
Lịch Sử Việt Nam 1 – Từ Khởi Thuỷ Đến Thế Kỷ X – Đọc Sách Online Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
VIỆT NAM THỜI KỲ NGUYÊN THỦY
I. DÂU TÍCH NGƯỜI VƯỢN Ở VIỆT NAM
Trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại, con người còn mang những đặc tính giống như loài vượn. Vì thế mà giới Cổ sinh học thường gọi người tiền sử là Người vượn. Các nhà khoa học cho biết Người vượn sống cách ngày nay 30 – 40 vạn năm đến 2 triệu năm. Năm 1891, các nhà khoa học phát hiện Người vượn Giava (Inđônêxia) (Pithecanthropus Erectus – Người đứng thẳng) sống cách ngày nay khoảng 80 vạn năm. Năm 1927, Người vượn ở Chu Khẩu Điếm, cách Bắc Kinh 18 km nên gọi là Người vượn Bắc Kinh (Sinanthropus Pekinensis) được phát hiện. Người đứng thẳng Bắc Kinh có niên đại tuyệt đối là 40 vạn năm¹.
Vậy ở Việt Nam, Người vượn xuất hiện từ bao giờ? Các nhà khoa học liên ngành đã cùng phối hợp nghiên cứu vấn đề đó. Kết quả cho thấy bức màn bí ẩn cổ xưa đang dần dần được làm sáng tỏ.
Việc phát hiện một số di tích mà tiêu biểu là Núi Đọ vào cuối năm 1960, đã xuất lộ những công cụ đá thô sơ đầu tiên của con người. Các nhà Khảo cổ học Việt Nam cùng với GS. P.I.Boriskovski đã nghiên cứu và chứng minh rằng ở Núi Đọ từng tồn tại một nền văn hóa sơ kỳ thời đại đá cũ².
Theo xác định của các nhà khoa học, tọa độ địa lý của Núi Đọ là 19° 51′ 16″ độ vĩ Bắc và 105° 43′ 35″ độ kinh Đông.
Di tích Núi Đọ thuộc địa phận hai xã Thiệu Tân và Thiệu Khánh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Núi Đọ là một quả núi thấp, sườn núi dốc thoai thoải từ 20° đến 25°, cao 158 m so với mặt nước biển, nằm ngay bên bờ hữu ngạn sông Chu; chỗ hợp lưu của hai dòng sông Mã và sông Chu (cách Thành phố Thanh Hóa 7 km về phía bắc – tây bắc).
Đá núi thuộc loại đá bazan, màu xanh xám, cứng, rất khó ghẻ. Nhưng khi đá được ghè vỡ lại tạo ra những cạnh khá sắc. Người vượn đến đó dùng đá ghè vỡ đá núi để chế tác công cụ. Những mảnh vỡ gọi là mảnh tước (Clăctơn) còn lại vô số, “chiếm… (95%) số di vật mà người ta đã tìm thấy” trên sườn phía đông và tây nam, ở độ cao khoảng 30 m đến 40 m của Núi Đọ. Những mảnh tước này chính là những công cụ thô sơ đầu tiên của Người vượn dùng để cắt hay nạo.
Hiện các nhà Khảo cổ còn tìm được nhiều hạch đá (hòn đá dùng để ghè tạo ra mảnh tước); trốp pơ (chopper) công cụ đá được ghè đẽo qua loa, tạo nên rìa lưỡi dày, làm công cụ chặt thổ và 8 chiếc rìu tay – công cụ sắc bén nhất của Người Núi Đọ. Rìu tay được ghè đẽo nhiều nhát hơn ở cả hai mặt, một đầu gần nhọn tạo thành lưỡi, một đầu tròn làm đốc cầm.
Riu tay dùng để cắt, chặt. Những công cụ Núi Đọ về mặt kỹ thuật chế tác so với nhiều nơi trên thế giới ở vào trình độ thấp thuộc giai đoạn sơ kỳ thời đại đá cũ; niên đại cách ngày nay khoảng 30 vạn năm. Công cụ Núi Đọ đã giúp ích đắc lực cho cuộc sống hái lượm, săn bắt của Người vượn. Mảnh tước để cắt thịt, nạo thịt, cắt củ, cắt dây. Rìu để chặt cây, chặt thịt, xương, săn thủ rừng. Đá núi để đập củ quả, săn thú…. Đấy là cách kiếm sống sơ khai nhất trong lịch sử loài người.
Cách Núi Đọ khoảng 3 km đường chim bay là núi Quan Yên, thuộc địa phận hợp tác xã Định Công, huyện Thiệu Yên; nơi hợp lưu của sông Mã và sông Cầu Chày. Cách Núi Đọ 3,5 km về phía tây là Núi Nuông, thuộc địa phận hợp tác xã Định Thành, xã Công Thành, huyện Thiệu Yên, Thanh Hóa. Đây cũng là những núi đá bazan thấp. Các nhà Khảo cổ học đã tìm thấy ở núi Quan Yên và Núi Nuông những công cụ đá như công cụ chặt thô, mảnh tước, hạch đá, rìu tay, giống như trên Núi Đọ. Những công cụ đó được đoán định có thể cùng một niên đại sơ kỳ đá cũ.
Người nguyên thủy ở Núi Đọ, Quan Yên và Núi Nuông chủ yếu sống bằng hái lượm và săn bắt. Những công cụ đá dẫu rằng còn thô sơ trên cũng đã giúp ích rất nhiều cho cuộc sống còn hoang dã, nhiều thử thách đối với họ.
Các địa điểm di tích ở miền Đông Nam Bộ gồm Xuân Lộc, Hàng Gòn VI và Dầu Giây được nhà địa chất người Pháp tên là E.Saurin phát hiện vào những năm 1968-1971. Từ năm 1975 đến nay, chúng ta đã phát hiện trên 14 địa điểm thuộc các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, Tân Phú tỉnh Đồng Nai; An Lộc thuộc Bình Phước. Trong đó, Xuân Lộc được coi là địa điểm tiêu biểu cho thời đại đá cũ ở Nam Bộ.
Những công cụ tìm thấy gồm có 4 rìu tay, 2 mũi nhọn, 3 công cụ hình rìu, 2 nạo, 3 hạch đá (đá hòn tự nhiên), 5 mảnh tước. Các công cụ chặt có hình hạnh nhân, rìu lưỡi được tu chỉnh cẩn thận do ghè đèo ở cả hai mặt, được tìm thấy ở Hàng Gòn VI hay Gia Tân. Chúng đều được làm từ đá bazan (basalt) và đều được tìm thấy đơn lẻ, tản mạn, bên ngoài địa tầng xác định.
Nhóm công cụ đó như rìu tay, công cụ hình rìu và một số công cụ đa diện rất gần gũi với những công cụ ở Núi Đọ. Tuy nhiên “về mặt kỹ thuật có thể thấy những yếu tố tiến bộ hơn Núi Đọ, những rìu tay định hình hơn…”‘. Niên đại của chúng có thể đoán định khoảng 250.000 – 300.000 năm cách ngày nay. Chủ nhân của chúng “có thể là một nhóm người tối cổ đã phát triển”².
Nhìn chung, với một số ít di tích được phát hiện, nghiên cứu thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, nên chưa thể khẳng định được gì nhiều và chắc chắn về thời đại đá cũ và con người – chủ nhân của nơi đây. Trong tương lai với những thành tựu khoa học liên ngành sẽ giúp chúng ta hiểu biết đầy đủ hơn về mảnh đất và con người Nam Bộ.
Năm 2000, các nhà Khảo cổ học phát hiện các di vật chế tác thời đá cũ trên tầng nền Tectit ở Sa Thầy thuộc địa bàn Kon Tum.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.