Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Lịch Sử Khai Phá Vùng Đất Nam Bộ của tác giả Huỳnh Lứa mời bạn thưởng thức.

Chương 2. CÔNG CUỘC KHAI PHÁ TRONG CÁC THẾ KỶ XVII, XVIII

I. SƠ LƯỢC VÀI NÉT VỀ TÌNH HÌNH KHAI PHÁ TRƯỚC THẾ KỶ XVII

Những khám phá khảo cổ học đã cho biết một cách chắc chắn con người có mặt ở vùng đất này từ khá lâu đời, ít ra là cách ngày nay khoảng 4.000 năm đến 2.500 năm. Phạm vi hoạt động của lớp người đầu tiên ấy bao quát một địa bàn rộng lớn trong toàn vùng Nam Bộ với những mật độ cư trú khác nhau.

Cũng theo các tài liệu khảo cổ học thì vùng cư trú đông nhất lúc bấy giờ không phải là vùng châu thổ sông Cửu Long -vùng phù sa mới, mà lại là vùng cao, vùng phù sa cổ – vùng Đông Nam Bộ, hay nói chính xác hơn là vùng tiếp giáp giữa cao nguyên đất đỏ và châu thổ sông Cửu Long.

Trong khi mật độ cư trú khá dày đặc ở vùng cao thì ở vùng châu thổ sông Cửu Long, cho đến nay, khảo cổ học chưa tìm thấy những di tích cư trú đích thực của lớp người đầu tiên ấy.

Khảo cổ học chỉ ghi nhận được một điều là vào những thế kỷ đầu Công nguyên mới có những bằng chứng vật chất về vết tích cư trú ở vùng tứ giác Long Xuyên, vùng U Minh Thượng… của những cư dân sáng tạo nên nền văn minh Óc Eo – Ba Thê.

Cư trú chủ yếu trên vùng cao thuộc miền Đông Nam Bộ, những cư dân đầu tiên này đã lấy nghề trồng trọt làm nghề sản xuất chính yếu. Ban đầu họ dùng rìu đá phá rừng, chặt cây; dùng cuốc, mai, thuổng đá vỡ đất, san đất để gieo trồng; dùng dao, liềm đá để thu hoạch. Về sau, vào khoảng 3.000 2.500 năm cách ngày nay, bên cạnh nông cụ đá, họ đã có thêm các nông cụ bằng đồng thau và đặc biệt là bằng sắt như rìu, cuốc, thuổng, liềm…

Nghề trồng trọt chủ yếu của họ thuở ấy là nghề trồng lúa, trong đó chắc hẳn việc trồng lúa khô – cũng có thể gọi là lúa rẫy – phổ biến hơn việc trồng lúa nước. Do kỹ thuật và công cụ còn hạn chế, những cư dân đầu tiên ấy chỉ có thể khai phá những khoảnh đất ven sườn đồi gần suối, trên các vùng đất xám ven sông. Họ có thể cũng đã bước đầu khai phá những vùng phù sa sông Đồng Nai để trồng lúa nước nhưng chỉ trên diện tích hạn hẹp.

Lấy nghề trồng lúa khô – lúa rẫy – làm hoạt động chính trong nông nghiệp có thể được coi như là một trong những đặc điểm của quá trình phát triển kinh tế buổi đầu của cư dân vùng cao đồng bằng sông Cửu Long – tức miền Đông Nam Bộ.

Ngoài hoạt động sản xuất nông nghiệp, những cư dân đầu tiên này còn sinh sống bằng việc săn bắt thú rừng, đánh bắt thủy sản.

Gắn liền với hai mặt hoạt động kinh tế quan trọng nói trên, các hoạt động thủ công làm đồ đá, đồ gốm, đặc biệt là nghề luyện kim đúc đồ đồng, rèn đồ sắt (chủ yếu là nông cụ và vũ khí) đã sớm xuất hiện ở nơi đây. Tại các di tích có niên đại 2.600 – 2.500 năm cách ngày nay, khảo cổ học đã tìm thấy một cách khá phổ biến những dụng cụ sắt. Có thể nói đây là những đồ sắt có niên đại sớm đến nay mới được biết trên bán đảo Đông Dương. Sự hiện diện của những dụng cụ sắt này chứng tỏ lớp cư dân đầu tiên ở vùng miền Đông Nam Bộ đã đạt tới trình độ kỹ thuật khá cao từ lâu đời.

Trên cơ sở trình độ kỹ thuật khá phát triển đó, vào những thế kỷ đầu Công nguyên, lớp người đầu tiên này bắt đầu tiến xuống chinh phục vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long để rồi xây dựng nên vùng đô thị Óc Eo – Ba Thê (nằm ở ranh giới hai tỉnh An Giang và Kiên Giang) khá nổi tiếng. Óc Eo là một hải cảng của đế đô vương quốc Phù Nam tên là Vyadhapura (đô thị của các nhà săn bắn) nằm gần đồi núi “Bathnom” và gần xã Banam ở trong tỉnh Prêy Veng (Campuchia) ngày nay. Đây là một trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế lúc bấy giờ. Tuy nhiên, trong các cuộc khai quật gần đây, khảo cổ học cũng đã tìm thấy một số vỏ lúa. Điều đó chứng tỏ vào thời kỳ này (những thế kỷ đầu Công nguyên) vùng Óc Eo – Ba Thê cũng đã được khai phá trồng trọt. Rất tiếc là không có tài liệu nào nói rõ quy mô và phạm vi khai phá của cư dân ở đây lúc bấy giờ. Chỉ biết họ làm nghề nông theo lối cổ và rất thạo nghề thủ công làm đồ mỹ nghệ vàng bạc. Họ cũng chuyên nghề buôn bán. Họ ở nhà “cao cẳng” (nhà sàn) lợp bằng lá tre, có rào gỗ chung quanh. Một tấm bia chữ Phạn vào đầu thế kỷ VI (bia ghi về sự tích của thái tử Gunavarman, con vua Jayavarman, thăng hà vào năm 514) chép lại việc khai phá đất bùn lầy, cùng với một đền thờ thần do vua Jayavarman dựng lên ở vùng Đồng Tháp Mười (1) cho thấy vào thế kỷ VI, vùng này đã có người đến ở và tiến hành khai phá.

Từ sau khi vương quốc Phù Nam bị sụp đổ vào thế kỷ VI cho đến thế kỷ XVI, người Khơme là cư dân chủ yếu ở miền Tây và một phần miền Đông lan tới lưu vực sông Bến Nghé (nay là sông Sài Gòn). Họ sống rải rác trên các giống đất cao. Còn trong lưu vực sông Đồng Nai thì có một số dân tộc ít người sinh sống trên vùng đồi núi. Chắc chắn là lớp cư dân thứ hai này tiếp tục khai phá đất đai để làm ăn sinh sống. Rất tiếc là do điều kiện tư liệu hạn chế, chúng ta không biết được sự khai phá cũng như kết quả khai phá của họ cụ thể như thế nào. Tuy nhiên, có thể khẳng định một điều là do số lượng cư dân ít ỏi cùng với trình độ kỹ thuật thấp kém, kết quả mở mang khai phá đất đai của họ còn rất hạn chế, nhất là đối với những vùng trũng thấp, sình lầy.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x