng. Trong thời buổi ai cũng có thể tự xưng tụng, bày tỏ quan điểm nọ kia, từ chính trị, tư tưởng đến văn hóa nghệ thuật, tôi ngưỡng mộ người tự nhận mình là một thị dân bình thường.

Nhưng viết về một người bình thường không hề là chuyện đơn giản. Bởi dù muốn dù không, cái bình thường ấy cũng không tránh khỏi việc diễn giải bằng hệ thống nọ, thuyết luận kia (đời sống vốn là một rừng hệ quy chiếu!). Tôi chọn giải pháp kể chuyện tuyến tính, có những chương ghi chép lời kể của nhân vật để tạo ra sắc thái khách quan, tự nhiên nhất có thể.

Hai phần đầu sách, thiết nghĩ, cũng cần điểm qua vắn tắt về lịch sử phát minh bộ môn nhiếp ảnh, cuộc du hành của nhiếp ảnh phương Tây vào Việt Nam và tư duy “nghệ nhân – làng nghề” trong đời sống mỹ thuật truyền thống của người Việt từ xa xưa đến đầu thế kỷ XX; chuyện những “nhà chụp ảnh” đầu tiên ở Huế, Hà Nội, Sài Gòn. Phần 3 là câu chuyện nghề ảnh từ Lai Xá đến Sài Gòn, “lộ trình” mà nhân vật của cuốn sách – một cậu bé quê Lai Xá đi qua.

Phần giữa cuốn sách là giọng kể của nhân vật, thuật lại chuyện học nghề ảnh ở Hà Nội, Sài Gòn rồi khởi nghiệp tại Chợ Lớn. Việc trung thành sự thật, theo sát lời kể là nguyên tắc đầu tiên. Và điều này không ít lần khiến người viết gặp khó khăn vì nhân vật nay đã tuổi cao sức yếu, có những chi tiết nhầm lẫn và cả những vùng mờ ký ức, khó tường tận. Chưa kể, có những điều thuộc về quá vãng, một thời kỳ mà để thích ứng thực tế, người ta đã phải cố quên đi nhiều thứ quý giá thuộc về đời sống tinh thần, và, lâu ngày thì cái cố quên đã trở nên lãng quên thật. May sao, người bạn đời của ông cũng đã giúp tôi một phần trong việc phục dựng vài mẩu chuyện gia đình và hiệu ảnh, dù không hoàn toàn.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x