Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

I- TÌNH HÌNH ĐẤT NƯỚC TỪ THẾ KỶ III TR.CN ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ X (NĂM 938)

1. Khái quát tình hình đất nước thời Hùng Vương – An Dương Vương; cuộc kháng chiến chống Tần và Triệu Đà xâm lược

a) Sự hình thành Nhà nước Văn Lang – Âu Lạc

Cách đây khoảng 4.000 năm, nghĩa là vào khoảng 2.000 năm Tr.CN, các bộ lạc người Việt cổ từ lưu vực sông Hồng cho đến miền Bắc Trung Bộ, đã bước vào thời đại đồng thau; họ chiếm lĩnh, khai phá những vùng ven sông biển, tập trung chủ yếu ở các con sông lớn. Họ mở rộng diện tích canh tác, trồng lúa nước nên đời sống đỡ bấp bênh và bắt đầu sống ổn định trong các điểm tụ cư là các làng xóm cổ. Trải qua quá trình lao động bền bỉ và lâu dài, người Việt cổ từng bước biến đổi vùng đồng bằng đầm lầy thành những cánh đồng màu mỡ, dựng nên nhiều làng xóm với dân cư ngày càng đông đúc thêm.

Do những yêu cầu về thủy lợi, về tự vệ chống ngoại xâm và do việc trao đổi về kinh tế, văn hóa ngày càng gia tăng, các bộ lạc Lạc Việt sinh sống gần nhau có xu hướng tập hợp lại và thống nhất với nhau. Trong số các bộ lạc đó, bộ lạc Văn Lang cư trú trên địa bàn trải rộng hai bên bờ sông Hồng từ chân núi Ba Vì đến chân núi Tam Đảo, là hùng mạnh hơn cả. Thủ lĩnh bộ lạc Văn Lang đã đứng ra thống nhất tất cả các bộ lạc Lạc Việt, dựng nên nước Văn Lang và tự xưng là Hùng Vương.

Về sự thành lập nước Văn Lang, sách Việt sử lược, cuốn sử xưa nhất của nước ta còn lại đến nay, chép rằng: “Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-681 Tr.CN), ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương”l.

Nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng ra đời là kết quả của quá trình phấn đấu bền bỉ, lâu dài của người Việt cổ đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng của lịch sử đất nước và mở ra thời đại dựng nước, giữ nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Cùng thời, trên phạm vi lãnh thổ của nước Văn Lang, có nhiều bộ lạc chung sống, trong đó có bộ lạc Âu Việt (Tây Âu) cư trú tập trung ở vùng rừng núi và trung du phía Bắc, tức vùng Việt Bắc nước ta ngày nay. Người Âu Việt sống gần gũi, nhiều nơi xen kẽ và có mối quan hệ mật thiết về kinh tế, văn hóa với các bộ lạc Lạc Việt. Mối quan hệ đoàn kết đó ngày càng được thắt chặt, củng cố hơn trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Tần (214-208 Tr.CN). Sau khi kháng chiến thành công, Thục Phán – thủ lĩnh của bộ lạc Âu Việt, tiến hành sáp nhập Âu Việt với Lạc Việt, lập nước Âu Lạc, tự xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa.

Nước Âu Lạc ra đời là bước phát triển mới, kế tiếp và cao hơn nước Văn Lang và trên một phạm vi rộng lớn hơn của cả người Lạc Việt và Âu Việt. Mặc dù tồn tại không lâu chỉ trong khoảng thời gian gần 30 năm (208-179 Tr.CN), nước Âu Lạc cũng có nhiều đóng góp to lớn vào thời đại dựng nước, giữ nước đầu tiên của dân tộc ta, thời đại Hùng Vương – An Dương Vương.Cương vực nước Văn Lang khá rộng lớn, tương ứng với vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ của nước ta ngày nay và một phần phía Nam tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, nước Văn Lang đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn (tức Chiêm Thành)l. Khi An Dương Vương lập nước Âu Lạc vào thế kỷ III Tr. CN, về cơ bản lãnh thổ nước Âu Lạc cũng chính là lãnh thổ của nước Văn Lang từ thời các Vua Hùng.

Nước Văn Lang – Âu Lạc có lãnh thổ trải dài từ miền rừng núi, trung du xuống đồng bằng và ra đến biển cả với một địa hình đa dạng, nhiều hình lắm vẻ. Núi non, sông ngòi, thung lũng, rừng cây, cao nguyên, đầm lầy, ao hồ… xen kẽ nhau, lại có bờ biển dài, nhiều chỗ khúc khuỷu với vách đá dựng đứng, vũng sâu thăm thẳm ven bờ, tạo ra địa thế rất hiểm trở, như Nguyễn Trãi từng nói: “quan hà bách nhị” (sông núi hiểm trở khiến hai người có thể chống được trăm người). Đặc điểm địa lý đó có ảnh hưởng lớn đến tư duy – tư tưởng quân sự, nhất là về nghệ thuật lợi dụng địa hình, địa thế đất nước để đánh giặc, giữ nước của tổ tiên ta.

Cư dân sinh sống trên lãnh thổ Văn Lang – Âu Lạc bấy giờ, chủ yếu là hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt. Hai bộ tộc này sống xen kẽ ở nhiều nơi, nhưng người Lạc Việt cư trú chủ yếu ở đồng bằng châu thổ các con sông lớn, như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Cả…, cư dân Âu Việt sống tập trung ở vùng trung du và rừng núi phía bắc của đất nước.

Cùng với sự phát triển của kinh tế, dân số nước ta thời Hùng Vương – An Dương Vương cũng đông đúc thêm. Sách Tiền Hán thư biên soạn vào khoảng cuối thế kỷ I Tr.CN cho biết, vào buổi đầu thời Bắc thuộc, trên đất nước ta có khoảng 128.183 hộ, 912.250 khẩu3. Số liệu đó chưa hẳn là đúng với sự thật, song cho phép ước đoán số dân nước Văn Lang – Âu Lạc có khoảng trên dưới 1 triệu người.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x