Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Ma Thổi Đèn Tập 6 – Nam Hải Quy Khư của tác giả Thiên Hạ Bá Xướng mời bạn thưởng thức.

CHƯƠNG 2: Tần Vương Chiếu Cốt kính

Giáo sư Trần nói: “Ủa, biết hết cả rồi à? Tốt, tốt, thật không ngờ cậu Nhất với cậu Tuyền béo đây… đều có tư tưởng giác ngộ cao như vậy, thế thì tôi cũng không lòng vòng nữa. Trung Quốc chúng ta có rất nhiều quốc bảo bị thất lạc ở hải ngoại, năm đó tôi và anh bạn Dương Huyền Uy mỗi lần nghĩ đến chuyện này lòng dạ cứ đau như dao cắt. Sau khi khỏi bệnh, tôi có ở lại Mỹ một thời gian, trong khoảng thời gian này, tôi đã tiếp xúc với một vài học giả và Hoa kiều, trong đó có không ít bậc danh gia chuyên nghiên cứu, sưu tầm, giám thưởng đồ cổ, từ chỗ họ đã biết ra được một sự việc kinh thiên động địa.”

Kế đó, giáo sư Trần lần lượt kể ngọn nguồn sự việc. Thuở trước có truyền thuyết rằng, khi còn ở ngôi, Tần Thủy Hoàng một lần tuần du về phương Nam, trên đường, thấy có người vớt được cái xác trôi ven biển. Thi thể đó là của một ông già, thân hình cao lớn dị thường, tướng mạo tiên phong đạo cốt, râu dài quá ngực, da trắng như ngọc, thịt chắc như thép, mặc trang phục mũ mão của bậc vương giả thời thượng cổ, chẳng biết đã trôi nổi trên biển bao nhiêu lâu, lại càng không thể biết được lai lịch cũng như nguyên nhân cái chết, nhưng thoạt nhìn qua, sắc mặt vẫn y hệt người còn sống, chẳng hề có dấu vết bị ngâm nước biển trong thời gian dài. Một cơn gió biển ùa thổi tới, râu và tóc cái xác cổ cùng phần phật tung bay, chẳng khác gì người sống.

Tần Thủy Hoàng đồ rằng đó chính là vỏ xác của tiên nhân ngoài biển để lại sau khi xuất hồn lên trời, cần phải đem thờ cúng cung phụng để cầu tiên nhân ban cho thuốc bất tử, song những người bên cạnh ông ta lại có cách nhìn khác. Tần Thủy Hoàng xưa nay rất mê tín vào các thuyết tu tiên luyện đan, thủ hạ dưới trướng ông ta có vô số phương sĩ[2], đều một mực cho rằng đây là cương thi cổ đại, là thứ yêu vật hóa thành, nhất định nổi lên từ hải nhãn ở Nam Hải, gặp phải nó đã là điềm chẳng lành, nói gì đến chuyện bái tế cầu thuốc. Sau đó, bọn họ lại giảng giải thêm, chuyện này từng xuất hiện lúc nào, ở đâu, tượng trưng cho điềm chẳng lành gì, cần phải xử lý thế nào mới ổn thỏa hợp lẽ.

Thời Tần, muốn làm phương sĩ kiếm cơm ăn không phải việc dễ, người thời xưa đa phần tương đối thực thà chất phác, chỉ biết nói năng một chút đã được coi là có tài hùng biện rồi. Muốn làm cố vấn cho hoàng đế, bản lĩnh quan trọng nhất chính là phải biết bốc phét, bốc phét sao cho người chết cũng sống lại được. Tần Thủy Hoàng kỳ thực vốn không phải là người dễ xuôi tai, nhưng đám người này nói cứ như thật, khiến ông ta rốt cuộc cũng xiêu lòng, vả lại, bản thân ông ta vốn rất tin mấy thứ chuyện huyền hoặc kiểu này, trong lòng không khỏi lo lắng rằng “hải nhãn xuất cương thi” là điềm báo mất nước. Thứ này không thể dùng lửa thiêu cháy, hay lấy dao búa bằm nát, chỉ có cách xử lý duy nhất là chôn sâu vào lòng đất, vậy nên Tần Thủy Hoàng đã lệnh cho ba vạn tù phạm khổ sai đục xuyên cả một ngọn núi hoang để chôn cất cương thi, đồng thời đúc một pho tượng thú bằng đồng đặt bên trên trấn áp, rồi thỉnh “Tần Vương Chiếu Cốt kính” trong Tần Vương bát kính, khảm lên đầu pho tượng, cuối cùng cho phong tỏa ngọn núi, ban sư hồi triều.

Người thời Tần Hán tin gương đồng có thể trấn áp cương thi, bởi người thời đó hễ đứng trước gương thì phải “chính dung”, xem nét mặt mình có trang trọng nghiêm túc hay không, y áo mũ mão đã chỉnh tề hay chưa, nếu có gì lệch lạc phải nhanh chóng chỉnh trang, nên gương đồng đại biểu cho “chính”, một chính áp được trăm tà, ngoài ra gương cũng mang hàm nghĩa “Dương”, tượng trưng cho ban ngày, có sức nhiếp phục đối với những thứ ma tà thuộc “Âm”.

Tần Vương thảo phạt sáu nước thống nhất thiên hạ, thu thập được không ít bảo vật thần khí của sáu nước. Trong những bảo vật ấy, đáng nhắc đến có tám tấm gương cổ, bao gồm cả tấm gương đồng của tổ sư Pháp gia, Tần Vương Chiếu Cốt kính. Tương truyền, tấm gương đồng của tổ sư Pháp gia có thể soi thấu cả gân cốt kinh mạch trên thân người, là bảo vật vô giá hiếm thấy trên thế gian. Bởi thế, Tần Thủy Hoàng mới đem kính này và xác cổ dưới biển khơi nổi lên kia, chôn chung vào một chỗ trong núi.

Tần Thủy Hoàng trở về Hàm Dương được chẳng bao lâu thì băng hà, Tần Vương Chiếu Cốt kính chôn nơi đâu trở thành một câu đố nghìn năm không lời giải đáp. Vật đổi sao dời, mãi đến cuối thời Bắc Tống, có người lên núi hái thuốc, chợt trông thấy trên không trung có năm con rồng tụ lại quanh một ngọn núi ác đấu với nhau. Cuối cùng cả năm con rồng đều chết, xác rồng từ trên trời rơi xuống, người hái thuốc chạy lại xem, chẳng thấy con rồng chết nào, chỉ thấy một cái rãnh lớn.

Người hái thuốc hoang mang tột cùng, mang chuyện đi kể với dân làng ở gần đó, ai nấy tranh nhau đổ xô đến xem, chỉ thấy trong rãnh có một vật lớn đang nhúc nhích như muốn đùn đất chui lên, tất thảy đều kinh hãi, tưởng là sơn quỷ tác quái, bèn phóng hỏa thiêu đốt. Sau khi lửa tắt, trong rãnh liền hiện ra một tượng thú lớn bằng đồng, đầu bò mình rùa, trên đầu có sừng như sừng bò, thân thể lại là mai rùa, có bảy cái đuôi, ở khúc đuôi cuối buộc vô số đầu lâu người, hình thái quái dị xấu xí, thập phần hung hãn. Trên đầu con quái thú bằng đồng ấy đội một tấm gương đồng tạo hình cổ phác, có người bèn gỡ lấy đem dâng cho thiên tử thời bấy giờ là Tống Huy Tông.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x