
Lại Viết Chuyện Làng Kinh – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Lại Viết Chuyện Làng Kinh của tác giả Phạm Lưu Vũ mời bạn thưởng thức.
Trở lại câu chuyện về vị “Nhà giáo Nhân dân”. Ngày làm lễ rước danh hiệu, dâng hương trước Thành hoàng được tổ chức rất trọng thể. Đích thân ông chủ tịch đứng ra làm trưởng ban tổ chức. Đình làng được quét dọn sạch sẽ, cờ phướn cắm phấp phới xung quanh, kéo về đến giữa làng. Đại khái ông chủ tịch muốn bắt chước kiểu vinh quy bái tổ của các cụ đỗ đại khoa ngày trước. Thời này không gọi là đại khoa. Song ông Lư là giáo sư, lại được phong đến “Nhà giáo Nhân dân” thì có kém gì đại khoa. Đó là danh hiệu tuyệt đỉnh cao quý của nền giáo dục đương thời. Dẫu ông giáo Lư nay đã về hưu, nhưng vinh dự mà ông mang về cho làng từ những danh hiệu ấy thì không vì thế mà suy giảm tí nào. Làng xưa nay mang tiếng thất học, biết đâu sự kiện này lại là một cái điềm báo trước cho sự mở mang việc học hành của làng thì sao? Ông giáo Lư tắm gội sạch sẽ, mặc com lê cara vát chỉnh tề, đi đôi giày đen bóng lộn chuẩn bị xuống đình làm lễ.
Nom ông trẻ hẳn ra so với cái tuổi ngoài 60. Ông chuẩn bị một bài kính thưa rất công phu để đọc trước dân làng, sau đó sẽ đem đốt để dâng lên Thành hoàng. Trước tiên ông ca ngợi cái nền giáo dục hết sức ưu việt, hết sức tân tiến mà ông đã phục vụ cả đời. Một nền giáo dục đã biến muôn người thành như một, chung một ý nghĩ, chung một tình cảm, chung yêu ghét, chung cả lối đi… Sau đó ông tóm tắt quá trình phục vụ sự nghiệp giáo dục cao cả của ông. Những thế hệ học trò vừa “hồng”, vừa “chuyên” của ông đang sống và làm việc khắp các miền đất nước. Có người đang nắm giữ những trọng trách, có người là kĩ sư, tiến sĩ… Tuy mỗi người một số kiếp, vinh nhục khác nhau. Song tất cả đều trung thành tuyệt đối, tất cả đều say sưa làm giàu cho mình, làm giàu cho đất nước mà quên đi tất cả… Ai ai cũng thấm nhuần một thứ trí tuệ tuyệt đỉnh nhất trên thế gian này…
Từ sáng sớm đã có tiếng lợn kêu eng éc, tiếng chân người đi lại rầm rập khắp các nẻo đường thôn, ngõ xóm. Tới khoảng chín giờ thì khách mời tề tựu đông đủ. Bà con xếp hàng chật kín sân đình. Trẻ con được huy động đánh trống ếch thùng thùng. Một số học trò của ông giáo Lư đang làm bí thư, chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh ở đâu đó cũng gửi lẵng hoa về mừng. Ông bí thư đặc biệt trân trọng những lẵng hoa này. Ông cho đặt vào vị trí trang trọng nhất để mọi người cùng nhìn thấy. Trên chiếc sập đá thời Gia Long đã sứt mẻ kê trước bệ thờ Thành hoàng, một con lợn tạ quay bôi phẩm đỏ chót nằm ngay ngắn trên chiếc mâm đồng, mồm ngậm tượng trưng một cuốn vở học trò, xung quanh bày la liệt trái cây, hoa, giấy tiền âm phủ…
Khói nến, khói hương cuộn lên ngào ngạt. Sau bài diễn văn khai mạc của ông chủ tịch, tiếp đến lễ rước các quyết định phong danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, quyết định trao huy chương “Vì Sự nghiệp Giáo dục”. Ông giáo Lư trịnh trọng bưng chiếc khay gỗ bọc vải lụa đỏ đựng các quyết định ấy từ từ tiến vào từ phía cổng đình, hai bên có 24 thanh niên nam nữ ăn mặc sạch sẽ, từng đôi một xếp thành hai hàng song song đi theo hộ tống, rồng rắn phía sau là dàn trống ếch vang lừng của các cháu thiếu nhi cổ quàng khăn đỏ. Các văn bản này cùng với bài kính thưa của ông giáo Lư sau khi đọc xong, cũng sẽ được đốt đi để cho Thành hoàng tận mắt nhìn thấy. Tất nhiên đó là những bản photocopy mà mấy hôm trước, ông phải sai thằng con cả đem lên tận phố Hai Hòn Cà mới photo được.
Mọi việc diễn ra theo đúng chương trình. Dân làng hãnh diện quá vỗ tay không biết rát. Hết bài kính thưa của ông giáo Lư, đến lượt ông bí thư đích thân đọc các quyết định. Rồi ông phát biểu vắn tắt trong khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Ông hết sức ca ngợi đường lối giáo dục vì nhân dân, vì mọi người. Ông nêu bật ý nghĩa của các danh hiệu cao quý mà Nhà nước đã trao tặng cho ông giáo Lư. Ông coi ông giáo Lư như là sự kết tinh cao độ của giai cấp, là đại diện trí tuệ ưu tú nhất của làng. Ông kêu gọi mọi người phải biết tự hào, bởi vì chế độ ta rất quan tâm đến việc giáo dục con người, nên làm người phải biết yêu chế độ, mà yêu chế độ tức là yêu nước, v.v… Tiếp đến một cụ già nhất làng chống gậy lên phát biểu. Cụ già quá, lại hơi nghễng ngãng nên giọng nói rất nhỏ, vừa nhỏ vừa run. Dân làng phải im phăng phắc mới nghe được những gì cụ nói.
Cụ bảo từ thời thượng cổ đến nay, làng chưa bao giờ được chứng kiến việc này. Không ngờ đến lúc sắp xuống lỗ, cụ mới được trông thấy cảnh rước đại khoa về đình. Cụ nhắc lại cái thời còn phong kiến, người được đi học ít lắm, cả tổng may ra có vài anh học trò. Làng nào có 3 người đỗ cử nhân trở lên mới được lập ra Văn Chỉ. Còn nếu có người đỗ tiến sĩ thì không những làng được lập ngay Văn Chỉ, mà cả vùng còn được phép lập ra Văn Thánh, thậm chí hàng năm vào đúng lễ Nguyên Tiêu, quan sở tại phải thân hành về tận làng có tiến sĩ để tế trước Thành hoàng. Đủ thấy thời phong kiến người ta trọng cái sự học như thế nào. Thế mà làng Kinh đến cả ngàn năm nay còn chưa được phép lập nổi một phần ba cái Văn Chỉ, nói chi đến có người đỗ tiến sĩ… Lời phát biểu của cụ càng làm cho ông giáo Lư và mấy ông bí thư, chủ tịch nở mày nở mặt trước các vị quan khách.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.