Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Lời Nguyền Shiraisan của tác giả Otsuichi mời bạn đọc thưởng thức.

Năm 1955. Bấy giờ Mizorogi Gen mới mười tuổi và đang sống ở nông thôn vùng Kinki. Mặt sau nhà là núi, cây bụi bao quanh sân. Vào một ngày mùa hạ, cậu bé Mizorogi đang chơi bóng trong sân thì ngờ ngợ là có ánh mắt nhìn mình qua bụi cây.

“Ai đấy?” Mizorogi hỏi, và một cậu bé trạc tuổi cậu vạch cây bước ra. Bên kia bụi cây là sườn núi, nên chắc là cậu ta từ trên núi đi xuống, khuôn mặt đen thui không biết do bẩn hay do cháy nắng, chỉ lòng trắng của mắt là sáng rỡ. Quần áo cậu ta xộc xệch và thủng lỗ chỗ. Cậu bé tỏ ra thích thú với quả bóng Mizorogi đang cầm.

“Chơi cùng không?”

Cậu bé không nói lời nào, nhưng có lẽ vẫn hiểu, và gật đầu với vẻ mặt trống rỗng. Hôm đó, Mizorogi chơi bóng với cậu bé cho đến tận giờ ăn tối.

Hoàng hôn, khi bầu trời chuyển sang màu đỏ, mẹ ra khỏi nhà gọi, “Đến giờ về rồi con”. Mizorogi đáp vâng, khi quay lại thì cậu bé lạ mặt đã biến mất, những cành cây bụi đung đưa cho thấy cậu ta vừa bỏ chạy.

Bữa cơm chiều, nghe Mizorogi nói, cha đoán, “Chắc là con của sơn dân.”

Cha kể rằng ở Nhật Bản từng có những người sống lặng lẽ trên núi, mưu sinh bằng săn bắt và hái lượm, thỉnh thoảng xuống làng mạc nơi chân núi buôn bán đồ thủ công bằng tre. Sau chiến tranh, việc đăng kí hộ khẩu được tiến hành sát sao nên càng ngày càng ít sơn dân. Cậu bé mà Mizorogi chơi cùng có thể là hậu duệ của thiểu số còn lại.

Trên thực tế, có thể cậu ta chỉ là một cậu bé bỏ nhà ra đi, nhưng câu chuyện của cha vào thời điểm ấy đã quyết định con đường tương lai của Mizorogi.

Những năm 1960. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, Mizorogi đã tiến hành nghiên cứu và công bố một số chuyên khảo về sơn dân.

Ngoài ra, ông quan tâm đến cả tín ngưỡng bản địa cùng bốn đại nghi lễ truyền thống là quán-hôn-tang-tế (trưởng thành, kết hôn, tang ma, cúng giỗ) và đi khắp đất nước để khảo sát chủ đề này.

Ông cũng lập gia đình, nhưng không may mắn về đường con cái.

Ở tuổi ngũ tuần, Mizorogi nghỉ công việc giảng dạy ở đại học và chuyển về quê vợ để tập trung viết sách. Quê vợ ông ở thành phố Y, tỉnh F. Gần đấy có một khu suối nước nóng tên là Sogen, Mizorogi cho rằng đây là nơi tuyệt vời để dưỡng già.

Chuyển về chưa bao lâu, ông đã kết thân với lũ trẻ hàng xóm. Ông rủ chúng đến nhà và đọc cho chúng nghe rất nhiều sách. Giá sách của Mizorogi không chỉ có sách học thuật, mà có cả những ấn phẩm khiến trẻ con hứng thú, như tập tranh yêu quái… Vợ ông cũng niềm nở với lũ trẻ và thường xuyên cho chúng bánh kẹo.

Viết sách được một thời gian, Mizorogi đột nhiên quyết định đào bới lịch sử địa phương. Nguồn cơn là do một lần tán gẫu với chủ quán trọ lâu đời nhất ở khu suối nước nóng Sogen.

“Quán trọ chúng tôi hoạt động từ trước chiến tranh, tiếp đón du khách ở mọi miền đất nước đổ về.”

Chủ quán kể, từ thời Minh Trị, Đại Chính hoặc thậm chí sớm hơn, đã có nhiều quan chức đến thăm thú nghỉ ngơi ở vùng này.

Nghe thế, Mizorogi rất ngạc nhiên, cũng rất thắc mắc tại sao các yếu nhân lại tới tận đây. Đúng là suối nước nóng ở Sogen rất tuyệt, nhưng giữa bao nhiêu địa phương suối nước nóng nổi tiếng, tại sao họ phải đến tỉnh F, vốn khá xa Tokyo. Mizorogi nghi chủ quán nói dối để câu khách, vì vậy ông quyết định xem xét vấn đề một cách nghiêm túc.

Mizorogi đến thăm kho tư liệu của thành phố, tìm kiếm mô tả về vùng đất xung quanh suối nước nóng Sogen. Ngoài ra, ông cũng hỏi chuyện một ông lão nắm rõ những sự kiện ngày xưa. Ông lão đã hơn chín mươi tuổi nhưng còn nhớ như in nhiều chuyện xảy ra vào đầu thời Chiêu Hòa.

“Có độ hai chục người lính mặc quân phục đã đến đây.”

Đó là tầm thời gian nổ ra Chiến tranh Thái Bình Dương. Tốp lính nán lại khu suối nước nóng một đêm và rời đi ngay hôm sau. Ông lão đã dò hỏi một trong những người lính đang chuẩn bị khởi hành.

“Tôi hỏi anh ta định đi đâu. Anh ta bí mật nói với tôi rằng họ sẽ đến một nơi giống như đền thờ để cầu nguyện.”

Thiên hạ đồn rằng họ đi lên vùng núi phía Bắc khu suối nước nóng.

Nghe xong, Mizorogi tra bản đồ, nhưng không tìm thấy miếu mạo hay đền thờ nào ở vùng núi này cả. Ông tới kho tư liệu thành phố, đối chiếu với một bản đồ cũ đầu thời Chiêu Hòa, thì phát hiện ra ở đấy từng tồn tại một ngôi làng.

Làng Bịt Mắt.

Lần đầu tiên Mizorogi nghe đến tên làng này. Tốp lính dừng nghỉ ở suối nước nóng trước khi lên làng. Có gì trên ấy?

Mối quan tâm của Mizorogi chuyển từ điều tra lịch sử địa phương sang làng Bịt Mắt. Ông lùng tìm tài liệu và thu thập thông tin liên quan đến vùng đất ấy, cuối cùng nắm được một số sự việc.

Làng Bịt Mắt sống yên bình trên núi, nhưng không lâu sau chiến tranh, toàn bộ cư dân bị dịch bệnh xóa sổ, ngôi làng coi như biến mất. Đường vào làng tắc nghẽn do sạt lở đất, đi lại rất khó khăn. Không thể đi ô tô, cuốc bộ lên núi là lựa chọn duy nhất. Mizorogi lại đang đau chân nên việc đến thăm ngôi làng hoang phế càng trở nên thách thức.

Thế rồi tình cờ, ông biết đến một bà lão tên là Ishimori Mibu. Bấy giờ ông tham gia vào một nhóm gọi là hội nghiên cứu địa phương và tiếp xúc với một người đàn ông lớn tuổi từng dạy ở trường tiểu học thành phố Y. Khi ông kể về những hoạt động gần đây của mình và nhắc đến làng Bịt Mắt, người đàn ông chừng như bừng tỉnh.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x