Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

KHỔNG MINH MẤT Ở GÒ NGŨ TRƯỢNG

Năm 229, tháng 4 Ngô vương Tôn Quyền chính thức xưng đế. Đại đa số các đại thần Thục Hán cho rằng Tôn Quyền xưng đế là tiếm hiệu, cần phải cắt đứt liên minh với Đông Ngô. Nhưng Gia Cát Lượng cho rằng, trước mắt Tào Ngụy mới là đối thủ chủ yếu của Thục Hán. Vì vậy ông vẫn liên minh với Đông Ngô, và chuẩn bị bắc phạt.

Năm 231 Gia Cát Lượng đem quân thực hiện cuộc bắc phạt lần thứ 4, tiến quân đến Kỳ Sơn. Ngụy đế cử đại tướng Tư Mã Ý và Trương Cáp cùng dẫn quân đến Kỳ Sơn đối địch. Gia Cát Lượng để 1 bộ phận lưu tại Kỳ Sơn, còn tự mình dẫn quân chủ lực đánh chặn Tư Mã Ý. Tư Mã Ý tìm hiểu chiến lược của Gia Cát Lượng, thấy quân Gia Cát Lượng tiến xa hậu phương, quân lương tiếp tế khó khăn. Vì vậy, quyết định xây dựng thành lũy ở nơi hiểm yếu, ra lệnh cho tướng sĩ giữ vững chứ không ra đánh.

Tướng sĩ Ngụy cho rằng Tư Mã Ý sợ quân Thục, nên nhiều lần xin ra đánh và nói: “Tướng quân sợ Gia Cát Lượng như sợ hổ, không sợ người trong thiên hạ cười cho hay sao?”.

Tư Mã Ý liền dẫn quân tiến lên giao chiến, bị quân Thục đánh cho 1 trận tơi bời. Nhưng phía quân Thục, do lỗi lầm của quan vận lương nên lương thảo tiếp tế không đủ, đành chủ động rút quân. Đại tướng Ngụy là Trương Cáp dẫn quân đuổi riết, tới 1 hẻm núi trong rừng cây rậm rạp, bị phục binh do Gia Cát Lượng bố trí sẵn, dùng cung tên bắn chết. Gia Cát Lượng mấy lần xuất quân đều không thành công. Một trong những nguyên nhân quan trọng là lương thực tiếp tế không kịp.

Do đường núi nhỏ bé, gập ghềnh, xe tải lương đi lại khó khăn, chậm chạp. Vì vậy, Gia Cát Lượng liền thiết kế ra trâu gỗ, ngựa gỗ gọi là “mộc ngưu”, “lưu mã” (thực chất là 1 loại xe vận chuyển cải tiến, có thể đi trên đường nhỏ, gập ghềnh), chở lương thực đến dự trữ sẵn ở hang Tà Cốc (nay ở tây nam huyện My, Thiểm Tây).

Năm 234, sau khi chuẩn bị đầy đủ, Gia Cát Lượng dẫn 10 vạn đại quân, lại tiến hành bắc phạt lần cuối cùng. Ông cử sứ giả sang Đông Ngô, hẹn với Tôn Quyền đồng thời cử quân để phối hợp đánh Ngụy cả từ 2 phía. Đại quân Gia Cát Lượng qua hang Tà Cốc, đến gò Ngũ Trượng ở bờ nam sông Vị. Để tính kế lâu dài, Gia Cát Lượng cho tướng sĩ đôn đốc binh lính xây dựng dinh lũy chuẩn bị tác chiến, đồng thời cử 1 bộ phận binh sĩ khai khẩn đất đai, cày cấy cùng với nhân dân địa phương để sản xuất lương thực tại chỗ. Nhờ có kỷ luật nghiêm minh, nên giữa quân Thục và dân địa phương có quan hệ rất tốt.

Ngụy Minh đế phái Tư Mã Ý dẫn quân Ngụy vượt qua sông Vị, cũng xây thành đắp lũy phòng thủ để cầm cự với quân Thục. Tôn Quyền nhận được thư của Gia Cát Lượng, lập tức cử 3 cánh quân lên bắc đánh Ngụy. Ngụy Minh đế cũng là người có bản lĩnh, 1 mặt dẫn đại quân xuống phía nam chống lại, 1 mặt báo cho Tư Mã Ý biết, cứ giữ vững ở Ngũ Trượng Nguyên, không ra quân chống lại. Gia Cát Lượng chờ đợi tin tức ở mặt Đông Ngô, nhưng kết quả khiến ông thất vọng.

Cuộc tiến công của Tôn Quyền đã bị thất bại. Ông muốn quyết chiến cùng quân Ngụy, nhưng Tư Mã Ý trước sau nhất định giữ vững thành lũy, không chịu đem quân ra đánh. Gia Cát Lượng dùng mọi biện pháp để khiêu chiến, nhưng đều không có hiệu quả. Hai bên kìm giữ nhau ở đây hơn 100 ngày. Muốn buộc quân Ngụy ra đánh, Gia Cát Lượng nghĩ ra 1 cách chọc tức Tư Mã Ý, lợi dụng tâm lý và phong tục coi khinh phụ nữ thời đó, ông phái sứ giả mang tặng Tư Mã Ý một bộ áo phụ nữ, tỏ ý coi thường Tư Mã Ý hèn nhát như đàn bà, không đáng mặt làm tướng cầm quân ra chiến trường.

Tướng sĩ quân Ngụy thấy chủ tướng bị lăng nhục như vậy, thảy đều căm giận, muốn đem quân quyết một trận sống mái với quân Thục. Tư Mã Ý biết đây là thủ đoạn khích tướng của Gia Cát Lượng nên không hề nổi giận. Ý an ủi tướng sĩ: “Được! Nếu các ngươi muốn đánh, thì ta dễ dàng tấu chương lên triều đình, xin hoàng đế chuẩn y cho chúng ta quyết chiến cùng quân Thục”.

Mấy ngày sau, Ngụy Minh đế phái 1 đại thần tới trại quân, truyền đạt chỉ dụ của hoàng đế: không cho ra đánh. Tướng sĩ Thục nghe tin, đều lấy làm thất vọng. Chỉ có Gia Cát Lượng hiểu được dụng ý của Tư Mã Ý, liền nói: “Việc Tư Mã Ý dâng biểu xin đánh, chỉ là trò làm yên lòng tướng sĩ thôi. Chứ bao giờ có chuyện đại tướng quân ở ngoài xa ngàn dặm lại phải dâng biểu về triều đình xin đánh”

Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng đều là những đối thủ rất hiểu rõ tâm lý của nhau, và luôn tìm cách để thăm dò tình hình đối phương. Có lần Gia Cát Lượng phái sứ giả đến khiêu chiến, Tư Mã Ý tiếp đãi rất ân cần, rồi hỏi thăm và nói chuyện vãn. Tư Mã Ý hỏi: “Thừa tướng bên quí quốc chắc là bận rộn lắm. Gần đây sức khỏe thừa tướng thế nào? Ăn uống có được ngon miệng không?”

Sứ giả nghĩ rằng đó là lời thăm hỏi theo phép xã giao, không có gì quan trọng nên thực thà trả lời: “Thừa tướng của chúng tôi đúng là rất bận rộn, phải tự mình giải quyết mọi việc lớn nhỏ trong quân doanh. Ngài thường thức khuya dậy sớm. Có điều gần đây ăn uống không được ngon miệng, mỗi bữa chỉ dùng rất ít”.

Sau khi sứ giả ra về, Tư Mã Ý liền nói với các tướng sĩ: “Các ngươi xem, Gia Cát Lượng làm việc thì nhiều mà ăn uống lại ít, làm sao mà kéo dài được?”.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x