
Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Phần I – Di Sản Phương Đông Tập 1 – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Phần I – Di Sản Phương Đông Tập 1 của tác giả Will Durant mời bạn thưởng thức.
CHƯƠNG II. CÁC YẾU TỐ CỦA NỀN VĂN MINH
Theo một nghĩa quan trọng thì “người man rợ” cũng là người văn minh, vì anh ta đã cẩn thận bàn giao lại cho con cháu di sản của bộ lạc – một phức thể gồm những phong tục tập quán và những thể chế về kinh tế, chính trị, tinh thần, luân lý mà bộ lạc đã phát triển để cố gắng để duy trì sự tồn tại của nó trên trái đất, và hưởng thụ cảnh trần gian. Không thể có tinh thần khoa học ở đây; vì nếu gọi những người đó là “man rợ” hay “hoang dã” thì có thể chúng ta không trình bày một sự kiện khách quan, mà chỉ là do chúng ta yêu bản thân quá mức và cảm thấy rụt rè e ngại trước sự hiện diện của những phương thức xa lạ. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đã đánh giá quá thấp những con người chất phác đó, những người có thể dạy cho chúng ta về lòng hiếu khách và đạo đức. Nếu liệt kê những nền tảng và thể chế của nền văn minh ra, chúng ta sẽ thấy rằng những xứ sở lõa thể đó đã phát minh ra, hoặc đã đạt đến, tất cả mọi điều mà chúng ta không thể thêm vào một thứ gì ngoài việc tô điểm và chữ viết. Có thể là những dân tộc đó đã từng có một nền văn minh, và họ từ bỏ nền văn minh đó vì thấy phiền toái. Chúng ta phải dè dặt khi sử dụng các thuật ngữ “man rợ” hay “hoang dã” khi ám chỉ đến “tổ tiên đồng thời” của chúng ta. Tốt nhất là ta nên dùng từ “nguyên thủy” để gọi tất cả những bộ lạc không có hoặc có rất ít thức ăn dự trữ trong những ngày thiếu thốn, và không sử dụng hoặc rất ít sử dụng chữ viết. Trái lại, người văn minh có thể được định nghĩa như là những nhà cung cấp thực phẩm biết chữ nghĩa.
I. TỪ SĂN BẮN ĐẾN CANH TÁC
Sự hoang phí của người nguyên thủy – Bắt đầu tích trữ – Săn bắn và đánh cá – Chăn nuôi – Thuần hóa thú vật – Nông nghiệp – Thức ăn – Nấu nướng – Ăn thịt
“Ngày ăn ba bữa là một thể chế xã hội cao cấp. Người man dã hoặc nhồi nhét cho đầy bụng hoặc phải nhịn đói”. Các bộ lạc hoang dã của người da đỏ châu Mỹ xem việc tích trữ lương thực cho ngày mai là hành động hèn nhát và không thích đáng.3 Thổ dân châu Úc không thể lao động nếu không có ngay kết quả; mỗi người Hottentot là quý ông về thói nhàn tản; còn đối với người Bushman của châu Phi thì luôn là “hoặc ăn uống phủ phê hoặc chết đói”. Trong thói hoang phí có tiềm ẩn sự minh triết, như ta thấy trong những cách thức “man dã”. Giây phút mà con người bắt đầu lo nghĩ đến ngày mai là anh ta đã đi ra khỏi Vườn Địa đàng, để đi vào thung lũng của lo toan phiền muộn. Gương mặt anh ta sẽ khoác vẻ lo âu, cơn đói sẽ trở nên dữ dội, sự nghèo khó sẽ bắt đầu, và vẻ “hồn nhiên vô tư” sẽ biến mất. Ngày nay, người dân da đen châu Mỹ đang thực hiện sự chuyển giao này. Peary hỏi một người hướng dẫn Eskimo “Bạn đang nghĩ gì vậy?” Và câu trả lời là: “Tôi không phải suy nghĩ điều gì cả, vì tôi đã có nhiều thịt lắm rồi”. Không suy nghĩ điều gì, trừ phi bị bắt buộc, đó là bản tóm tắt sự minh triết.
Tuy nhiên, trong thói cẩu thả này vẫn có những khó khăn, và những sinh vật nào vượt bỏ được điều đó sẽ chiếm ưu thế quan trọng trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Con chó nào biết chôn khúc xương mà ngay cả loài thú ăn thịt cũng không thèm để mũi đến, con sóc nào biết gom góp tích trữ hạt dẻ sau khi ăn no nê thừa mứa, con ong nào biết chứa mật đầy tổ, con kiến nào biết để dành thức ăn cho những ngày mưa, thì những con vật đó đều là những kẻ đầu tiên sáng tạo nên nền văn minh. Chính chúng, hoặc những sinh vật thông minh như chúng, đã dạy cho tổ tiên chúng ta nghệ thuật dành dụm thức ăn cho ngày mai từ nguồn thức ăn dư thừa hôm nay, và chuẩn bị cho mùa đông từ những ngày hè dồi dào thức ăn.
Tổ tiên chúng ta đã tài tình biết mấy khi tìm tòi nguồn thức ăn, từ đất liền và biển, làm nền tảng cho những xã hội đơn giản của họ. Họ dùng bàn tay trần để đào bới những thứ ăn được từ lòng đất; họ bắt chước hoặc sử dụng móng vuốt của loài thú, để tạo ra những công cụ từ ngà, xương hay đá; họ dệt lưới, đan bẫy và nghĩ ra đủ cách để bắt cá, săn mồi. Người Polynesians có những tấm lưới dài hàng ngàn ell mà phải cả trăm người mới sử dụng nổi; như thế đó, việc cung cấp về kinh tế phát triển song đôi với tổ chức chính trị, và yêu cầu hợp nhất về thức ăn đã khai sinh ra nhà nước. Ngư dân Tlingit đội trên đầu họ cái mũ giống như đầu con hải cẩu, rồi ẩn nấp dọc theo các rặng đá, giả tiếng hải cẩu kêu để dụ hải cẩu đến gần, rồi dùng lao đâm chúng với một tâm thức hồn nhiên trong sạch của cuộc chiến tranh thời nguyên thủy. Nhiều bộ lạc đã phối hợp với ngư dân bằng cách rải thuốc mê xuống các dòng suối để làm cho loài cá mụ mẫm đi; người dân đảo Tahiti chẳng hạn, dùng hỗn hợp gây mê chế từ hạt huteo hoặc cây hora, khi loài cá uống phải thuốc này sẽ nổi lờ đờ trên mặt nước, và ngư dân tha hồ mà bắt. Các thổ dân châu Úc, dùng ống lau sậy lặn dưới nước để kéo chân các con vịt cho đến khi chúng chết hẳn. Người dân Tarahumaras bắt chim bằng cách dùng dây buộc các hạt, chôn một nửa dưới đất để nhử chim; chim ăn hạt, còn người Tarahumaras ăn chim.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.