Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

VIỆT NAM TỪ THÀNH LẬP NỀN DÂN CHỦ CỘNG HÒA ĐẾN KÝ HIỆP ĐỊNH SƠ BỘ VIỆT – PHÁP (9-1945-3-1946)

I. NÊN ĐỘC LẬP CÓ NGUY CƠ BỊ PHÁ HOẠI, NAM BỘ VÀ NAM TRUNG BỘ KHÁNG CHIẾN
1. Tình hình Việt Nam ngay sau khi giành độc lập

Tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, ngày 2-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bản Tuyên ngôn khẳng định:
…“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên bố độc lập, nhưng nền độc lập của Việt Nam chưa được quốc gia nào công nhận. Đây là vấn đề rất hệ trọng liên quan đến toàn bộ cục diện phát triển của đất nước. Bối cảnh quốc tế và trong nước vào thời điểm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã có những thay đổi cơ bản so với trước. Công cuộc xây dựng chế độ mới và bảo vệ nền độc lập của nhân dân Việt Nam gắn chặt với những thay đổi đó.

Sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu và ảnh hưởng của Liên Xô làm thay đổi tương quan chính trị, quân sự và ngoại giao trên thế giới. Liên Xô được coi như trụ cột của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình thế giới. Phong trào giải phóng dân tộc phát triển như vũ bão cùng với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong các nước tư bản đã làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc.

Để đối phó lại, các nước đế quốc đã tìm cách liên minh phản công lại lực lượng cách mạng trên phạm vi toàn thế giới. Mâu thuẫn giữa các lực lượng hòa bình, dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội do Liên Xô đứng đầu với các nước đế quốc và lực lượng đồng minh do Mỹ đứng đầu ngày càng trở nên gay gắt. Vừa mới ra đời, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã bị chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động liên kết với nhau bao vây, chống phá từ nhiều phía.

Theo Hiệp ước của Hội nghị Pôtxdam (17-7-2-8-1945), các đội quân Đồng minh được giao trách nhiệm giải giáp quân đội Nhật đã kéo vào Việt Nam ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công.

Ngày 28-8-1945, Tướng Lư Hán, chỉ huy quân đội của Tưởng Giới Thạch, dẫn 4 quân đoàn với quân số khoảng 200 nghìn người, kéo vào đóng ở Hà Nội và hầu hết các thành phố, thị xã từ biên giới Việt – Trung đến vĩ tuyến 16. Tính chất ô hợp và sự quấy phá, nhũng nhiễu của đội quân này đã gây cho Chính phủ và nhân dân ta ở miền Bắc rất nhiều khó khăn. Nhân dân ta gọi đội quân này là “Nạn Tàu vàng”. Quân Tưởng buộc Việt Nam thực hiện chế độ trưng thu lương thực để cung cấp cho chúng. Chúng đòi Việt Nam mỗi tháng phải cung cấp 10 nghìn tấn gạo, trong khi chính nhân dân Bắc Bộ đang phải chịu hậu quả của nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử đất nước. Tướng Lư Hán còn ép Việt Nam phải để cho quân lính được tiêu đồng bạc Quan kim đã mất giá của họ trên đất Việt Nam.

Ngày 28-9-1945, tại ngôi nhà nguyên là Phủ Toàn quyền Pháp tại Hà Nội đã diễn ra lễ đầu hàng Đồng minh của quân đội Nhật. Tướng Lư Hán chủ trì buổi lễ và đọc một bản tuyên ngôn nói rõ nhiệm vụ của quân đội Trung Hoa sang Việt Nam để tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật chứ không can thiệp vào chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế, hành động của họ lại trái ngược. Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ giải giáp quân Nhật, quân Tường còn nuôi ý đồ giúp các lực lượng phản động chống đối cách mạng Việt Nam.

Khi kéo vào Việt Nam, quân đội Tường đã dẫn theo một số người Việt Nam nằm trong lực lượng Việt Nam Quốc dân Đảng (gọi tắt là Việt Quốc, do Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam đứng đầu) và lực lượng Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (gọi tắt là Việt Cách do Nguyễn Hải Thần đứng đầu) vốn sống lưu vong ở Trung Quốc về theo, nhằm tìm cách lật đổ chính quyền dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời, lập chính phủ thân Tường.

Lực lượng Việt Quốc và Việt Cách, nhờ sự hỗ trợ của quân Tường, đã chiếm giữ một số nơi ở Yên Bái, Vĩnh Yên, Móng Cái. Quân Tưởng tiến hành nhiều hoạt động vu cáo, nói xấu Việt Minh, chống chính quyền cách mạng và ngang nhiên đòi gạt các bộ trưởng là đảng viên cộng sản ra khỏi Chính phủ. Quân Tưởng còn quậy phá, cướp bóc, gây tình hình lộn xộn ở những nơi chúng kéo tới đóng quân. Cùng với quân Tưởng, các lực lượng Việt Quốc, Việt Cách đã gây cho chính quyền cách mạng non trẻ và nhân dân ta rất nhiều khó khăn.

Ở miền Nam, tỉnh hình còn nghiêm trọng hơn ở miền Bắc. Ý đồ trở lại xâm chiếm Việt Nam của thực dân Pháp ngày càng lộ rõ.
Những biến chuyển của tình hình chính trị ở Đông Dương nói riêng, trên phạm vi châu Á và thế giới nói chung trong năm 1945 làm cho Chính phủ Pháp thấy cần phải có những thay đổi trong chính sách nếu không muốn để mất Đông Dương. Ngày 17-8-1945, Ủy ban quốc phòng Pháp quyết định lấy Sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9′ do Tướng Valluy chỉ huy, Sư đoàn thiết giáp do Massu chỉ huy và Sư đoàn bộ binh thuộc địa số 3 để lập lực lượng viễn chinh Pháp ở Viễn Đông (sau đổi là đạo quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông) đưa sang Đông Dương.

Tướng Leclerc được cử làm Tổng chỉ huy lực lượng lục quân Pháp ở Viễn Đông. Đô đốc D’Argenlieu được cử làm Cao ủy kiêm Tổng tư lệnh Hải quân Pháp ở Viễn Đông. Ủy ban hành động giải phóng Đông Dương được cải tổ thành Ủy ban Đông Dương do tướng De Gaulle làm Chủ tịch (có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Thuộc địa). Ngày 18-8-1945, Leclerc đã đến Candy (Ấn Độ) yêu cầu viên Tư lệnh quân Anh ở Đông Nam Á là Mounbatten giúp đỡ Pháp quay lại Đông Dương.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x