
Lịch Sử Tư Tưởng Quân Sự Việt Nam Tập 4 – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
2. Các bước phát triển của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
a) Giai đoạn từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 12 năm 1947
Đêm 22, rạng ngày 23-9-1945, được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng đánh úp trụ sở Uỷ ban nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.
Sáng ngày 23-9-1945, Xứ uỷ và Uỷ ban nhân dân Nam Bộ họp tại phố Cây Mai (Chợ Lớn). Hội nghị xác định chủ trương phát động toàn Nam Bộ đứng lên kháng chiến. Sau Hội nghị, nhân dân miền Nam nổi dậy tiến công địch khắp mọi nơi. Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn anh dũng chiến đấu, đánh địch bằng mọi thứ vũ khí dưới mọi hình thức: triệt nguồn tiếp tế của quân đội Pháp ở thành phố, tiến hành tổng bãi công, bãi thị, bãi khoá, dựng chướng ngại vật, đắp chiến luỹ trên khắp đường phố. Lực lượng vũ trang đột nhập tấn công sân bay Tân Sơn Nhất, phá hoại máy bay, đốt cháy tàu Pháp vừa cập bến Sài Gòn, phá khám lớn… Trước sự tiến công của quân và dân Việt Nam, quân Pháp lâm vào tình thế bị động, luôn lo sợ bị tập kích, đánh úp.
Để đối phó, Pháp buộc phải tăng cường viện binh. Ngày 5-10-1945, tướng Lơcơléc6 đến Sài Gòn cùng với các đơn vị bộ binh, xe bọc thép. Với sự giúp đỡ của quân Anh và quân Nhật, thực dân Pháp đã phá được vòng vây xung quanh Sài Gòn – Chợ Lớn, mở rộng ra đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Thực dân Pháp đẩy mạnh tiến hành công cuộc “bình định”, lập ra bộ máy cai trị ở những vùng chúng chiếm đóng.
Vì thời gian chuẩn bị gấp, lại phải đương đầu với một đội quân xâm lược đông đảo, nhà nghề, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, nên lực lượng vũ trang Việt Nam gặp khó khăn. Trong tình hình đó, cuối tháng 10-1945, Hội nghị Xứ uỷ Nam Bộ mở rộng được triệu tập. Hội nghị tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm và đề ra đường lối, phương hướng giải quyết những vấn đề cấp bách, đặt trọng tâm chỉnh đốn tổ chức, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tiến hành xây dựng cơ sở bí mật trong những vùng địch kiểm soát; khôi phục lại chính quyền cách mạng ở những nơi bị tan vỡ. Chấp hành chủ trương trên, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nhiều cán bộ, đảng lên trung kiên kiên trì bám sát quần chúng, gây dựng lại cơ sở chính trị và vũ trang, nhằm nhanh chóng đưa phong trào cách mạng phát triển.
“Đồng cam, cộng khổ” với đồng bào Nam Bộ “đi trước, về sau”, Trung ương Đảng, Chính phủ phát động phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến; đồng thời, tích cực chuẩn bị đối phó với tình huống chiến tranh lan rộng ra cả nước. Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ…“Thà chết tự do hơn sống nô lệ”“7.
Hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ Nam Bộ kháng chiến, hàng vạn thanh niên miền Bắc hăng hái lên đường nhập ngũ. Hầu hết các tỉnh ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều thành lập các chi đội (tương đương một tiểu đoàn hoặc một trung đoàn) gửi vào Nam sát cánh chiến đấu cùng đồng bào Nam Bộ. Những cán bộ, chiến sĩ hăng hái, có tinh thần và ít nhiều kinh nghiệm chiến đấu đều lên đường ra trận. Vũ khí, trang bị tốt nhất đều dành cho bộ đội Nam tiến. Nhân dân miền Bắc tổ chức vận động quyên góp tiền bạc, quần áo, thuốc men… ủng hộ đồng bào Nam Bộ. Trong lúc đó, tại miền Bắc, Trung ương Đảng chủ trương hoà hoãn với quân Tưởng để tránh cùng một lúc phải đương đầu với nhiều kẻ thù. Tránh xung đột, giao thiệp thân thiện, đấu tranh khôn khéo, Đảng, Chính phủ tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình tập hợp hàng ngàn người biểu dương lực lượng, nêu cao các khẩu hiệu: “Nước Việt Nam của người Việt Nam!”, “Ủng hộ Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà!”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh!”…
Không công khai gây xung đột, song chỉ đạo chống phá từ bên trong, quân Tưởng yêu sách cải tổ chính phủ, gạt đảng viên cộng sản khỏi chính quyền… Để hạn chế sự chống phá của quân Tưởng, Chính phủ ta chủ trương “hòa để tiến”, nhượng bộ một số quyền lợi8. Nhưng đối với các tổ chức phản động, tay sai của Tưởng (Việt Quốc, Việt Cách), chính quyền dựa vào quần chúng cách mạng kiên quyết vạch trần âm mưu và hành động chia rẽ, phá hoại của chúng. Những tên cầm đầu phá hoại khi ta có đủ bằng chứng đều bị trừng trị theo pháp luật. Chính quyền cách mạng kiên quyết ban hành nhiều sắc lệnh nhằm giải tán các tổ chức phản động tay sai của phát xít Nhật trước đây (như Đại Việt Quốc gia xã hội Đảng, Đại Việt Quốc dân Đảng), lập toà án quân sự để xét xử các phần tử phản động…
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.