Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Lính Bay 2 của tác giả Phạm Phú Thái mời bạn thưởng thức.

Đi phép trên chuyến tàu thời chiến

Bước vào năm 1969. Hoạt động bảo vệ giao thông chiến lược của chúng tôi có vẻ như chùng hẳn xuống ở khu Bốn. Mặc dù chiến sự ác liệt vẫn diễn ra phía nam giới tuyến 17 rồi lan cả sang Lào, Campuchia, nhưng không khí “hòa bình trong chiến tranh” đã dần quay lại trên miền Bắc. Cư dân các thành phố lớn ở miền Bắc lần lượt quay về nhà từ các khu vực sơ tán. Chúng tôi cũng được nới lỏng sức ép từ trực chiến, từ các nhiệm vụ và từng bước giải quyết các đợt nghỉ “tranh thủ”(1). Một buổi chiều sau Tết Kỷ Dậu 1969, tôi được chính trị viên gọi lên:

– Đồng chí được tranh thủ về nghỉ thăm gia đình trong ba ngày. Bắt đầu từ ngày mai!

Tôi được dặn dò giữ gìn sức khỏe, an toàn, bí mật nhưng hầu như chẳng nhập tâm gì hết. Chỉ biết rằng, lòng tôi vui phơi phới, rộn ràng, náo nức, chỉ mong được về nhà cho nhanh. Tôi buột miệng hỏi:

Thế tôi xin đi ngay chiều tối nay được không anh? Vì chiều nay có chuyến tàu khách qua ga Phúc Yên, ngược Phú Thọ, Lào Cai.

Suy nghĩ một chút, chính trị viên trả lời:

– Cậu thu xếp về tối nay cũng được.

Chỉ kịp nói câu cám ơn, xã giao, tôi chào chính trị viên và lao ngay về phòng. Tin tôi được nghỉ phép lan nhanh. Anh em trong đơn vị ai cũng mừng. Bao lời khuyên, bao lời dặn dò được đưa ra. Có người lại nhắc xuống quân nhu xem có mua được ít kẹo, bánh gì đó làm quà không? Thật là tíu tít cả lên.

Cuối cùng thì mọi chuyện cũng ổn. Tôi mượn được chiếc xe đạp của anh Nguyễn Văn Lý. Một chiếc Favourit đàng hoàng để đi chuyến phép đầu tiên đời quân ngũ. Tôi cũng kịp có ít kẹo, cà phê. Không có bánh thì thay bằng vài gói lương khô 701 của Trung Quốc viện trợ. Trong túi rủng rỉnh tiền lương sỹ quan (truy lĩnh 3 tháng lương thiếu úy) cộng với số tiền lương binh nhì, rồi binh nhất từ tháng 7 năm 1965 chẳng mấy khi dùng đến, tổng cũng được gần 400 đồng. Tôi chào mọi người rồi nhảy lên xe, cúi rạp người phóng.

Mới hơn năm giờ chiều mà trời đã nhá nhem tối. Tôi cho xe uốn lượn theo lề đường để tránh đá sỏi lổn nhổn ở giữa. Qua khu E, ven đập Đồng Quan, rồi ra đường lăn nối sân bay với rặng núi Dây Diều (Am Lợn). Đoạn từ khu E ra là đường đất nên khá bằng phẳng. Trời rét ngọt, mưa xuân nhè nhẹ, trong lòng càng hứng khởi. Xe tôi lao vun vút trên đường đổi núi vắng vẻ. Thỉnh thoảng mới gặp xe chở các tốp thợ kỹ thuật đi làm máy bay ở các ụ sơ tán trở về. Nhận ra tôi, mấy anh bạn quen réo rắt gọi tên “Đi đâu muộn thế? Phép à? Vui vẻ nhé!”. Tôi gật đầu chào, toét miệng cười, giơ tay vẫy và vẫn gò lưng tăng tốc.

Quốc lộ số 2 – huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc những ngày này thưa thớt xe cộ các loại nên tôi vẫn phóng khá thoải mái, mặc dù trời tối. Hai bên đường hầu như không có nhà cửa, vào trong thị xã mới thấp thoáng có bóng điện. Điện áp yếu nên bóng đèn đường đỏ quạch, chỗ có chỗ không.

Nhà ga thời chiến tranh khá đơn giản. Phòng đợi tàu kiêm bán vé chỉ vài chục mét vuông. Trong phòng kê mấy cái ghế băng nhưng không còn chỗ trống. Người nằm, người ngồi rất lộn xộn. Tôi cảm nhận được những ánh mắt tò mò, xét nét chiếu vào mình.

Nhìn ra xung quanh, khách đi tàu dù già, trẻ, hay trung niên đều ăn vận một màu tôi tối, xam xám, hoặc cỏ úa của bộ quân phục cũ. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao mình gây chú ý: chiếc áo bốn túi phát cho sỹ quan mới được lĩnh bằng chất vải bông, cái quần màu xanh bằng vải ga-ba-din Liên Xô được phát ở trường Không quân tuy đã gần mất hết ly nhưng vẫn bảnh bao nét là lượt, lại thêm đôi giày đen bóng loáng.

Những thứ mang trên người đều vừa khít với tôi, tạo thêm dáng khỏe khoắn cho tuổi trẻ, trong vóc dáng cao ráo. Chợt nhớ đến vụ tổng kết kiểm điểm cuối năm bị phê bình mới đây, tôi cười buồn! Nhanh chóng mua vé cho người và xe đạp xong, nhìn tấm bảng thông báo thấy còn hơn một tiếng nữa tàu mới đến, tôi lần vội ra ngoài, chọn quán nước xa nhất chui vào. Tôi cởi chiếc áo bốn túi sỹ quan nhét vào chiếc ba lô mang theo, ngồi xuống:

– Cho xin chén nước chè, bà chị!

– Mời chú ngồi, có ngay đây! – Bà chủ quán cỡ tuổi gần bốn mươi xởi lởi.

– Chè ở đâu mà thơm thế! – Tôi buột miệng khen.

Chè Thái Nguyên đấy chú. Uống đi, uống đi. Nhà có cậu em, đóng quân trên Thái Nguyên mới mua hộ được mấy lạng…

Tôi vừa nhâm nhi chén trà ngon vừa nghe bà kể lể chuyện cậu em mang mấy lạng chè mà phải xin xỏ, đưa giấy tờ là quân nhân về phép ra sao mới được người ta chiếu cố cho đi. Bà chủ quán cười tít mắt, vừa nói chuyện vừa nhìn tôi chăm chăm rồi hỏi:

Chú là lính sân bay hả? Được về phép à?

Tôi hơi ngạc nhiên, hỏi lại:

Sao chị đoán vậy?

Nhìn chú cái là biết ngay, việc gì phải đoán. Quán chị thường xuyên tiếp lính quần xanh các chú từ sân bay lên mà. Trông chú nào cũng đẹp, ăn mặc đều giống nhau thế này.

– À ra thế! – Tôi ậm ừ cho qua chuyện, rồi chỉ im lặng nghe bà chủ quán kể lể những ai, tên gì ở sân bay hay ghé qua quán này và đủ thứ chuyện trên đời khác. Ngồi chờ thêm một lúc, tôi dắt xe ra ga.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x