Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

CHƯƠNG II : VĂN-CHƯƠNG TRUYỀN-KHẨU – Chuyện cổ tích

Nghiên-cứu chuyện cổ tích với mục-đích tìm hiểu nền tư-tưởng riêng biệt của dân-tộc chúng ta ở đời thượng cổ, là thời chưa bị ảnh-hưởng của Trung-hoa và Ấn-độ, chúng ta cũng cần phải theo cùng một phương-pháp như đã dùng đối với ca-dao. Ấy là ước-định tính-cách cho những chuyện nào phát-xuất hồi gần đây, chuyện nào ở thời trung-cổ, chuyện nào đã chịu ảnh-hưởng của Nho, của Lão, của Phật và chuyện nào còn thuần-tuý là của ta.

Đó là một công việc sửa-soạn mà khi sửa-soạn xong thì chúng ta đã đạt tới chín phần mười mục-đích.

Tuy nhiên, cũng như ca-dao, chuyện cổ tích mà đời nọ kể cho đời kia nghe, truyền lại cho đến chúng ta cũng đã có nhiều thêm thắt lắm. Nếu dựa theo một cách cứng dắn vào quá-trình phát-triển của ca-dao để nói rằng những chuyện cổ nào có kèm câu thơ lục bát, tứ-tuyệt, đường-luật v.v… đều không phải phát-xuất ở đời thượng-cổ thì không đúng. Ta cần phải tước bỏ phần văn-hoá mà ta đoán là đã được thêm vào về sau, còn giữ lại phần nội-dung của câu chuyện thì mới là phải lẽ.

Rồi trong phần nội-dung ấy ta mới đi tìm những tính-cách nào là không thể có được ở thời thượng-cổ.

Theo sự phỏng-đoán của chúng tôi thì đó là những tính-cách này :

1. Không có việc đi học, đi thi không có thầy đồ, học trò, báo ân, báo oán về thi cử và không có khuyến học.

2. Không có nhà chùa, nhà sư, ông bụt và quan-niệm luân hồi, nhân quả.

3. Không có thầy cúng, phù thuỷ, thầy bói, địa-lý.

4. Không có sứ Tàu, Trạng lỡm.

5. Không có chơi tổ-tôm, chơi cờ, quán ăn

6. Không có nông-cụ canh-tiến như cày bừa, cào, không có công-cụ như cưa đục, không có dụng-cụ như cái vạc, cái bào

7. Không có thơ chải-chuốt với niêm-luật gọn gàng.

8. Không có thằng mõ, tư-văn, ông Chánh, ông Xã

Dùng những tính-cách này để lựa lọc những chuyện cổ do cụ Ôn-Như Nguyễn-văn-Ngọc đã dầy công sưu-tập lại 6 cùng với những chuyện truyền khẩu khác ai cũng đã biết, chúng ta đã có được chừng 30 chuyện, sắp đặt theo loại như sau đây :

1. Quan-niệm siêu-hình về số phận, ông trời và các vị thần linh.

2. Quan-niệm về vũ-trụ.

3. Quan-niệm về trật-tự xã-hội : Ông quan cùng cách xử án.4. Quan-niệm về đời sống thực-tiễn.

5. Quan-niệm về con người liêm-khiết và gian-xảo.

6. Quan-niệm về tình vợ chồng.

7. Quan-niệm về cái cười.

Nay chúng ta xét từng mục một :

QUAN-NIỆM SIÊU-HÌNH

Ông Nghiêm Toản trong sách Văn-học sử trích-yếu, có dẫn một đoạn văn của giáo-sư Trần-văn-Khang 7 như sau đây :

1. Cảnh-tượng đất Giao-Chỉ

…Phát-sinh xứ của nòi giống ta hồi sơ-khai là một phần đất hà-khẩu của hai con sông Hồng-Hà và Thái-Bình, phù-sa bồi chưa toàn-mãn nên nước còn lai-láng nhiều nơi, ngày ngày theo thuỷ-triều lên xuống. Lại nhân ở vào nhiệt-đới, đất đã mầu mỡ lại nắng to mưa nhiều, nên thảo-mộc rất phồn-thịnh, đa, đề, tre, mương, cỏ gianh, lau, xậy… mọc um-tùm khắp nơi.

Ruộng, vườn, làng-mạc hồi bấy giờ tuy đã mở mang khắp trong nước ; song trong một thời-gian rất lâu, hoang-lâm hãy còn chiếm một phần lớn diện-tích nước nhà làm sào-huyệt cho các giống hổ báo, rắn rết, lợn rừng, voi, tê-giác. Còn các sông ngòi, kênh, lạch của ta thì thời bấy giờ ngoài các loài tôm cá, ngày nay vẫn có, lại còn lắm lắm những thuồng luồng và cá sấu.

2. Ảnh-cảm của đất Giao-Chỉ

Sinh trưởng ở một xứ lắm ao chuôm, hồ, đầm nhiều sông lớn, sông con, ngòi lạch, ở một xứ nước nhiều có lẽ hơn đất ; nòi giống Việt-Nam ta lâu ngày thành ra một « lưỡng-thê-chủng » về sau này chỉ hưng-thịnh được ở những đất ẩm thấp mà không ưa sinh-hoạt ở các cao-nguyên cao ráo.

Vì ở nước ta sinh-trưởng lực của thảo mộc rất xung-dật, hễ cây cỏ này chết đi hoá đất mùn thì cây cỏ khác lại do ngay ở đất mùn đó tiếp tục mọc lên ngay, nên ta mới có cái cảm-tưởng là linh-hồn bất diệt, nên ta mới có cái tín-nhiệm về thoát-sinh luân-hồi. Lại cũng vì cái sinh lực quá mạnh đó, cũng vì rừng rú phá đi, cây cỏ bốc lại, thường bạo phát hơn xưa, nên chúng ta mới nhận thấy nhân-lực không tài nào thắng thiên-lực, mà thiên về mệnh thuyết, rồi thành ra ít hoạt-động.

Sau hết vì ở phát-sinh xứ của ta, trong khối nước mênh-mông cũng như trong thâm lâm rải rác khắp nước, chỗ nào cũng lắm lắm man-lực cừu thị, nên ngoài các thiên-lực phong-thần mà thờ phụng y như muôn vàn các dân-tộc khác, tổ tiên ta lại còn tưởng-tượng ra lắm các vị lâm thần và thuỷ thần, ngày nay ta hãy còn thấy trong dân-chúng sùng-bái thường lại hơn các vị thiên thần và thổ thần nữa.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x