Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Mâm Ngũ Quả Đầu Tiên của tác giả Xuân Cang

Nhưng cái số tôi không ra khỏi làng được. Mười bảy tuổi vào Đoàn, mười chín tuổi đã làm bí thư, hai năm sau nữa làm đội trưởng dân quân, việc gì cũng đến tay.

Chỉ được ra khỏi làng có hai lần, đi thật xa, một lần lên Lào Cai, một lần vào Tây nguyên, không phải du lịch mà đi tìm rước hài cốt mấy thằng bạn liệt sĩ. Vinh quang thay cho chúng nó mà cũng khốn khổ thay cho vong hồn chúng nó, mộ đang chôn trên núi cao, nay về quê nằm trong nghĩa trang đồng nước, có tháng bảy phải đi thuyền vào đặt vòng hoa, thắp hương, tại đây chỉ cái đài liệt sĩ là không ngập nước.

Công việc thì lúc nào cũng ngập đầu, nhưng đám lãnh đạo chúng tôi không làm sao cho dân cho làng xóm giàu lên được. Tất cả trông vào đồng đất vào mùa đông xuân nước rút đi. Chúng tôi bày ra đủ phép: tìm giống lúa tốt, ngắn ngày, sai hạt, chen khoai màu, tận dụng đất đai đến từng ngày. Nhưng trí khôn cũng chỉ đến đấy thôi. Lại còn nội bộ đánh nhau nữa.

Một nhóm chủ trương phát triển cái chợ làm kinh tế thị trường, mở nhà hàng đặc sản, cá tôm, thịt chó, nấu rượu, rồi là đề đóm, rồi là dẫn “tiếp viên” về, đem luôn cả “ết” về. Một đằng là huy động vốn dân, lên rừng mở trại, trại đâu chửa thấy, thấy tòi ra một đám tham ô. Các cụ cựu chiến binh thì lao vào đấu tranh, đâm đơn kiện cáo. Sắp đến đại hội, các phe phái rình nhau từng miếng một, giống hệt Tôn Tẫn, Bàng Quyên.

Thế rồi, y như trong truyện cổ tích, những người ăn hiền ở lành mà lâm vào cảnh khốn khổ thì thế nào cũng có Bụt hiện về. Bụt hỏi: “Con muốn gì?”

Ông Bụt này tên là giáo sư Trương. Ông cầm đầu một nhóm nhà khoa học, đến làng tôi, đưa cái giấy giới thiệu của huyện, y như từ trên trời rơi xuống. Năm đó tôi đang làm phó chủ tịch xã, phụ trách sản xuất mùa vụ, dân quân, công an, sinh đẻ có kế hoạch… Ông Trương bảo: “Tôi đã đến đây nhiều lần, như người đi chơi thôi. Tôi đã ngắm kỹ đồng đất vùng ta. Tôi chọn cái rốn nước này giúp các cậu làm giàu. Nhưng tôi chỉ là người bày vẽ. Làm được hay không là ở các cậu”.

Lúc đó tôi chưa hình dung ông là ông Bụt. Chỉ thấy một ông già nhỏ thó, đầu bạc, lông mày bạc, da cổ nhăn nheo. Chỉ có cái trán và đôi mắt nổi bật lên. Hôm đầu tiên, ông bảo tôi đưa ông ra đầu làng, chỗ cái mũi nhọn con thoi khép lại bằng một mái tranh của cựu chiến binh Hẩn. Ông bảo:

– Lúc nãy tôi trông thấy trên bàn thờ nhà cậu có một mâm ngũ quả bằng tranh. Chỉ vài năm sau cậu sẽ có một mâm ngũ quả hái ngay trong vườn nhà, không phải đi mua ở đâu hết.

– Bác nói cứ như hoá phép ra không bằng. Làm sao cháu có vườn?

Ông chỉ xuống ruộng nước mênh mông:

– Vườn ở ngay đây chứ đâu?

Rồi ông bắt đầu bày vẽ cho tôi. Đúng là một phép lạ mà sao bao đời nay, tổ tiên chúng tôi, cả chúng tôi nữa, không nghĩ ra. Rồi ông hỏi tôi có dám thuyết phục gia đình đổi mấy đám “bờ xôi ruộng mật” trên đồng Cao, lấy hẳn mấy nghìn mét vuông này, biến cánh đồng ruộng chua phèn úng ngập quanh năm thành ao cá vườn cây, ruộng hai mùa, trên heo dưới vịt hay không?

Để tự tay cậu bóc cái tranh ngũ quả trên bàn thờ xuống, cái tranh ấy đẹp đấy, nhưng nó không có hồn, tự tay cậu sẽ hái quả trong vườn bày mâm ngũ quả đầu tiên thắp hương cúng ông bà ông vải nhà ta, làm gương cho cả xã hay không?

Câu chuyện bắt đầu như thế. Cái phép lạ ông bày cho chúng tôi là thế này: Trên một mặt phẳng đồng nước, đợi đến mùa khô ta đào một cái ao ở giữa làm cái rốn nước. Đất đào ao ta đắp lên bờ ngoài cùng, cao hơn mặt phẳng nước hàng năm, vừa làm bờ, vừa làm vườn. Quãng giữa ta để nguyên làm ruộng.

Đó là cả một công trình lao động, nhưng nói cho cùng chỉ đào và đắp. Ta sẽ có một khoảnh đất bậc thang, trên cùng là vườn, giữa là ruộng, mà ruộng này là ruộng hai mùa vì có thể điều tiết nước, dưới cùng là ao thả cá, chăn vịt. Lúa và cá là cái chắc. Còn vườn thì cải tạo đất, trồng cây ăn quả, xen canh với các loại đậu, rau, màu lấy ngắn nuôi dài. Giáo sư Trương bảo tôi:

– Cậu đã hình dung ra chưa? Nếu như trên vườn ta có kỹ thuật cải tạo đất, cậu trồng mươi bụi chuối, mươi cây đu đủ, mươi cây quất, cây chanh, một vạt dưa hấu, có phải ngay trong năm đầu cậu đã hái đủ trong vườn nhà một mâm ngũ quả để báo cáo các cụ rồi không?

Tôi như người bị ông bỏ bùa mê. Tôi báo cáo Đảng uỷ rồi mở một lớp tập huấn do các giáo sư ở Viện Kinh tế sinh thái Hà Nội về giảng bài và hướng dẫn. Không đợi tôi xung phong, tay Hẩn cựu chiến binh hăng hái đổi ruộng, lấy mặt nước cạnh nhà làm bài luôn. Nhưng đến lượt tôi, còn sáng kiến hơn.

Cái mô hình “thảo điền” của tôi bây giờ là thế này: trên cùng là chuồng heo, thứ đến là cây quả, thứ đến ao nuôi cá, nuôi vịt, một cái ao giống như cái hào, chạy vòng quanh bao bọc mặt ruộng nổi lên như hòn đảo, ruộng có bờ ngăn cách với bờ ao đủ để điều tiết nước cho hai đến ba mùa lúa. Trên bờ ao trồng cột bêtông chăng dây làm giàn cho bầu, bí, mướp, sắn dây trên vườn leo ra.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x