Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Phần X – Rousseau và Cách Mạng Tập 3 của tác giả Will Durant mời bạn thưởng thức.

II. Xây dựng lại nước Phổ

Không nhà cai trị nào trong lịch sử từng làm việc quá vất vả cho công việc của mình, có lẽ ngoại trừ đồ đệ của ông là Joseph II của nước Áo. Frederick tự khép mình vào kỷ luật cũng như ông đã làm đối với đạo quân của mình. Ông thường ngủ dậy lúc năm giờ, đôi khi bốn giờ, làm việc cho đến bảy giờ, ăn điểm tâm, bàn bạc với các sĩ quan phụ tá cho đến 11 giờ, duyệt đội vệ binh hoàng cung, ăn trưa với các bộ trưởng và đại sứ, làm việc đến năm giờ, và chỉ đến lúc ấy ông mới thư giãn bằng âm nhạc, văn chương, hoặc đàm đạo. Những bữa ăn “nửa đêm”, sau chiến tranh, bắt đầu vào lúc 9:30, và chấm dứt lúc 12:00. Ông không cho phép những mối quan hệ gia đình nào làm ông xao lãng, những buổi lễ lạt nào trong triều đè nặng lên ông, những ngày nghỉ lễ tôn giáo nào làm gián đoạn công việc khó nhọc của ông. Ông theo dõi công việc của các bộ trưởng mình, ra lệnh cho hầu hết mọi biện pháp trong việc thi hành chính sách, để mắt đến ngân khố; và đối với toàn bộ chính phủ ông thiết lập một Văn phòng Công quỹ, hay vụ kế toán, có quyền xem xét bất cứ bộ nào vào bất cứ thời gian nào, và có nhiệm vụ báo cáo bất cứ sự nghi ngờ nào đối với những sự sai trái. Ông trừng phạt sự lạm quyền hoặc thiếu khả năng thật nghiêm khắc khiến cho nạn tham nhũng của các viên chức, vốn tràn lan trên khắp những nơi khác tại châu Âu, hầu như biến mất tại Phổ.

Ông lấy làm hãnh diện về việc này, và về sự phục hồi nhanh chóng của đất nước bị tàn phá của ông. Ông bắt đầu với những chính sách tiết kiệm trong nước khiến ông hứng chịu những lời chế giễu từ các triều đình tiêu xài hoang toàng của các nước bại trận như Áo và Pháp. Hoàng gia được quản lý một cách đạm bạc như nhà của một thương gia. Tủ áo của ông có một bộ đồng phục của lính, ba chiếc áo khoác cũ, những chiếc gi-lê bị vấy bẩn vì hoa đèn, và một bộ lễ phục mà ông dùng cả đời. Ông giải tán đám tùy tùng của cha ông gồm những người thợ săn và bầy chó săn; người chiến binh này thích thi ca hơn săn bắn. Ông không xây dựng lực lượng hải quân, không đi tìm thuộc địa. Các quan lại của ông được trả lương ít ỏi, và ông áp dụng tính keo kiệt tương tự cho cái triều đình khiêm tốn mà ông duy trì ở Berlin, trong khi ông đóng ở Potsdam. Thế nhưng Công tước Chesterfield đánh giá nó là “triều đình lịch sự nhất, xuất sắc nhất, hữu ích nhất tại châu Âu cho một thanh niên muốn phục vụ,” và nói thêm, “Bạn sẽ thấy những thủ đoạn và sự khôn ngoan của chính quyền trong quốc gia ấy giờ đây (1752) tốt hơn là trong bất cứ nơi nào khác tại châu Âu.” Tuy nhiên, 20 năm sau, Lord Malmesbury, vị công sứ Anh tại Phổ, có lẽ với chủ ý an ủi London, đã báo cáo rằng “trong thủ đô ấy [Berlin] không có lấy một người đàn ông lương thiện hay một người đàn bà trong trắng.”

Đối với những việc liên quan đến quốc phòng, Frederick không còn hà tiện. Qua thuyết phục cũng như cưỡng bách tòng quân, chẳng bao lâu ông đã phục hồi sức mạnh đạo quân của mình như thời trước chiến tranh; chỉ với vũ khí ấy trong tay ông mới có thể duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Phổ chống lại những tham vọng của Joseph II và Catherine II. Đạo quân ấy cũng củng cố cho những luật lệ vốn mang lại trật tự và sự ổn định cho đời sống nước Phổ. Ông cảm thấy sức mạnh trung ương được tổ chức là sự lựa chọn duy nhất để chống lại sức mạnh không được tổ chức và mang tính phá hoại trong những bàn tay của tư nhân. Ông hy vọng, thông qua tập tính lâu ngày, sự vâng lời do phải sợ sức mạnh sẽ phát triển thành sự phục tùng luật pháp – vốn là sức mạnh bị giảm xuống thành những luật lệ trong khi giấu đi những móng vuốt của nó.

Ông lại ra lệnh cho các nhà lập pháp soạn thảo thành một hệ thống luật pháp – “một Allgemeine Preussische Landrecht” (Luật đất đai tổng quát của nước Phổ) – những luật lệ khác biệt và mâu thuẫn của nhiều tỉnh và nhiều thế hệ. Công việc này bị ngưng lại bởi cái chết của Samuel von Cocceji (1755) và bởi chiến tranh, đã được tiếp tục bởi Tể tướng Johann von Carmer và Ủy viên Hội đồng cơ mật K.G. Svarez, và hoàn tất vào năm 1791. Bộ luật mới công nhận chế độ phong kiến và chế độ nông nô, nhưng trong những giới hạn ấy nó tìm cách bảo vệ cá nhân chống lại sự áp chế của tư nhân hoặc nhà nước, và sự bất công. Nó bãi bỏ những tòa án dư thừa, giảm bớt và đẩy nhanh thủ tục pháp lý, giảm nhẹ các hình phạt, và nâng cao các yêu cầu trong việc bổ nhiệm các quan tòa. Không bản án tử hình nào có thể được thi hành mà không có sự phê chuẩn của Nhà Vua, và tất cả mọi người được quyền kháng cáo lên Nhà Vua. Ông được tiếng xét xử nghiêm minh, và chẳng mấy chốc các tòa án ở Phổ được công nhận là công minh và hiệu quả nhất châu Âu.

Năm 1763 Frederick ban hành một “Generallandschul-reglement” (Quy định chung về giáo dục), xác nhận và mở rộng chính sách cưỡng bách giáo dục được cha ông công bố vào các năm 1716-1717. Mọi trẻ em Phổ từ 5 đến 14 tuổi đều phải đến trường. Điều đặc biệt đối với Frederick là tiếng Latinh bị loại khỏi chương trình mẫu giáo, các binh sĩ già được bổ nhiệm làm thầy giáo, và phần lớn việc học tập là rèn luyện bán quân sự. Nhà Vua nói thêm: “Việc các thầy giáo trong nước dạy cho trẻ em tôn giáo và đạo đức là điều tốt… Dân chúng trong nước chỉ cần học đọc và viết chút đỉnh cũng đủ… Việc giáo dục phải được lập kế hoạch… để giữ cho họ ở lại trong các ngôi làng chứ không phải khuyến khích họ bỏ đi.”

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x