
Lính Bay 1 – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Lính Bay 1 của tác giả Phạm Phú Thái mời bạn thưởng thức.
16 tuổi, tôi vào bộ đội
Năm 1965.
Năm học lớp 8 phổ thông của tôi diễn ra trong bối cảnh thật sôi động. Sôi động vì tình hình chiến sự, vì nhiều ngã rẽ bất ngờ trong cuộc đời các học sinh cấp ba Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ nói riêng và lớp thanh thiếu niên miền Bắc nói chung. Chiến tranh, bom đạn đã trực tiếp lan rộng ra miền Bắc. Đài truyền thanh liên tục truyền đi những tin tức về sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam. Những tấm gương hy sinh dũng cảm của các liệt sỹ, nhân dân, bộ đội của cả hai miền được đưa ra học tập, thông báo khơi dậy lòng căm thù. Từng lớp, từng lớp người tòng quân ra trận. Không khí náo nức đó đã tác động rất nhiều vào chúng tôi. Các bạn bè tôi lần lượt được chuyển thành Đoàn viên thanh niên lao động. Có người còn được đi học cảm tình Đảng để được kết nạp Đảng vào cuối năm.
Tôi vì chưa đủ tuổi vào Đoàn nên vẫn phải đeo khăn quàng đỏ đến trường. Nhưng đến đầu năm 1965 thì người tôi tự nhiên dài ra rất nhanh. Đứng xếp hàng luôn phải đứng cuối vì chiều cao 1m67 trông lộc ngộc. Tôi hơi bị ức chế khi “phải” đeo khăn quàng đỏ đến trường nên thay vì phải đeo khăn quàng từ nhà thì tôi và một số bạn nữa đến trường mới đeo, đeo trước khi vào cổng để tránh đội “trật tự” ghi sổ nhưng rồi sau đó thì bỏ hẳn. Vào học lớp 8, những bạn bè quen từ cấp I, cấp II cũng vắng mặt bớt vì một số do học lực, số khác do điều kiện kinh tế gia đình hoặc do thiên hướng cá nhân nên bỏ học để đi làm hay học trung cấp để sớm ra nghề. Tôi tỏ ra chín hơn, tập trung và đĩnh đạc hơn một chút trong học tập nên kết quả học tập tương đối khả quan, nhưng trong đầu đã nảy sinh ý định “thoát ly” gia đình để cùng các anh, các bạn đi bộ đội.
Sau mấy lần báo động Phòng không do máy bay Mỹ, các gia đình và cơ quan gần nhà tôi cũng phải đào hầm, hố tránh bom và giao thông hào cùng công sự bắn máy bay. Một hôm, tôi về nhà thì nghe thấy cô tôi bàn với ba, mẹ tôi với vẻ lo lắng:
– Thế này thì chiến tranh lan ra đến đây rồi. Lo sớm cho thằng Thái đi học Liên Xô đi chứ không người ta lại lấy vào bộ đội mất. Hòn tên mũi đạn chả biết đâu mà lần đâu!
– Nó mới 15 tuổi – Ba mẹ tôi chỉ ẩm ừ.
Tôi hơi bực với cô nhưng không dám thể hiện. Chẳng gì tôi cũng sắp là thanh niên. Sợ gì hòn tên mũi đạn chứ.
Mãi sau này tôi mới hiểu ý bà cô tôi. Hàng chục năm, từ ông bà nội đến gia đình chú, bác và các cô tôi, mọi người quá vất vả trong cuộc mưu sinh và biến động xã hội, thời cuộc. Bác cả Thanh thì không có con, ba tôi đi hoạt động cách mạng sớm, khi mới sinh chị tôi thì đã bị Pháp bắt giam, tù đầy làm gia đình tan tác. Cho nên cô tôi cứ đau đáu nỗi lo phục hưng dòng giống. Cô từng bôn ba, buôn bán Bắc Nam cùng với chị ruột là bà Tèo. Có được ít đồng vốn thì lại nghe tin ruộng vườn nhà cửa bị lần lượt bán, để gán nợ do ông tôi đánh bạc. Cô vội về, chuộc lại được một ít.
Khi nghe tin mẹ tôi sinh được tôi là con trai, lúc ông nội tôi sang tuổi 70, cả nhà mừng lắm. Cô tôi quyết định về chăm cháu đích tôn của dòng họ. Cô đã được thím ruột tôi dẫn đường chỉ lối và lặn lội đi bộ từ Thái Bình qua Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang về tới quê ngoại tôi là Đan Thượng, Hạ Hòa, Phú Thọ để trông nom tôi ròng rã ba tháng liền. Chuyến đi của bà có thể kể thành câu chuyện ly kỳ và dài dòng, tôi sẽ kể lại sau này. Phải nói bà cô rất phong kiến, coi trọng việc gìn giữ sự tiếp nối của dòng tộc. Cũng vào thời gian đó, chú Hoài kế ba tôi đã đưa thím tôi từ Bắc Cạn – Thái Nguyên về quê để sinh ra em Phương, nhưng bà vẫn kiên quyết lên ở với gia đình tôi vì Phương sinh trước tôi vài tháng nhưng lại là con gái. Nhà hiếm cháu trai, cô chẳng muốn tôi phải ra trận.
***
Cuối học kỳ II lớp 8, có một đoàn cán bộ quân y đến trường cấp III Hùng Vương khám tuyến bộ đội. Tụi học sinh nam lớp tôi được các bác sỹ đến ngắm nghía và chỉ định cho những ai được đi khám tiếp. Đâu được hơn chục người, tôi là một trong số đó. Về nhà, tôi giấu không kể với ai. Mấy hôm sau chúng tôi cùng với khoảng vài chục người học lớp trên được triệu tập tới dãy nhà lợp lá cọ ở chân đồi phía trước, bên trái dãy nhà học đường chính – dãy nhà được dùng làm phòng thí nghiệm của trường để khám theo từng chuyên khoa. Chúng tôi được cân, đong, đo, đếm kỹ: chiều cao, cân nặng, tim mạch, huyết áp, mắt mũi, răng, hàm, miệng, phản xạ thần kinh, vòng đo các loại.
Trong khi khám chúng tôi mới láng máng biết đây là đợt khám tuyển phi công cho Không quân. Thế là trường tôi được một phen bàn tán sôi nổi. Thời gian này, tiếng tăm lừng lẫy của các phi công Việt Nam Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan và đồng đội đánh thắng Không quân Mỹ ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965 đang làm háo hức lớp thanh niên miền Bắc, cộng với hình ảnh các máy bay phản lực của ta bay qua bầu trời êm ả của cái thị xã nhỏ bé yên lành, càng làm cho đề tài tranh luận, tìm hiểu, nghe ngóng sôi động hơn… Được một thời gian ngắn tình hình trở lại yên ắng vì không thấy kết quả gì từ đợt khám tuyển, chúng tôi lại lao đầu vào học tập, chờ đợi và thực hiện các công việc chuẩn bị cho sơ tán. Bà cô tôi ngán ngẩm lắc đầu “lại tản cư, chiến tranh đến nơi rồi, lại khổ lắm đấy cho mà xem”.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.