Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

1. Bông Hoa Nhỏ Trong Cung Đình Triều Lý

Lý Chiêu Hoàng tên thật là Lý Phật Kim, còn có tên khác là Lý Thiên Hinh, sinh tháng 9 năm Mậu Dần (1218), là con gái thứ hai của vua Lý Huệ Tông, mẹ là Thuận Trinh thái hậu Trần Thị Dung; sau khi ra đời bà được phong là Chiêu Thánh công chúa.

Nhà Lý từ đời vua Lý Cao Tông (1175-1210) đã bắt đầu đi xuống, giặc cướp nổi lên khắp nơi; đến đời Lý Huệ Tông tình hình càng trầm trọng hơn, loạn lạc không dứt khiến vua phải nhiều phen bôn tẩu, quan lại chia bè kết cánh, các phe phái cát cứ đánh giết lẫn nhau.

Để bình ổn xã hội, Lý Huệ Tông phải dựa vào thế lực của họ Trần và từ đó dòng họ này tìm cách tạo dựng vây cánh, thâu tóm quyền bính, khống chế triều đình. Tháng 10 năm Giáp Thân (1224) phe cánh họ Trần đứng đầu là Trần Thủ Độ lấy cớ vua mắc bệnh điên, ép Lý Huệ Tông phải nhường ngôi cho con gái, rồi đi tu ở chùa Chân Giáo nằm trong đại nội thành Thăng Long. Vậy là khúc quanh của lịch sử đã đưa đẩy Lý Phật Kim, một cô bé 7 tuổi bước lên sân khấu chính trị, mở đầu cho tấn bi kịch của đời mình. Được lập làm thái tử và ngay sau đó được truyền ngôi, trở thành nữ hoàng đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử Việt Nam với hiệu là Chiêu Hoàng, đặt niên hiệu là Thiên chương hữu đạo.

Ở ngôi báu vào lúc ấu thơ, Chiêu Hoàng tất nhiên chưa có khả năng chấp chính, vua cha thì trở thành Huệ Quang đại sư, mẹ thì đang lo nghĩ cho quyền lợi của dòng họ, chị gái thì đã hạ giá lấy chồng, “vua là thân gái bé, nào có biết gì” (Việt sử tiêu án). Hết chỗ dựa ở cha, không nương nhờ được ở mẹ, Lý Chiêu Hoàng trở nên lạc lõng giữa triều đình tiếng là của mình mà sự thực đã nằm trong tay họ Trần.

Nhằm đẩy mạnh kế hoạch “đảo chính cung đình”, Trần Thủ Độ đưa cháu là Trần Cảnh mới 8 tuổi vào cung làm người hầu cận cho Lý Chiêu Hoàng; mặt khác “tự đem gia thuộc thân thích vào ở trong cung cấm… đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan đến chầu không được vào” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Sau khi kiểm soát được hoàng cung, Trần Thủ Độ cho loan báo rằng nữ hoàng đã có chồng, đó chính là Trần Cảnh. Thế là chuyện chơi bời, đùa nghịch của con trẻ trở thành chuyện tình duyên và bị lợi dụng trong việc “mưu bá đồ vương” nơi cung cấm.

Chuyện đến sẽ phải đến, vở kịch chuyển giao ngôi vị từ họ Lý sang họ Trần hạ màn vào ngày 11tháng Chạp năm Ất Dậu (1225), tại điện Thiên An, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu “nhường ngôi cho chồng”, trong đó có đoạn viết: Trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, giữ thế nào nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản, đến thế là cùng cực rồi… Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy chỉ có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách hiền nhân quân tử, uy nghi đường hoàng, có đủ tư chất thánh thần văn võ…Sớm hôm nghĩ chín từ lâu, nghiệm xem nên nhường ngôi báu để thuận lòng trời, cho xứng lòng trẫm…” (Đại Việt sử ký toàn thư).

2. Nỗi Buồn Nơi Cung Cấm

Sau khi nhường ngôi cho chồng, Lý Chiêu Hoàng trở thành hoàng hậu Chiêu Thánh; ngỡ rằng từ đây cuộc đời bà chỉ có niềm hạnh phúc, vui lòng với bổn phận người vợ bên một bậc anh quân am hiểu rộng rãi, có tài thao lược là Trần Thái Tông. Thế nhưng điều băn khoăn, lo lắng nhất của Chiêu Thánh là không hiểu vì sao sau nhiều năm ở bên nhau mà hai người vẫn mãi chưa có con; đây chính là nguyên nhân dẫn đến một nỗi đau tình cảm của bà.

Thái sư Trần Thủ Độ sợ vua không có người thừa tự đã nói thẳng với Trần Thái Tông rằng: Hoàng hậu Chiêu Thánh làm vợ đã hơn 10 năm mà không sinh nở thì làm sao có hi vọng về sự nối dõi sau này, phải chọn một hoàng hậu khác! Nói là làm, bằng uy quyền của mình Trần Thủ Độ ép vua Trần Thái Tông phải lấy bà Thuận Thiên, lúc này đang có mang ba tháng (Thuận Thiên là chị ruột của Chiêu Thánh vợ của Trần Liễu, là anh ruột Trần Thái Tông).

Chính vì chuyện này mà Trần Thái Tông coi là “một điều nhục nhã, không xứng ở ngôi vua” (Đại Việt sử ký toàn thư) bèn bỏ kinh thành lên núi Yên Tử (nay thuộc Quảng Ninh) định xuất gia tu hành; còn Trần Liễu vì uất ức mà khởi binh làm loạn. Mặc dù mọi chuyện sau đó trở lại bình thường, Trần Thái Tông về Thăng Long, cuộc khởi loạn bị dẹp yên và Trần Liễu được tha tội nhưng chỉ có một người là chịu đau khổ nhất, đó chính là Chiêu Thánh. Tước hiệu Chiêu Thánh hoàng hậu bị phế, triều đình nhà Trần giáng bà xuống làm công chúa. Thế là trong ngót 20 năm phải làm công chúa lần thứ hai này, Chiêu Thánh sống âm thầm nơi thâm cung, một mình một bóng với nỗi hiu quạnh, khổ đau, buồn tủi.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x