
Ký Ức Phiên Lãng – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
TÔI TỪ THÀNH PHỐ BOM-BAY sang miền Tây Băng-gan đến Can-cút-ta, ngang Ấn Độ rồi lên vùng núi Hy-ma-lay-a phía Bắc.
Mênh mông Ấn Độ, biết đi đến thế nào là biết được! Thế mà mới chỉ một bước chân cũng có thể hiểu mình đương ở đâu. Khi thấy một cánh tay múa lên rập rờn như sóng trong tiếng trống “tra ba la”… Khi thấy những con người hiền hậu, mơ màng… Dặm đường và bãi cỏ gió cuốn sáng trăng. Sông Hằng lấp lánh mé ánh trăng đêm. Đêm Ấn Độ hắt bóng đại dương tím man mác, trăng sao chấp chới như sắp rơi lung tung cả xuống đầu… Khách đáp máy bay, tàu hỏa cũng dùng cơm chay như bữa ăn ở trong làng. Có lẽ vì đường đương qua các vùng sông Hằng. Có lẽ những chúng sinh này đương hành hương qua đất Phật phát tích. Có lẽ cũng chẳng vì nỗi gì. Ở đây, người ăn chay, người ăn mặn đều nhiều như nhau.
Nhưng, một so sánh bâng quơ bỗng đến với tôi. Phải vì nắm cơm nếp đậu đen, miếng đậu xanh ướp lạnh tẩm mật ong hay chiếc bánh dừa đường phèn, dễ gợi hứng người ta nên ăn chay trường, mà tôi chợt nhớ nửa đêm ấy qua vùng trời I-ran đến đây.
Cái lão Ca-tơ đương làm ồn thế giới vì chuyện năm mươi người Mỹ bị cụ giáo chủ Khô-mê-ni giam cả ngót năm nay ở Tê-hê-ran. Lão cáo già này đã giở đủ ngón: cắt ngoại giao, cúp buôn bán, cướp tiền I-ran gửi ngân hàng nước ngoài, rồi hạm đội 6, hạm đội 7 xông đến cửa vịnh Ba Tư. Rồi máy bay biệt kích Mỹ đào tường khoét ngạch chui vào I-ran.
Cả đêm tôi bình yên tới sân bay Tê-hê-ran, hôm sau đọc báo mới biết đêm qua có năm chiếc Si-núc và một C.130 rơi (hay bị bắn rơi) ở sa mạc Đa E-ka-via, chết mấy trăm lính Mỹ. Đến bây giờ, những điều cay hơn ớt đó vẫn là một bí ẩn: Mỹ đi cướp tù thất bại bởi “trục trặc kỹ thuật” hay vì không quân I-ran đã phục kích trúng.
Ở đâu, có lẽ chỉ nhộn nhạo ở xung quanh lão Ca-tơ bên Mỹ. Còn sân bay quốc tế Tê-hê-ran đêm ấy vẫn một màu đèn xanh dịu. Cô phục vụ đưa khách lên xuống có quầng mắt tím huyền bí và hoang dại, nụ cười nở vàng trên cặp môi màu nghệ. Bữa ăn nhẹ trên máy bay của hành khách dường như cũng là nét cười mỉa cái công phu trò trẻ cấm chợ ngăn sông của đế quốc Mỹ: bởi ở Tê-hê-ran vẫn có cam Ma-rốc đưa lên, có giấy lau miệng nhập từ La Hây bên Hà Lan.
Đến cách Can-cút-ta trên sáu trăm ki-lô-mét mà vẫn nắng chẳng kém dưới cửa biển. Bóng cây xanh rờn mà gió nóng lùa từng đợt như hun vào mặt.
Từ Ba-đô-gra trở lên, qua những cánh đồng đầu nguồn châu thổ sông Hằng. Mỗi nơi một thời tiết, một sinh hoạt khác nhau. Ở đây thật nóng nực, nhưng váy áo những cô gái làm đồng lại đỏ gắt lẫn với màu hoa phượng. Người ta trân trọng những phong tục đáng yêu. Khách đến mùa hạ được quàng cổ một tràng hoa huệ trắng. Tay áo lại còn lồng thêm một chuỗi hoa nhài trắng nõn.
Cây cỏ sao mà hệt ở những Thái Bình, Nam Định hay An Giang quê mình. La liệt các xó xỉnh, mọc những rau rền đất, cà độc dược, lục bình, hoa vòi voi xanh. Tha hồ trẻ con chơi đồ lá thầu dầu tía, cây ké có quả gai, trẻ chăn trâu quê ta hay ngắt để ném trộm vào mái tóc những cô thợ cấy, khó mà gỡ ra. Hoa ô môi hồng, hoa bằng lăng tím, cây mít lúc lỉu quả trong vườn. Những trái xoài chín đỏ lịm như mận. Lại có hoa ô môi vàng, mỗi cánh một mảnh hình tím tỏa trong nắng vàng hơn nắng.
Có lúc dừng xe, chúng tôi vào làng uống nước.
Đâu cũng vườn ruộng, làng mạc, sông nước, đi suốt ngày vẫn thế. Bang Tây Băng-gan hơn hai trăm triệu người châu thổ sông Hằng sinh sống trên 35 vạn ki-lô-mét vuông – đồng bằng to hơn tất cả những đồng bằng trên thế giới.
Ngày mai, ngày kia ra sông Hằng thì rồi sao. Vùng sông Hằng có người đến sớm vào thời kỳ đầu tiên trên trái đất, người a-ri-an với truyền thuyết chạy nạn hồng thủy tới định cư từ giữa thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên – nguyên một vùng đất lành ấy đã sinh sôi biết bao nhiêu ông thánh, ông Phật đạo Bà-la-môn, đạo Phật, đạo Hồi. Triết lý đã từ cuộc sống con người rồi mới thành đạo – có người mới có thánh. Như nước ta, từ cổ xưa, biết bao ông Thành hoàng làng được hương khói thờ phụng không phải chỉ là những ông tướng của vua Hùng hay thời Bà Trưng, thời Lý, Trần… Vô khối người bình thường, những người lội ao bắt cá, người đi cày, người ăn mày, người nghèo đi ăn trộm bị đánh chết, gặp giờ linh đã hiển thánh. Đạo nào được sinh ra cũng bởi lòng mong muốn và niềm tin của con người. Triệu triệu ông Thánh, ông Phật đã ở lẫn với người rồi hóa qua các đời như thế.
Mỗi ông Phật sinh ra ở hai bên sông Hằng đã thành một đạo, một đời rồi. Phải như câu tục ngữ Việt Nam hằng hà sa số đầu tiên có ngụ ý này chăng. Mới chỉ nghỉ chân uống nước ở ngoại ô Ba-đô-gra mà đã được nghe sự tích những mấy ông Phật.
Trung tâm đạo Bà-la-môn ở Vác-xi-ni trên bờ sông Hằng đây. Biết bao người đã nhờ cách sống của mình được nhiều người bắt chước mà thành đạo. Phật không ở trong chùa, Phật ở bụng người, tay người, nghĩ điều lành chưa đủ mà phải làm điều lành. Ở Vác-xi-ni có ông Phật Nam-đơ lái đò, ông Phật thợ dệt Ka-bu, ông Phật Sa-da-na bán thịt, ông Phật Xinh làm nghề cạo râu, ông Phật Ra-vi-đát thì đi chữa giày.
Chúng tôi ngồi trong bóng vườn dừa trông ra thành phố xôn xao người đi trong nắng trưa. Một bác thợ cởi trần ngồi xổm cạo râu cho một người ngồi xếp bằng trên mặt đất. Những người ngủ trên tấm ghế bố dưới gốc cây. Hai cô hát xẩm, bập bùng tiếng trống cơm. Một chiếc xe buýt sơn xanh mới, trên kính cửa viết một câu đùa hóm hỉnh: “Xe này không dừng lại ở Luân Đôn”. Và những chiếc xe kéo bánh gỗ chở khách vừa đủng đỉnh vừa bối rối giữa đám ô tô hiện đại sang trọng.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.