Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

2. Lịch sử của tiếng Việt có thể chia ra làm năm thời kỳ, mỗi thời kỳ có mỗi đặc tánh.

1) Thời tối cổ : Tiếng Việt trong hồi sơ sinh, chưa chịu ảnh hưởng nặng nề của tiếng Tàu (thế kỷ III trước J.C.).

2) Thời thượng cổ : Tiếng Tàu tràn nhập thành tiếng Hán-Việt (đến thế kỷ X).

3) Thời trung cổ : Tiếng Hán Việt bị đồng hóa và thành tiếng lai (đến thế kỷ XV).

4) Thời cận kim : Tiếng Việt mượn thêm ở tiếng Chàm, Miên, Pháp (đến thế kỷ XX).

5) Thời kỳ hiện đại (từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhứt).

a) Tiếng Việt ở thời tối cổ

3. Đất Việt Nam nằm giữa hai khối dân lớn là Tàu và Ấn, trên ven bể là đường di cư của những bộ lạc ở các quần đảo Thái Bình Dương. Lại lúc ban đầu, cả bán đảo Ấn Độ Chi Na, Tây Tạng và miền nam xứ Tàu là vùng xê dịch của những bộ lạc thuộc về dòng Thái. Khi giống người Việt còn là một nước chư hầu ở bờ sông Dương Tử bên Tàu, chưa bị người phương bắc diệt quốc nên phải chạy lánh nạn ở bờ sông Nhĩ Hà, thì trên cõi đất hiện nay ta gọi là Việt Nam, đã có ba khối dân mà về sau nầy sẽ lập ba nước nhỏ : phía nam người Thủy Chân Lạp, ở giữa người Lâm Ấp, phía bắc người Giao Chỉ.

Chính là tiếng nói của người Giao Chỉ nầy, sau lắm sự biến đổi, thành ra tiếng Việt Nam ngày nay, nhờ lấn át được các thổ âm khác. Ngày nay, ở nhiều chỗ hẻo lánh, hãy còn sót lại những thổ âm ấy. Nhưng suốt cả, ở đâu người ta đều nói chung tiếng Việt.

4. Sử cũ nước Tàu có chép : « Đời vua Nghiêu có người nước Việt Thường sang dâng rùa », lại cũng có chép : « Về đời thượng cổ, năm tân mão đời vua Thành Vương nhà Chu (1109 trước J.C.) có nước Việt Thường ở phía nam Giao Chỉ sai sứ đem chim bạch trĩ sang cống. Phải thông dịch ba lần mới hiểu được tiếng nhau ». Thế là tiếng nói của người Việt Thường nầy không phải là tiếng Tàu, vì một điều mà các nhà sử học đã chắc chắn là tiếng Tàu hồi xưa nhất thống, chỉ bắt đầu nói trại ra và có phương ngữ từ đời nhà Đường mà thôi. Lại người Việt Thường lúc ấy cũng không có chung một văn-tự với chữ Tàu, bằng nếu có, thì họ đã dùng lối « bút đàm », viết ra mà nói chuyện với nhau rồi.

5. Những tiếng của thời nầy còn sót lại như bố, cái… thường giống với tiếng Mường, – người Mường ấy là người Việt Thường ít chịu ảnh hưởng của Tàu hơn hết – giống với tiếng Lào, tức là những loại tiếng thuộc về dòng Thái. Vả lại cú pháp cũng in hệt với nhau. Những bằng cớ ấy tỏ rằng về thượng cổ, dân tộc Việt Nam đã từng có một thứ tiếng riêng, cùng dòng với các tiếng Thái, khác hẳn với tiếng Tàu.

b) Tiếng Việt ở thời thượng cổ (từ người Việt kéo sang đến thời bị Tàu đô hộ)

6. Người Việt xưa ở miền hạ lưu sông Dương Tử và đã từng là một nước chư hầu mạnh ở đời Xuân Thu. Sau bị nước Sở đánh đuổi, nước Việt tan rã, giống Bách Việt chạy tứ tán, thì một bộ lạc kia noi theo chim Lạc mùa thu trốn lạnh, mà hướng về phương nam. Thế nên họ thờ chim ấy làm vật tô tem và tự xưng mình là Lạc Việt, hoặc là dòng Hồng Lạc. Đến hạ lưu sông Nhĩ Hà, họ chen lộn, cùng sống với thổ dân đã ở sẵn trước nơi đó. Họ tiến bộ hơn người bản xứ, có tổ chức và kỹ thuật hơn, thiện chiến hơn, nên chẳng bao lâu, bộ lạc họ cầm đầu được tất cả.

Tuy nắm được quyền chính trị, song vì họ là thiểu số, và nhứt là bởi vì tiếng Thái dễ phổ cập hơn tiếng Tàu, mà lần lượt, họ bị đồng hóa theo người bản xứ, nhiễm theo phong tục và nói tiếng của số đông. Tuy vậy, họ đã mang theo nhiều tiếng mới. Và đó là lần thứ nhứt, mà tiếng Tàu tràn nhập vào tiếng Ta vậy.

7. Về sau, trải hơn ngàn năm – thỉnh thoảng bị các cuộc khởi nghĩa gián đoạn – nước Tàu đến đô hộ. Trước thì họ cho quan quân sang cai trị, dùng tiếng Tàu làm tiếng quan dụng. Kế đó họ cho đày một mớ tội nhơn đi rải rác các nơi ở xen lộn với người bản xứ. Sau lại có một hạng dân Tàu, vì không chịu được chế độ chính trị nước họ, như là người theo nhà Hán thì không phục Vương Mãng, Tào Tháo, nhà Tấn… hoặc vì chịu không nổi sự loạn lạc khổ sở trong lúc nhà Hán sụp đổ, nên đưa cả gia quyến tránh sang, nhập tịch ở Giao Châu.

Những người nầy đã đem rất nhiều tiếng mới về chính trị, học thuật, công nghệ qua đất nầy và cũng bành trướng trong dân gian lối học bắt chước giống y theo lối học bên Tàu. Những tiếng Tàu được mang sang đây đều đọc theo giọng thời đó. Vì vậy mà ta gọi là tiếng Hán Việt.

8. Đáng chú ý nhứt là trong đời Tam Quốc, cả nước Tàu loạn lạc không dứt, ở Giao Châu nhờ có Sĩ Nhiếp làm thái thú, khéo cai trị, nên được yên ổn. Các danh sĩ ở cõi bắc lánh sang đó rất đông, đem theo các học thuyết mà truyền bá : đạo Nho, đạo Lão, đạo Phật. Tất nhiên là bằng tiếng Tàu, chữ Hán.

Trên thì các quan cố gắng chú giải các kinh sách, mở trường và khuyến khích Hán học, dưới thì các danh sĩ nầy chia nhau lẫn lộn vào dân gian mà truyền bá tiếng Tàu, chữ Hán. Nhưng bao nhiêu sự cố gắng ấy – mà lắm nơi đã thừa sức đồng hóa được dân bị trị – lại không thể lấn át được cú pháp của người bản xứ. Và kết quả chỉ là làm cho tiếng Việt 1 giàu thêm, bằng cách mượn các danh từ mà giữ nguyên được bản sắc.

9. Khoảng đời Sĩ Nhiếp, còn có việc sáng tạo chữ nôm là một vật liệu đáng kể là quý của kho Việt văn sau nầy. Thuở trước, có lẽ ta có chữ viết riêng cũng như ta đã có tiếng nói riêng. Người Mường ít chịu ảnh hưởng của Tàu đã giữ được văn tự của họ cho đến ngày nay. Nếu ta đưa cái giả thuyết, rằng ta với Mường chỉ một dòng giống và chữ viết Mường ngày nay tức là văn tự của ta ngày xưa, thì giả thuyết ấy cũng có thể đứng vững được.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x