Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

2. Khái quát tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội

a) Chính trị – xã hội

Trên cơ sở lãnh thổ quốc gia thống nhất bao gồm toàn bộ vùng Bắc Bộ đến bắc đèo Hải Vân, những người sáng lập vương triều Lê Sơ và các thế hệ nối tiếp luôn nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường nhằm bảo vệ và xây dựng một quốc gia thống nhất và ngày càng vững mạnh.

Về thể chế chính trị:

Lê Sơ là một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ngày càng phát triển với một bộ máy hành chính thống nhất, chặt chẽ từ trung ương đến tận làng xã.

Sau khi lên ngôi năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi chia đất nước thành 5 đạo: Đông đạo, Bắc đạo, Nam đạo, Tây đạo và Hải Đông đạo. Dưới đạo là các trấn, lộ, phủ, huyện, châu, xã. Đứng đầu mỗi đạo là chức hành khiển trông coi mọi việc quân, dân chính và tư pháp; đứng đầu trấn là chức trấn phủ sứ; an phủ sứ đứng đầu lộ; ở phủ có chức tri phủ; huyện có chức chuyển vận sứ; đứng đầu xã là chức xã quan. Số xã quan tuỳ theo số lượng dân từng xã: Đại xã (từ 100 người trở lên) có 3 xã quan; Trung xã (từ 50 người trở lên) có 2 xã quan; Tiểu xã (từ là người trở lên) có 1 xã quan1.

Đến đời vua Lê Thánh Tông, năm Bính Tuất (1466), cả nước được chia thành 12 đạo Thừa tuyên: Thuận Hoá, Nghệ An, Thanh Hoá, Thiên Trường, Quốc Oai, Hưng Hoá, Nam Sách, Bắc Giang, An Bang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn và một phủ Trung đô (khu vực Kinh đô Thăng Long). Năm Tân Mão (1471), sau cuộc tiến đánh Chămpa, lãnh thổ Đại Việt mở rộng, có thêm đạo Thừa tuyên thứ 13 là Quảng Nam (vùng đất từ phía nam đèo Hải Vân đến đèo Đại Lãnh).

Nhằm đơn giản bớt hệ thống tổ chức chính quyền và tăng cường quyền chi phối của triều đình trung ương, Lê Thánh Tông cho bãi bỏ một số đơn vị hành chính trung gian như trấn, lộ. Đơn vị xã được quy định lại với quy mô lớn hơn: Từ 500 hộ trở lên là Đại xã; Trung xã từ 300 hộ; Tiểu xã từ 100 hộ2. Quyền hành ở đạo trước tập trung vào chức Hành khiển nay thuộc về 3 ty: Đô ty cai quản việc quân; Thừa ty phụ trách công việc hành chính, tài chính và tư pháp; Hiến ty phụ trách việc thanh tra quan lại, xử án và thi hành pháp luật. Sự phân lập quyền hành này nhằm ngăn ngừa khuynh hướng cát cứ ở địa phương và tăng cường quyền lực cho chính quyền trung ương. Đứng đầu phủ là chức tri phủ; đứng đầu các huyện, châu là chức tri huyện, tri châu; ở xã chức xã quan được đổi gọi là xã trưởng.

Đối với vùng thượng du, về cơ bản, quyền cai quản vẫn được giao cho các tù trưởng địa phương. Triều đình đặt ra các chức đoàn luyện, thủ ngự, tri châu, đại tri châu để bổ nhiệm cho các tù trưởng nhằm tranh thủ, ràng buộc và kiềm chế họ. Lê Thánh Tông chủ trương đảm bảo sự thống nhất trong chính quyền từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương: “Các chức lớn nhỏ cùng ràng buộc nhau, nặng nhẹ cùng gìn giữ nhau, lẽ phải của nước không bị chuyện riêng, việc lớn của nước không đến lung lay, khiến có thói tốt làm hợp đạo đúng phép”3.

Không chỉ thống nhất về mặt hành chính, bộ máy chính quyền các cấp cũng được xây dựng thành một hệ thống chặt chẽ, thống nhất từ trung ương đến địa phương và dần dần được cải tổ theo hướng tăng cường sự chi phối của triều đình trung ương và hạn chế quyền lực địa phương.

Cơ quan quyền lực tối cao là triều đình, đứng đầu là vua. Thời Lê Thái Tổ, dưới vua là các chức tả hữu tướng quốc Kiểm hiệu bình chương quân quốc trọng sự; sau đó là các chức: tam thiếu, tam thái, tam tư. Tiếp đến là ban văn và ban võ. Đứng đầu ban văn là chức đại hành khiển, rồi đến thượng thư và các cơ quan chuyên trách như Nội mật viện, Hàn lâm viện, Ngự sử đài. Đứng đầu ban võ là các chức đại tổng quản, đại đô đốc, đô tổng quản. Trải qua các đời vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Nghi Dân, chính quyền ngày càng được củng cố, hoàn thiện. Năm Canh Thìn (1460), vua Lê Nghi Dân củng cố lại triều đình trung ương, đặt thêm 4 bộ: Hộ, Binh, Hình, Công cùng với hai bộ là Bộ Lại, Bộ Lễ do Lê Lợi đặt từ trước thành 6 bộ. Sáu khoa gồm có: Trung thư khoa, Hải khoa, Đông khoa, Tây khoa, Nam khoa và Bắc khoa. Các quan chức ở phủ, huyện, châu trong thời Lê Nghi Dân (1459-1460) cũng có sắp xếp lại nhưng các tài liệu cũ không ghi chép cụ thể.

Đến thời Lê Thánh Tông (1460-1497) bắt đầu tiến hành một cuộc chỉnh đốn, sắp xếp lại đơn vị hành chính và bộ máy chính quyền các cấp. Sau một thời gian tiến hành, tổ chức chính quyền thời Lê Sơ đã đạt đến đỉnh cao. Chính quyền trung ương gồm có 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công do các thượng thư đứng đầu, bên cạnh bộ là 6 khoa có nhiệm vụ kiểm soát công việc các bộ. Ngoài ra còn có 6 tự và một số cơ quan chuyên trách như Ngự sử đài kiểm soát quan lại; Hàn lâm viện khởi thảo văn kiện; Quốc tử giám trông nom giáo dục; Quốc sử quán biên soạn chính sử.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x