Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

CHƯƠNG II : CÁ TÍNH

Muốn rõ đặc điểm một tác-gia nào, ta cần phải xét kỹ những cá tính của tác-gia ấy, thì khi trình bày và phê phán đời văn-học của họ, mới mong có thể nêu được nghệ-thuật-quan một cách chính xác và lời phê bình mới khỏi thiên lệch hoặc võ đoán. Vây, trước khi nói đến tư tưởng và nghệ thuật của Lý Văn-Phức, xin hãy xét qua cá tính của ông.

Thanh đạm. – Tính ông thanh đạm, thường ăn rau dưa, không thích những món ăn béo ngấy, nên trong bài « Thực thái » (ăn rau), ở tập Tiên-thành lữ-hoại, ông có câu : « Bình-sinh quán hoắc thực » (một đời lê-hoắc đã quen). Đến năm tân-sửu (1841), ông đi sứ Yên-kinh (nhà Thanh). Sứ bộ được thết cơm, ngày hai bữa thịt-thà la liệt. Ông có bài « Nhục thực, hí thành » (Nhân chuyện ăn thịt, mà làm chơi được bài thơ), đưa trình các bạn đồng-sự, trong có câu :

Vạn lý quan thân tồn thể diện,

Bán sinh lê-hoắc dịch can trường.

Dịch :

Muôn dặm cân-đai vì thể diện,

Nửa đời lê-hoắc đổi can trường.

Ý nói : Mình nay đóng vai sứ giả, muôn dặm ra nước ngoài, dù bấy lâu mình có sống quen cái cảnh muối dưa đi nữa, cũng phải giữ lấy thể diện là bậc « sang-cả biết ăn thịt » đây, âu thì hãy thay đổi bộ « lòng ruột đã quen ăn rau hàng nửa đời nay » mà nếm mùi cao lương vậy.

Khiêm-tốn. – Ông tuy học giỏi, thơ hay, thấy rộng, biết nhiều, kinh nghiệm phong phú, nhưng bao giờ cũng khiêm-tốn, giữ đức thìn mình. Chính ông đã tự nói khi ở chung với hai bạn là Giám-hồ Đỗ Tuấn-Đại 5 và Thật-hiên Trần Tú-Dĩnh 6 : « Tôi học rất ít và cô lậu, tính lại vụng-về và không sát thực tế, vẫn thường được hai bạn (chỉ Giám-hồ và Thật-hiên) xét tình lượng thứ, khuyên gắng lẫn nhau. » (Dư, học tối quả lậu, tính hựu sơ chuyết, nhị quân mỗi khúc vi nguyên lượng, giao lương húc miễn…)

Năm bính-thân (1836), ông đi sứ sang Áo-môn (Ma-cao), có người Trung-quốc (Đường nhân) đến xin câu đối treo cột nhà, ông đã nghĩ giùm cho rồi lại tặng thêm một bài thơ, trong có hai câu kết càng biểu hiện được cái đức khiêm-tốn của tác giả :

Bằng quân độc dạ hàm bôi ngoạn,

Khủng lạc phù danh hải ngoại tri.

Ý nói : Câu đối tôi làm đó chỉ cốt để ông, ban đêm, một mình, nhắp chén rượu mà thưởng ngoạn, chứ đừng phô phang với ai, vì e sẽ sa vào cái cảnh làm cho những người hải ngoại cũng biết đến danh hão của tôi !

Cương trực. – Ông là một người cứng-cỏi và kiên-quyết, một khi đã cho điều gì là phải – cố nhiên điều phải tương-đối, theo quan niệm và tập quán ở thời-đại ông – thì ông cố giữ đến kỳ cùng. Chứng cớ ấy thấy rõ trong việc ông không chịu nói hoặc viết tên húy nhà vua khi có việc ngoại giao với người Thanh :

Số là, năm tân-mão (1831), ông được cử cầm đầu sứ bộ, đi Phúc-kiến, hộ tống để giao trả nhà Thanh bọn Trần Khải (người Thanh) bị bão, giạt sang hải phận bên ta. Đến ngày 23 tháng tám năm ấy, Tôn Nhĩ-Chuẩn, tổng-đốc Thanh, ở Phúc-kiến, thấy công văn của Việt-nam chỉ đề quốc tính (họ Nguyễn) mà không biên tên quốc vương (tên vua Minh-mệnh). Khi Tôn làm tờ tấu lên vua Thanh, cần phải viết rõ cả tên lẫn họ quốc vương Việt-nam để làm bằng cứ.

Trong khi Tôn đang ngâm bút, đợi đủ tài liệu để viết, thì bốn năm lần sai người sang sứ quán hỏi ông : lần nào cũng bị ông thoái thác và biện bác mà không chịu sao lục tên húy. Sau, Tôn phải cử Hoàng Trạch-Trung, một viên tấn sĩ nhà Thanh, đã quen thân với ông, đến điều đình, nhưng rút cục cũng không lượm được kết quả gì cả. Cuối cùng, Tôn phải cử Lai Tích-Phồn, cũng là người Thanh, mà là bạn văn thơ với ông, thân đem bộ Khang-hi tự-điển sang sứ quán, dỗ ông rằng : « Để Phồn mở suốt bộ Tự-điển, lấy tay chỉ từng chữ, hễ chữ nào đúng ngự danh thì ông sẽ gật đầu một cái. Thế là do người khác tìm biết, chứ không phải tự ông nói ra… » Nhưng, ông vẫn kiên quyết mà biện-luận : « Xưa, trước mặt con mà gọi tên tự của cha, dẫu đứa trẻ cũng không chịu phục thay, huống chi bây giờ, trước mặt thần-tử mà hỏi tên cái của quân phụ, thì ai chịu trả lời ? ». Kết cục, Tích-Phồn, sứ-giả của tổng-đốc Thanh, không làm sao được, đành phải lặng ngắt lui về.

Tín ngưỡng. – Cũng như hầu hết những người Việt-nam – kể cả giới sĩ-phu – đương thời, ông tin quỉ thần và trọng thờ cúng. Khi gặp tai vạ nguy nan, ông chỉ biết tìm sự giải cứu ở giới vô-hình mà người ta gọi là « Trời, Đất, Thần, Thánh… » Xem chuyện sau đây thì đủ rõ :

Năm canh-dần (1830), ông cùng một số nhân viên triều Minh-mệnh được tuyển vào phái-bộ, cưỡi hai chiếc thuyền lớn bọc đồng, là chiếc Phấn-bằng và chiếc Định-dương, đem thủy-quân ra biển thao diễn. Ngày 9 tháng 4, năm ấy, thuyền bọn ông đến Phang-ca-la (Hán-văn gọi là Minh-ca). Khi vào cảng, đã gần tối. Gió cuồng chợt nổi, thủy thủ không kịp hạ buồm, vì thế thuyền cứ ngả nghiêng, chòng-chành, chao-chát : hai lần suýt đắm và một lần suýt va vào bờ. Quê người đất khách, ai cũng cầm chắc cái chết trong tay. Bấy giờ ông và mọi người chỉ còn một cách là thụp đầu lễ trước bàn thờ Thiên-hậu đặt ở trong thuyền : vừa khóc vừa khấn vái. Kế sau việc khấu đầu kêu khóc mà cầu đảo ấy, ông thuật tiếp rằng : « Thình lình buồm rách, thuyền lại được yên ; vội giục neo thuyền lại, được vô sự ».

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x